Báo Đồng Nai điện tử
En

Đất dôi dư, người nghèo vẫn khó tiếp cận

10:12, 09/12/2018

Đồng Nai hiện có hơn 100 khu dân cư đang triển khai, trong đó gồm có bán đất nền, nhà liên kế, biệt thự. Tuy nhiên, người có thu nhập thấp, trung bình rất khó tiếp cận với các sản phẩm đất nền, nhà liên kế, biệt thự này vì không đủ khả năng về tài chính.

Đồng Nai hiện có hơn 100 khu dân cư đang triển khai, trong đó gồm có bán đất nền, nhà liên kế, biệt thự. Tuy nhiên, người có thu nhập thấp, trung bình rất khó tiếp cận với các sản phẩm đất nền, nhà liên kế, biệt thự này vì không đủ khả năng về tài chính.

Khu nhà liên kế xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) có giá hơn 3 tỷ đồng/căn, đã giảm hơn 30% so với năm 2017.
Khu nhà liên kế xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) có giá hơn 3 tỷ đồng/căn, đã giảm hơn 30% so với năm 2017.

Thời điểm này, bất động sản trên địa bàn tỉnh, người bán nhiều hơn người mua. Những người dân có thu nhập trung bình, thấp cần nhà ở rất lớn nhưng lại không đủ khả năng mua.

* Không mua nổi đất

Hiện nay, người dân từ tỉnh khác di cư đến Đồng Nai làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và những nhà máy sản xuất bên ngoài lên đến cả triệu người. Vì thế, nhu cầu về nhà ở rất lớn, đặc biệt là những vùng có công nghiệp phát triển như: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch. Tuy nhiên, người có thu nhập trung bình và thấp muốn sở hữu một lô đất thổ cư có giấy tờ đầy đủ tại những địa bàn trên rất khó khăn.

Chị Trần Thị Ngọc Linh, công nhân trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 (huyện Nhơn Trạch) chia sẻ: “Vợ chồng tôi và 2 đứa con thuê phòng ở trọ tại xã Phú Hội gần 5 năm nay. Dù tôi rất tiết kiệm, tích lũy mong mua được vài chục mét vuông đất cất căn nhà nhỏ để vợ chồng con cái có chỗ ở ổn định và làm việc, nhưng giá đất khu vực này hiện 8-10 triệu đồng/m2 nên chúng tôi đành chịu”. Vì không đủ tiền mua đất làm nhà nên cả 4 người trong nhà chị Linh đành phải sống tạm bợ trong căn nhà trọ cũ kỹ diện tích 16m2 nhưng mỗi tháng cũng mất 1,2 triệu đồng tiền thuê phòng.

Anh Nguyễn Văn Minh, công nhân trong Khu công nghiệp Long Thành đang sống trọ tại xã Tam An (huyện Long Thành) bày tỏ: “Khu dân cư hoàn thành hạ tầng ở quanh đây rao bán rất nhiều, song giá 800-900 triệu đồng/nền. Vợ chồng tôi cùng làm công nhân lương 5-6 triệu đồng/tháng chắc chẳng khi nào đủ tiền để mua đất. Đất các khu dân cư chỉ dành cho những người khá giả, giàu có mới mua nổi”. Đây cũng là lý do vì sao Đồng Nai có rất nhiều khu dân cư đã hoàn thiện hạ tầng nhiều năm và đều có người mua nhưng lại bỏ hoang.

* Khó thu hút dự án giá rẻ

Dù nhu cầu bất động sản cho người thu nhập trung bình và thấp rất nhiều, nhưng dự án dành cho đối tượng trên rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những năm gần đây, Chính phủ và tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào dự án đất nền giá rẻ, nhà ở xã hội ở những nơi dân cư đông đúc, nhu cầu về nhà ở cao, song các doanh nghiệp rất ngại ngần. Tính đến thời điểm này, Đồng Nai mới có dưới 10 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Năm 2018, tỉnh đặt chỉ tiêu làm hơn 500 căn nhà ở xã hội nhưng kết quả không đạt.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai nhận định: “Các doanh nghiệp ít làm nhà ở xã hội là vì lợi nhuận thấp, thủ tục phức tạp như dự án khu dân cư thương mại. Muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở giá trung bình, thấp thì phải có chính sách ưu đãi về vốn cho cả chủ đầu tư lẫn người mua, thủ tục của dự án phải thật đơn giản”. Thế nhưng, nguồn vốn vay lãi suất thấp cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội sau khi Chính phủ tạm ngưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Do đó, doanh nghiệp “né” dự án nhà ở xã hội là điều rất dễ hiểu”.

 Khánh Minh

 

Tin xem nhiều