Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân loại rác tại nguồn: "Cuộc chiến" dài hơi

08:11, 03/11/2018

Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn sẽ giúp giảm được chi phí xử lý khoảng 150 ngàn đồng/tấn. Nếu người dân trong tỉnh cùng đồng lòng thực hiện thì mỗi năm cả tỉnh sẽ tiết kiệm được trên 80 tỷ đồng chi phí...

Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn sẽ giúp giảm được chi phí xử lý khoảng 150 ngàn đồng/tấn. Nếu người dân trong tỉnh cùng đồng lòng thực hiện thì mỗi năm cả tỉnh sẽ tiết kiệm được trên 80 tỷ đồng chi phí xử lý rác sinh hoạt; đồng thời giảm được nhiều diện tích đất để chôn lấp rác, hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Rác sinh hoạt chưa phân loại đưa về Khu xử lý Quang Trung (huyện Thống Nhất) làm tăng thêm chi phí phân loại.
Rác sinh hoạt chưa phân loại đưa về Khu xử lý Quang Trung (huyện Thống Nhất) làm tăng thêm chi phí phân loại.

Từ năm 2013, tỉnh đã thực hiện thí điểm phân loại rác sinh hoạt tại nguồn ở 4 phường nội ô TP.Biên Hòa là: Trung Dũng, Thanh Bình, Hòa Bình và Quyết Thắng; năm 2016 bắt đầu tiến hành làm điểm tại các huyện, TX.Long Khánh. Tại TP.Biên Hòa nơi đã có 6 năm thực hiện thí điểm phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, số hộ tham gia phân loại rác đúng chỉ đạt khoảng 25%. Đến nay người dân vẫn chưa bỏ được thói quen, tất cả rác cùng để chung vào một bịch.

* Đầu tư nhiều tỷ đồng

Trong 2 năm 2017 và 2018, tỉnh đã chi hơn 8 tỷ đồng để thực hiện việc hỗ trợ, tuyên truyền phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, nhưng kết quả đạt được lại rất thấp. Tại các địa phương hầu hết mới chỉ dừng lại ở mô hình điểm, việc nhân rộng còn rất ít. Những mô hình điểm tỷ lệ phân loại đúng cũng rất thấp, có những địa phương chỉ đạt 25-50%.

Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn là một trong những giải pháp bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm vì có những loại rác như cao su, bịch ny-lông phải 500-600 năm sau mới tiêu hủy được. Phân loại rác sinh hoạt tại nguồn là việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong chống biến đổi khí hậu.

Khảo sát ở nhiều tuyến đường đang làm điểm phân loại rác tại nguồn của TP.Biên Hòa, các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất cho thấy rác sinh hoạt phần lớn vẫn được người dân cho chung vào một bịch ny-lông rồi đem bỏ. Cũng có những hộ tiến hành phân loại rác tại nguồn nhưng số lượng chưa nhiều.

Bà Lê Thị Quý (KP.1, phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi tham gia phân loại rác tại nguồn từ khi chương trình bắt đầu. Việc phân loại rác tại nguồn không khó, nhưng phải thay đổi được thói quen và hướng dẫn mọi người trong gia đình cùng làm thì mới thực hiện được”. Nhiều năm thành quen, gia đình bà Quý là một trong những hộ chấp hành khá tốt việc phân loại rác tại nguồn.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Phó chủ tịch UBND phường Thanh Bình, phường phối hợp với thành phố và các khu phố thường xuyên tuyên truyền các hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn. Kết quả có 780/1.117 hộ tham gia và tỷ lệ phân loại đúng đạt 51,5%, cao nhất so với 3 phường còn lại. “Những hộ chưa phân loại rác tại nguồn là do gia đình có diện tích quá nhỏ hoặc các hộ thuê nhà để sinh sống, kinh doanh” - ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, tại các địa phương đến nay vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ từ quá trình phân loại đến thu gom, xử lý chất thải rắn sau phân loại nên hiệu quả đạt được còn thấp.

Tại các huyện như: Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất tỷ lệ phân loại rác sinh hoạt ở những mô hình điểm đạt tỷ lệ dưới 53%.

* Chậm cũng phải làm

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, việc thay đổi thói quen của người dân không dễ, nhưng việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn đem lại lợi ích rất lớn trong bảo vệ môi trường, nên dù chậm cũng phải làm.

“Nhật Bản cũng phải mất gần 20 năm tuyên truyền,  vận động người dân mới thay đổi được thói quen phân loại rác tại nguồn. Hiện nay người dân Nhật Bản làm rất tốt việc này, giúp môi trường được bảo vệ tốt hơn, tránh được nhiều nguy cơ ô nhiễm từ rác sinh hoạt” - ông Chánh nói. Vì vậy, dù kết quả từ phân loại rác sinh hoạt tại nguồn chưa cao, nhưng các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen cùng tham gia thực hiện.

Rác sinh hoạt vẫn được người dân dồn chung vào bịch
Rác sinh hoạt vẫn được người dân dồn chung vào bịch

Ông Nguyễn Tấn Vinh, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Biên Hòa cho biết: “Ngoài 4 phường thí điểm, những phường, xã còn lại thời gian qua thành phố mới chỉ dừng lại ở việc cấp tờ rơi, tuyên truyền cho người dân tự phân loại chất thải sinh hoạt. Nhưng từ giữa năm 2017, thành phố đã tập trung triển khai chương trình tại 53 trường tiểu học trên địa bàn để tạo thói quen từ nhỏ cho các em học sinh”. Theo ông Vinh, đây là “cuộc chiến” dài hơi, phải thực hiện công tác tuyên truyền thường xuyên và kéo dài nhiều năm để dần dần thay đổi thói quen của người dân.

Hiện nay, trên 70% chất thải sinh hoạt của Đồng Nai vẫn phải chôn lấp, tỷ lệ xử lý thành phân bón không nhiều. Do đó không chỉ mất rất nhiều diện tích để chôn lấp mà còn dẫn đến nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm.

Ông Trần Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi (chủ đầu tư Khu xử lý rác Quang Trung) chia sẻ: “Rác thải sinh hoạt được phân loại đúng tại nguồn không chỉ giảm chi phí xử lý mà còn giúp bớt được việc phát tán mùi hôi trong quá trình phân loại và giảm được nhiều diện tích đất chôn lấp”.

Khánh Minh

Tin xem nhiều