Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu hơn về thương hiệu Việt

10:11, 05/11/2018

Khi Tập đoàn Vingroup ra mắt những mẫu xe hơi thương hiệu Việt đầu tiên vào tháng 10-2018, bên cạnh những bình luận hào hứng, nhiều người tiêu dùng "cắc cớ" rằng Vinfast (tên xe) không thể coi là thương hiệu xe hơi của người Việt Nam vì hầu hết các linh kiện và công nghệ vận hành đều là của quốc gia khác, Vinfast sử dụng những công nghệ tiên tiến của các tập đoàn đa quốc gia chứ không phải "của người Việt hoàn toàn".

Khi Tập đoàn Vingroup ra mắt những mẫu xe hơi thương hiệu Việt đầu tiên vào tháng 10-2018, bên cạnh những bình luận hào hứng, nhiều người tiêu dùng “cắc cớ” rằng Vinfast (tên xe) không thể coi là thương hiệu xe hơi của người Việt Nam vì hầu hết các linh kiện và công nghệ vận hành đều là của quốc gia khác, Vinfast sử dụng những công nghệ tiên tiến của các tập đoàn đa quốc gia chứ không phải “của người Việt hoàn toàn”.

Trên thực tế, ở thời đại hiện nay, đòi hỏi một sản phẩm bất kỳ được sản xuất “từ đầu đến cuối”, từ con ốc vít đến cái nhãn mác tại một quốc gia là điều khá khó khăn, nếu không muốn nói là một cách hiểu khá phiến diện.

Một chiếc iPhone của Hãng Apple, một chiếc máy bay của Hãng Boeing hay đơn giản chỉ là một bịch bột giặt, một chiếc áo sơ mi... thì rất có thể chúng được sản xuất từ vài quốc gia, thậm chí vài chục quốc gia khác nhau. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, không ai “một mình làm tất cả”. Chẳng hạn, tại các khu công nghiệp của Đồng Nai tồn tại khá nhiều nhà máy sản xuất linh kiện cho máy bay Boeing, sản xuất dây cu-roa cho Hãng xe BMW hoặc sản xuất thấu kính máy ảnh cho Hãng Olympus. Tương tự, rất nhiều bao bì, nhãn mác... của những sản phẩm chỉ bán ở thị trường Hoa Kỳ hay châu Âu được sản xuất tại Việt Nam theo các đơn đặt hàng của chủ thương hiệu. Vậy nên nếu dùng suy nghĩ máy móc “thương hiệu Việt” phải là sản phẩm 100% sản xuất tại Việt Nam và do người Việt Nam làm, e có hơi khiên cưỡng.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt Nam được hiểu chung là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam với nhãn mác “made in Vietnam”. Trên phương diện này thì hàng tiêu dùng của Unilever hay  Procter & Gamble (2 tập đoàn đa quốc gia sản xuất hàng tiêu dùng, đồ uống và thực phẩm) cũng là hàng Việt nếu đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, hàng Việt theo nghĩa đúng nhất là hàng hóa có thương hiệu và nhãn hiệu được sở hữu bởi người Việt, dù có sản xuất ở đâu chăng nữa. Chẳng hạn, Biti’s vẫn sẽ là hàng Việt và là thương hiệu Việt Nam, dù có đặt nhà máy tại Hoa Kỳ hay Trung Quốc, sử dụng nguyên phụ liệu, máy móc, thiết kế… của nước ngoài.

Vinfast rõ ràng là thương hiệu được sở hữu bởi doanh nghiệp Việt Nam, do đó hoàn toàn có thể hiểu là hàng Việt, cũng như chiếc Bphone của BKAV vẫn là điện thoại thông minh thương hiệu Việt dù linh kiện là của các nước khác. Vậy nên có lẽ người tiêu dùng không nên quá soi xét trong một sản phẩm thương hiệu Việt có bao nhiêu phần trăm được sản xuất tại Việt Nam, nhưng cần quan tâm nhiều hơn đến câu hỏi ai sở hữu thương hiệu đó. Và càng nhiều thương hiệu được sở hữu bởi doanh nghiệp Việt, chúng ta càng nên khuyến khích, tự hào.

Vi Lâm

Tin xem nhiều