Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai lập kỷ lục xuất siêu

02:12, 18/12/2018

Năm 2018, ước tính xuất siêu của Đồng Nai đạt hơn 2,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và chiếm trên 30% tổng xuất siêu của Việt Nam. Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất siêu.

Năm 2018, ước tính xuất siêu của Đồng Nai đạt hơn 2,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và chiếm trên 30% trong tổng xuất siêu của Việt Nam. Sau hàng chục năm nhập siêu kéo dài, hiện Đồng Nai đang là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất siêu.

Ngành dệt may của Đồng Nai là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn. Trong ảnh: May quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa).
Ngành dệt may của Đồng Nai là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn. Trong ảnh: May quần áo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa).

Trong khi Việt Nam mới chính thức xuất siêu được 2 năm thì ở Đồng Nai đã xuất siêu 5 năm liên tiếp và mỗi năm đều tăng. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt hơn 18,6 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước và nhập khẩu khoảng 16 tỷ USD, tăng hơn 10%. Đồng Nai hiện xuất khẩu sang hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

* 5 nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD

5 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn của Đồng Nai là: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, sản phẩm gỗ. Trong đó, giày dép dẫn đầu trong các mặt hàng xuất khẩu năm 2018 với kim ngạch đạt gần 3,7 tỷ USD, đây cũng là mặt hàng xuất siêu lớn nhất của Đồng Nai.

Năm 2014 là năm đầu tiên Đồng Nai chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu 625 triệu USD. Đến hết năm 2018 (sau 5 năm) xuất siêu đạt hơn 2,6 tỷ USD, tăng gấp hơn 4 lần.

Nhóm mặt hàng chủ lực trên hiện có tổng kim ngạch khoảng 10,2 tỷ USD, chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Xuất siêu của nhóm mặt hàng này lần lượt như sau: giày dép xuất siêu gần 2,9 tỷ USD, dệt may 1,2 tỷ USD, sản phẩm từ gỗ 1,2 tỷ USD... Theo các doanh nghiệp thì năm 2018 thị trường xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực rất thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho hay: “Đồng Tiến lâu nay chuyên sản xuất quần áo với thị trường tiêu thụ chính là châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Năm nay, doanh thu của công ty ước đạt 1,8 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Ngoài những thị trường chính trên thì công ty cũng mở thêm được một số thị trường mới và đã nhận được đơn hàng đến hết năm sau”.

Ngành dệt may của Đồng Nai được các đối tác nước ngoài đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã có thể đáp ứng được những đơn hàng đòi hỏi kỹ thuật tay nghề cao và thời gian giao hàng nhanh.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhất Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhất Nam tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Ảnh: Vân Nam

Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng  phòng Đối ngoại Công ty TNHH Changshin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực giúp cho xuất khẩu giày dép tăng trưởng tốt hơn. Để hưởng các ưu đãi về thuế, công ty chuyển qua tìm nguồn nguyên liệu trong nước và khoảng 70% nguyên liệu được mua ở thị trường nội địa”. Đây là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu giày dép hàng đầu của Đồng Nai. Các doanh nghiệp sản xuất giày dép Đồng Nai  phần lớn là gia công cho những thương hiệu nổi tiếng thế giới như: Nike, Adidas, Reebok... Hiện giày dép sản xuất ở Đồng Nai đã xuất khẩu sang gần 70 quốc gia trên thế giới.

Những mặt hàng khác của Đồng Nai cũng xuất khẩu khá thuận lợi, tăng trưởng cả ở thị trường truyền thống lẫn thị trường mới mở. Toàn tỉnh có gần 4 ngàn doanh nghiệp có xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm được xuất qua khoảng 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh những năm qua liên tục giữ được mức tăng trưởng cao là do doanh nghiệp biết nắm lấy những cơ hội từ các FTA để hưởng ưu đãi về thuế quan. Và được những ưu đãi trên, doanh nghiệp phải chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ.  Điều này cũng giúp cho Đồng Nai 5 năm nay đã chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

* Xuất siêu Đồng Nai có bền vững?

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xuất siêu của tỉnh những năm tới sẽ tiếp tục tăng. Lãnh đạo Sở Công thương cho biết năm 2019 xuất siêu của tỉnh có thể đạt trên 2,9 tỷ USD. Nếu năm tới Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - EU cũng được thông qua thì xuất khẩu và xuất siêu của tỉnh có thể sẽ tăng trưởng vượt kế hoạch.

Biểu đồ thể hiện kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh qua các năm từ 2010-2018.  (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh qua các năm từ 2010-2018. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

12 FTA song phương, đa phương được ký kết thời gian qua đã tác động rất lớn đến sản xuất và xuất khẩu của Đồng Nai. Nếu năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là hơn 7,5 tỷ USD thì năm 2018 đã lên đến 18,6 tỷ USD, tăng gấp gần 2,5 lần.

PGS-TS.Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học ngoại thương TP.Hồ Chí Minh, chuyên gia kinh tế nhận định: “Tôi từng tư vấn cho nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Đồng Nai và thấy tình hình xuất khẩu, xuất siêu của tỉnh khá bền vững. Những năm gần đây, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị hiện đại để lắp ráp dây chuyền sản xuất nhằm tăng công suất, xuất khẩu. Đây là lý do giúp xuất khẩu, xuất siêu của tỉnh tăng nhanh”. Các FTA đều đòi hỏi nguồn nguyên liệu của sản phẩm phải có tỷ lệ nội địa hóa cao, vì thế doanh nghiệp phải tìm nguyên liệu trong nước. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhiều hơn. Và đây cũng là lý do vì sao những năm gần đây Đồng Nai chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

ThS.Phan Khắc Thành, chuyên gia tư vấn quản lý doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn quản lý Bắc Á (phường An Bình, TP.Biên Hòa) nhận định: “Xuất siêu của Đồng Nai mỗi năm đều tăng là nhờ các FTA thúc đẩy nên doanh nghiệp ưu tiên mua nguyên liệu ở thị trường nội địa. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển, tăng sức cạnh tranh”. Thực tế trong 4-5 năm trở lại đây, thu hút đầu tư nước ngoài, trong nước tại Đồng Nai có đến hơn 50% vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

* Tìm hướng tăng ổn định

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương cho rằng xuất siêu của Đồng Nai không tăng đột biến ở một vài năm mà sẽ tăng ổn định và lâu dài. Bởi các sản phẩm xuất khẩu doanh nghiệp đều chú ý tìm nguồn nguyên liệu trong nước, chỉ khi nguồn nguyên liệu không đáp ứng được mới nhập khẩu. “Những năm gần đây, tỉnh đã tổ chức xúc tiến thương mại tại chỗ giúp các doanh nghiệp nước ngoài, trong nước thường xuyên gặp gỡ, trưng bày sản phẩm để liên kết cung ứng cho nhau. Vì thế tỷ lệ nội địa hóa của từng sản phẩm ngày càng tăng lên, giảm nhập khẩu nên nhập siêu tăng từng năm và tương đối ổn định” - ông Dương Minh Dũng nói.

Đại diện các doanh nghiệp trong ngành dệt may, xơ sợi dệt, giày dép, máy móc thiết bị... đều khẳng định, trước đây các đơn hàng phải nhập khẩu nguyên liệu bình quân từ 50-60%, nhưng hiện tại chỉ nhập khẩu 20-30%, trong đó có những đơn hàng chỉ nhập khẩu 1-5%. Nguồn nguyên liệu trong nước ngày càng dồi dào, giá cả tương đối cạnh tranh. Đồng Nai hiện chỉ nhập khẩu những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc nguồn cung không đủ, hoặc nhập máy móc công nghệ hiện đại, nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất, tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, những năm gần đây lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm, đáp ứng các đòi hỏi của các FTA. Nguồn cung nguyên liệu trong nước tăng nên xuất siêu của tỉnh sẽ tỷ lệ thuận với xuất khẩu và tăng qua từng năm.

Khánh Minh

 

 

Tin xem nhiều