Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân bón sốt giá, nông dân gặp khó

10:12, 07/12/2018

Hơn 1 tháng nay, giá các loại phân bón đồng loạt tăng cao, khiến nông dân gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản bị rớt giá, khó khăn về đầu ra...

Hơn 1 tháng nay, giá các loại phân bón đồng loạt tăng cao. Năm nay, thị trường phân bón tăng giá mạnh với mức tăng thất thường khiến nông dân không kịp trở tay. Nông dân càng khó khăn vì giá phân bón tăng mạnh trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản bị rớt giá, khó khăn về đầu ra.

Nông dân bức xúc vì thị trường phân bón tăng bất thường. Trong ảnh: Công nhân đang đóng gói phân bón tại một cơ sở sản xuất ở huyện Xuân Lộc.
Nông dân bức xúc vì thị trường phân bón tăng bất thường. Trong ảnh: Công nhân đang đóng gói phân bón tại một cơ sở sản xuất ở huyện Xuân Lộc.

Chưa kể, lợi nhuận từ phân bón tăng cao là cơ hội cho phân bón giả, phân bón kém chất lượng trà trộn ra thị trường. Tại các vùng nông thôn, hoạt động tiếp thị, quảng bá phân bón khá sôi động mà chưa có sự quản lý chặt chẽ.

* Giá phân bón “ăn” hết đồng lời

Theo nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh, các loại phân bón đột ngột sốt giá với mức tăng từ 10-30% so với vài tháng trước đó. Đứng đầu về mức tăng cao là những loại phân được sử dụng nhiều như: phân urê đang từ mức 350-370 ngàn đồng/bao đã tăng lên 440-470 ngàn đồng/bao, phân DAP tăng từ 510 ngàn đồng/bao lên 690 ngàn đồng/bao; các loại phân khác như: kali, NPK... cũng tăng thêm từ 30-40 ngàn đồng/bao.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, kết quả thanh tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 19 vụ vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất phân bón. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: vi phạm kinh doanh phân bón kém chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa… Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 333 triệu đồng.

Ông Trần Văn Trung, nông dân trồng rau tại cánh đồng Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) tỏ ra lo lắng vì giá phân, thuốc bảo vệ thực vật liên tục nhích lên. Hơn 1 tháng qua, giá các loại phân hóa học như: urê, kali, NPK, DAP... tăng lên bất thường với mức từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng/bao gây khó khăn rất nhiều cho sản xuất.

“Chi phí phân bón, thuốc trừ sâu không ngừng đội lên đang “ăn” vào lợi nhuận của nông dân. Nông dân càng khốn khó vì thời gian qua nhiều mặt hàng nông sản như: quýt, cam, tiêu, cà phê... đều rơi vào cảnh rớt giá. Thu không đủ bù chi khiến nông dân phải đi vay nóng hoặc ký nợ từ các đại lý khiến giá phân còn bị đẩy lên cao hơn so với mặt bằng chung ngoài thị trường” - ông Trung nói.

Nông dân trồng cà phê trên địa bàn Đồng Nai đang tiếp tục chặt bỏ cây trồng này vì giá bán hạt cà phê quá thấp trong khi chi phí đầu tư lại đội lên quá cao, trong đó có nguyên nhân phân bón sốt giá.

Ông Đỗ Văn Nghĩa, Giám đốc Hợp tác xã Lộc Phát (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) chia sẻ: “Thu hoạch cà phê xong, nông dân phải có đợt bón phân nhiều để dưỡng cây. Nhưng giá cà phê quá thấp trong khi phân bón lại tăng cao khiến nhiều hộ chọn giải pháp chặt bỏ cây trồng này”. Theo đó, tuy hợp tác xã tham gia dự án cánh đồng lớn cà phê 4C nhưng chưa thể tổ chức mua chung các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để có giá tốt như mục tiêu đề ra vì để làm đầu mối cung cấp phân cần nguồn vốn quá lớn.

* “Loạn” thị trường phân bón

Hiện nay, phân bón từ nhà máy bán lẻ đến tay nông dân thường qua đến 4-5 cấp đại lý, quá nhiều khâu trung gian cũng góp phần đẩy giá mặt hàng này lên cao. Bên cạnh đó, một điều bất hợp lý của thị trường phân bón là chỉ cần vào vụ sản xuất, nhu cầu tiêu thụ tăng là giá phân bón bị đẩy lên cao. 

Ngoài việc giá phân bón bị đẩy lên cao thì nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng cũng đang là vấn đề gây bức xúc cho nông dân. Nông dân hiện đang lọt vào “ma trận” vì thị trường quá nhiều chủng loại, nhãn hàng phân bón.

Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Hợp tác xã ca cao Thống Nhất (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) chia sẻ, hiện 1 tuần có cả chục chương trình hội thảo về tận các xã, huyện để tiếp thị sản phẩm của các công ty phân bón mà không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, quản lý. Cùng 1 công thức phân bón với thành phần hóa học không khác nhau nhưng khác nhãn hàng, giá bán ra lại chênh lệch rất nhiều. “Nông dân lại không có công cụ nào kiểm tra chất lượng phân bón nên việc mua phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng là điều khó tránh khỏi” - ông Phước khẳng định. 

Cùng quan điểm, ông Lê Hữu Quảng, Tổ phó Tổ hợp tác ổi Bảo Quang (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) lo lắng: “Điều nông dân chúng tôi bức xúc hơn là phải trả giá cao để mua phân bón nhưng nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng lại rất lớn. Bản thân tôi từng mua phải những đợt phân về bón cho cây trồng không thấy hiệu quả vì hạt phân không tan được vào đất. Nhưng phân đã bón vào đất rất khó đủ cơ sở để chứng minh là phân bón kém chất lượng”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều