Báo Đồng Nai điện tử
En

Sạp thịt vỉa hè vẫn tràn lan

09:12, 02/12/2018

Từ tháng 7-2017, giá heo hơi có thời điểm giảm dưới 20 ngàn đồng/kg nên nhiều người chăn nuôi, tiểu thương tự giết mổ heo bày bán ở các sạp vỉa hè, lề đường… Sau hơn 1 năm, nhiều sạp thịt tự phát đã trở thành điểm kinh doanh... ổn định.

Từ tháng 7-2017, giá heo hơi có thời điểm giảm dưới 20 ngàn đồng/kg nên nhiều người chăn nuôi, tiểu thương tự giết mổ heo bày bán ở các sạp vỉa hè, lề đường… Sau hơn 1 năm, nhiều sạp thịt tự phát đã trở thành điểm kinh doanh... ổn định.

Sạp thịt bày ngay vỉa hè công khai trên đường Hoàng Minh Chánh (xã Hóa An, TP.Biên Hòa).
Sạp thịt bày ngay vỉa hè công khai trên đường Hoàng Minh Chánh (xã Hóa An, TP.Biên Hòa).

Cùng với hoạt động kinh doanh thịt heo tự phát này là những hệ lụy về mất an toàn thực phẩm, là đầu ra của các lò giết mổ lậu. Hiện vẫn còn hàng chục lò giết mổ lậu tồn tại trên địa bàn tỉnh dù các đoàn cơ quan chức năng Đồng Nai liên tục ra quân kiểm tra, xử lý.

* Từ tự phát đến ổn định

Hoạt động kinh doanh của các sạp thịt vỉa hè chủ yếu tập trung ở các chợ tự phát, ngõ hẻm, tuyến đường có đông công nhân qua lại, sinh sống. Ngay bên lề đầu đường Hoàng Minh Chánh (đoạn giao với đường Nguyễn Ái Quốc, xã Hóa An, TP.Biên Hòa) có 3 sạp thịt heo chiều mổ xuất hiện từ mùa “giải cứu” heo cuối năm trước vẫn tồn tại đến nay.

Theo các địa phương, nguyên nhân việc xử lý giết mổ lậu mãi vẫn không có hồi kết là do chế tài xử lý còn quá nhiều kẽ hở, mức xử phạt chưa đủ răn đe nên nhiều cơ sở giết mổ lậu vẫn tái phạm. Địa phương cũng gặp khó khăn khi muốn áp dụng các biện pháp cưỡng chế trong trường hợp cơ sở giết mổ lậu không chấp hành xử lý vi phạm, ngay cả những trường hợp bắt “tại trận” việc thu mua, giết mổ heo bệnh, heo chết… cũng không thể khởi tố hình sự do chưa có quy định.

Cách chợ đầu mối Hóa An chỉ vài trăm mét, các sạp thịt trên thu hút khá đông khách mua là công nhân hoặc người dân sinh sống quanh đó. Ngoài ra, một số hộ kinh doanh gà, vịt sống cũng bày hàng, tổ chức giết mổ ngay trên lề đường. Cách đó không xa, khu chợ tự phát trên đường Nguyễn Thị Tồn (cổng sau Công ty TNHH Pouchen Việt Nam) cũng có hơn 10 điểm bán thịt heo, gà sống bày dưới lòng đường để phục vụ người mua. Vào giờ công nhân tan ca, khu vực này luôn xảy ra tình trạng quá tải, kẹt xe vì cảnh lấn chiếm lòng đường để kinh doanh, mua bán.

Dọc theo tuyến đường nối từ đường Đồng Khởi vào chợ Trảng Dài (thuộc KP.2, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), đường Bùi Văn Hòa đoạn gần khu vực Khu công nghiệp Long Bình và Khu công nghiệp Biên Hòa 2... cũng không thiếu các sạp thịt “mổ chiều” đã trở thành quen thuộc với cả người mua và người bán.

Khảo sát tại các huyện, tình trạng kinh doanh sạp thịt vỉa hè bớt sôi động hơn so với đợt “giải cứu” heo, nhưng cũng không thiếu những sạp thịt vỉa hè tự phát đã đi vào hoạt động ổn định. Cụ thể, hơn 1 năm nay, dọc theo đoạn đường 768 vào Khu công nghiệp Sông Mây (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) xuất hiện nhiều sạp thịt vỉa hè bán thịt heo “mổ chiều”, thịt heo lai rừng, kinh doanh gia cầm sống… Khu chợ tự phát hình thành ngay trên tuyến đường dẫn vào Khu công nghiệp Hố Nai (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) hiện cũng không ít các sạp thịt vỉa hè hoạt động sôi nổi vào các phiên chợ trưa, chiều... 

* Khó xử lý dứt điểm

Trong năm 2017 và 9 tháng của năm 2018, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường (nay là Cục Quản lý thị trường Đồng Nai) và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra và đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 57 trường hợp giết mổ trái phép. Ngoài ra, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 4 vụ vi phạm về giết mổ lậu; Sở Công thương xử lý gần 400 vụ vi phạm về giết mổ, kiểm dịch, thịt không rõ nguồn gốc, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm... Các địa phương cũng phát hiện và xử lý 284 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực giết mổ, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sạp thịt tự phát này vi phạm hàng loạt quy định như: thịt không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm kinh doanh không đúng quy định... nhưng vẫn tồn tại suốt thời gian dài vừa qua. 

Chỉ ra nguyên nhân tình trạng xử lý sạp thịt vỉa hè và giết mổ lậu không có hồi kết, ông Hoàng Khánh Hưng, Phó trưởng trạm Thú y huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Giết mổ lậu vẫn hoành hành vì vẫn có thị trường tiêu thụ, có khách hàng. Trong đó, một trong những thị trường chính của giết mổ lậu là các sạp thịt kinh doanh tự phát”. Theo ông Hưng, khó khăn lớn nhất là mỗi đợt kiểm tra, có 20 sạp bán lề đường nhưng đoàn kiểm tra chỉ kiểm tra được 1 sạp vì các sạp kia đã kịp thời có phương án đối phó. Việc kiểm tra các điểm kinh doanh thịt heo tự phát chủ yếu dừng ở mức nhắc nhở và cho ký cam kết không tái phạm nên chưa đủ sức răn đe.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tính đến tháng 9-2018, trên địa bàn tỉnh còn 44 điểm giết mổ lậu, tăng 14 điểm so với tháng 8-2017 và tăng 4 điểm so với tháng 3-2018. Con số tồn tại trong thực tế có thể còn lớn hơn nhiều so với báo cáo của các địa phương.

* Lò mổ chính danh “ngắc ngoải”

Một nghịch lý là nhiều cơ sở giết mổ tập trung, được cấp phép lại đang rơi vào cảnh ế ẩm, thua lỗ vì không cạnh tranh lại các lò giết mổ lậu.

Sạp chợ vỉa hè bán trên tuyến tỉnh lộ 20 đoạn qua xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất).
Sạp chợ vỉa hè bán trên tuyến tỉnh lộ 20 đoạn qua xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất).

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Vĩnh Cửu, đơn vị đầu tư cơ sở giết mổ thuộc dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lifsap tại huyện Vĩnh Cửu chia sẻ: “Ngày đầu hoạt động, cơ sở chỉ giết mổ 1-2 con heo/ngày mà phải ngược xuôi khắp nơi bán thịt vì không có bạn hàng. Nguyên nhân là do chúng tôi không cạnh tranh lại hoạt động giết mổ lậu. Tiểu thương không muốn đưa heo vào lò giết mổ tập trung vì chúng tôi kiểm soát rất kỹ nguồn gốc heo; heo bệnh, heo chết không được phép giết mổ tại lò”. Cũng theo bà Hương, hiện công suất của cơ sở tăng lên từ 50-60 con heo/ngày nhưng chủ yếu cung cấp vào hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp cả ở thị trường Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh; chưa cạnh tranh được với các lò mổ lậu trong việc cung cấp heo thịt cho các chợ nhỏ, lẻ tại địa phương.

Khó khăn của bà Hương cũng là vấn đề chung của các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn Đồng Nai. Theo bà Lê Thị Thu Hoài, Giám đốc Ban Quản lý Lifsap, toàn tỉnh có 33 cơ sở giết mổ tập trung được Lifsap hỗ trợ đầu tư. Hiện công suất hoạt động thực tế của các cơ sở giết mổ tập trung đạt chưa đến 50% so với công suất thiết kế. Không ít cơ sở giết mổ Lifsap đang thua lỗ, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản do không cạnh tranh lại với lò giết mổ lậu. Các chủ đầu tư mới cũng e ngại nên việc hoàn thành mục tiêu quy hoạch giết mổ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình trạng các sạp thịt tự phát vẫn tồn tại trên các tuyến tỉnh lộ hoặc ở ngoài khu vực các chợ truyền thống, bà Nguyễn Thị Mai, một tiểu thương bán thịt heo chợ Dầu Giây (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) kiến nghị: “Nhiều khách hàng đã quen mua thịt tại các sạp thịt vỉa hè vì tiện lợi mà bỏ qua vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mong các cơ quan chức năng dẹp bỏ tình trạng buôn bán thịt heo tự phát đang ảnh hưởng rất nhiều đến việc kinh doanh buôn bán của tiểu thương trong chợ”.

Hữu Thắng

Bình Nguyên

Tin xem nhiều