Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để tách thửa đất tràn lan

10:12, 19/12/2018

Trong hơn 2 năm (từ ngày 1-1-2016 đến 1-3-2018) các văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã cho phép tách hơn 14 ngàn thửa đất thành trên 43,7 ngàn thửa...

Trong hơn 2 năm (từ ngày 1-1-2016 đến 1-3-2018) các văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã cho phép tách hơn 14 ngàn thửa đất thành trên 43,7 ngàn thửa. Loại đất tách thửa chủ yếu là đất nông nghiệp, trong đó một số đối tượng lợi dụng tách thửa đã phân lô bán nền.

Một trường hợp tự ý tách thửa đất nông nghiệp rồi san lấp, phân lô bán nền đất nông nghiệp tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) đã bị cơ quan chức năng xử lý.
Một trường hợp tự ý tách thửa đất nông nghiệp rồi san lấp, phân lô bán nền đất nông nghiệp tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) đã bị cơ quan chức năng xử lý.

Trước thực trạng trên, các địa phương đang phải vào cuộc ở những vùng đang “nóng” tình trạng phân lô bán nền nhằm quản lý chặt chẽ trên lĩnh vực đất đai.

* Tách thửa tăng “nóng”

Tại TP.Biên Hòa, khu vực tách thửa nhiều là 2 xã Phước Tân, Tam Phước. Huyện Nhơn Trạch xảy ra tách thửa nhiều ở các xã: Long Thọ, Vĩnh Thanh, Phú Đông. Huyện Trảng Bom là khu vực các xã An Viễn, Sông Trầu, Tây Hòa. Huyện Vĩnh Cửu tại khu vực 2 xã Thạnh Phú, Tân Bình...

Hơn 2 năm qua, có trên 9,3 ngàn thửa đất có diện tích ban đầu chỉ khoảng 1 ngàn m2 (hầu hết là đất nông nghiệp) đã tách thành hơn 26,6 ngàn thửa mới.

Nguyên nhân là những khu vực trên rất đông dân nhập cư từ các nơi về sinh sống, làm việc trong các công ty, nhà máy. Lợi dụng điểm này, một số đối tượng sau khi tách đất nông nghiệp thành những thửa có diện tích từ 500-1.000m2, rồi tiến hành làm đường và phân lô bán nền bằng giấy tay hoặc theo hình thức đồng sở hữu.

Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho hay: “Hiện nay huyện đang cử thanh tra phối hợp với xã Thạnh Phú, Tân Bình và những xã giáp ranh TP.Biên Hòa rà soát lại tất cả đất đai để kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng ủi đường, mắc điện trái phép nhằm phân lô, bán nền đất nông nghiệp. Những trường hợp xin tách thửa phải phù hợp với tất cả quy hoạch mới giải quyết. Trước khi cho tách thửa, các cơ quan chức năng kiểm tra kỹ nếu phát hiện dấu hiệu san lấp mặt bằng, phân lô sẽ không tách thửa”. Cũng theo ông Phi, khu vực xã Thạnh Phú có khoảng 50 ngàn công nhân nên nhu cầu về nhà ở khá lớn. Trong khi đó, khu vực này chưa có dự án nhà ở xã hội cho công nhân nên việc mua bán bằng giấy tay đất nông nghiệp xây dựng nhà ở trái phép diễn ra rất phức tạp và khó quản lý.

Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết: “Biên Hòa hiện quản rất chặt việc tách thửa ở tất cả các phường, xã, tập trung vào những khu vực đang nóng về đất đai như: Long Bình, Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước. Khi người dân đề nghị tách thửa, ngành chức năng sẽ đến kiểm tra thực tế, không phát hiện dấu hiệu phân lô bán nền đất nông nghiệp thì mới cho phép”.

TP. Biên Hòa cũng yêu cầu nếu tách thửa khoảng 500m2 trở lên phải có bản vẽ. Đồng thời, thành phố giao cho Phòng Tài nguyên - môi trường “giữ cửa” trong việc cho tách thửa. Thời gian qua, TP.Biên Hòa là nơi khá mạnh tay trong việc xử lý hàng loạt cán bộ các phường, xã để xảy ra nhiều trường hợp phân lô, bán nền đất nông nghiệp dẫn đến tình trạng xây dựng nhà trái phép.

* Long Thành: tạm ngưng tách thửa

Ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho hay: “Từ đầu tháng 12-2018, huyện Long Thành đã ngưng tiếp nhận mới các hồ sơ xin tách thửa và chỉ giải quyết những hồ sơ nộp trước đó còn tồn đọng. Mục đích là để rà soát quản lý chặt đất đai, tránh trường hợp phân lô bán nền tràn lan gây bất ổn cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện sau này”.

Khảo sát thực tế tại các khu vực có đông công nhân trên địa bàn tỉnh như: Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa, Trảng Bom, Vĩnh Cửu... cho thấy, vẫn còn tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp bằng hình thức đồng sở hữu và giấy tay. Các đối tượng thường dùng hình thức quảng cáo qua tờ rơi phát trực tiếp, dán đầy các nơi, đăng tải trên mạng xã hội.

Trước đó, trong nhiều cuộc họp về quy hoạch đất đai, xây dựng ở Long Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu huyện Long Thành quản chặt và nên cho ngưng tách thửa trên địa bàn, đợi làm xong quy hoạch vùng xung quanh sân bay. “Nếu cho tách thửa nhiều, sau này đất đai bị chia nhỏ, khi có quy hoạch làm các dự án lớn để phát triển kinh tế sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện” - ông Vĩnh nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Biên Hòa cho rằng, nếu việc tách thửa phù hợp thì nên cho thực hiện để tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, những trường hợp xin tách thửa đất nông nghiệp phải kiểm tra thực tế, nếu có dấu hiệu phân lô bán nền phải báo cơ quan chức năng xử lý ngay và ngưng nhận hồ sơ tách thửa. Với cách làm này, gần đây Biên Hòa giảm bớt tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp.

Vào cuối tháng 6-2018, sau khi rà soát đất đai tại các huyện, thị, thành Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Thường đã có văn bản trình UBND tỉnh đề xuất chỉ đạo các địa phương rà soát, cập nhật điều chỉnh các loại quy hoạch cho phù hợp, kiên quyết không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ở những khu vực không phù hợp quy hoạch, không cho làm đường giao thông, kết nối hạ tầng không lập thủ tục thu hồi đất. Đồng thời xử lý triệt để những trường hợp đã cố tình làm đường giao thông trái phép vì sẽ dẫn đến việc phân lô bán nền trái phép.

Theo các địa phương, việc ngưng tách thửa sẽ không phù hợp quy định của Luật Đất đai nên chỉ có thể quản lý chặt quá trình xin tách thửa. Việc quản lý đất đai tốt hay không còn lệ thuộc vào chính quyền cấp xã, phường. Vì khi các đối tượng phân lô bán nền đất nông nghiệp, thường ủi đường, dán tờ rơi khắp nơi và đưa người ra vào khu đất rất nhộn nhịp và dễ phát hiện.

Hương Giang

Tin xem nhiều