Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ vì khai thác khoáng sản

03:11, 15/11/2018

Đến giữa tháng 11-2018, Đồng Nai có 46 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản gồm: đá xây dựng, cát xây dựng, sét gạch ngói và khoáng sản phi kim loại.

[links()]Đến giữa tháng 11-2018, Đồng Nai có 46 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản gồm: đá xây dựng, cát xây dựng, sét gạch ngói và khoáng sản phi kim loại.

Các mỏ khai thác đá có độ sâu gần 100m tại mỏ đá Hóa An (xã Hóa An, TP.Biên Hòa). Ảnh:
Các mỏ khai thác đá có độ sâu gần 100m tại mỏ đá Hóa An (xã Hóa An, TP.Biên Hòa). Ảnh: Hương Giang

Khai thác khoáng sản ở các nơi phần lớn đều nhận sự khó chịu của người dân vì là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, làm đường sá xuống cấp.

* Bụi mù mịt, đường xuống cấp

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, trong số các mỏ khai thác khoáng sản có phép có 40 mỏ do UBND tỉnh cấp phép và 6 mỏ do Bộ Tài nguyên - môi trường cấp. Thời gian khai thác của các mỏ từ 10-20 năm, có một số mỏ thời gian khai thác kéo dài gần 30 năm.

3 mỏ có trữ lượng khai thác lớn nhất lần lượt là: mỏ đá Thạnh Phú 1, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) trữ lượng trên 49,6 triệu m3; mỏ đá Tân Cang 1, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) trữ lượng trên 37,2 triệu m3; mỏ đá Thiện Tân 2, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) gần 36 triệu m3.

Tại những vùng khai thác, người dân khi được hỏi đều bày tỏ bức xúc do nhiều năm chịu đựng ô nhiễm do bụi, đất đá rơi vãi gây nguy hiểm cho người qua lại, đường sá xuống cấp. Từ nhiều năm nay, những nơi có mỏ khai thác đá, đất thuộc  huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, TP.Biên Hòa đều trở thành “điểm nóng” về môi trường.

Phải đến tận nơi, chứng kiến cảnh nhà cửa, cây cối trong vườn của người dân nơi nào cũng phủ dày một lớp bụi, chỉ lau chùi, tưới rửa sau 1-2 giờ lại đầy bụi… mới thấy hết được nỗi khổ của người dân ở đó.

Ông Nguyễn Quang Vinh, một người dân ở ấp Vàm, xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Tôi về đây sinh sống từ năm 1980. Lúc ấy nơi này chưa khai thác khoáng sản, môi trường rất trong lành, trong vườn trồng bưởi rất tốt. Nhưng từ khi các mỏ khai thác khoáng sản trong vùng được cấp phép, cả ngày xe chạy rầm rập khiến đường xuống cấp, bụi mù mịt. Hít bụi đá nhiều khiến  người lớn, trẻ em trong nhà dễ bị bệnh đường hô hấp. Cây cối trong vườn thì tiêu điều, khó ra hoa kết trái nổi”.

Tương tự, ông Mạch Hoài Phong, Tổ trưởng tổ an ninh ấp Vàm, xã Thiện Tân bày tỏ: “Một ngày có hàng trăm lượt xe chở đá từ các mỏ ra khiến đường Kỳ Lân xuống cấp trầm trọng. Ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội. Nhiều người dân qua lại đoạn đường này bị tai nạn cũng vì bụi không nhìn thấy đường hoặc đường lầy lội trơn trượt”.

Mong muốn của nhiều người dân ở khu vực này là cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ, không để các xe ra vào chạy quá nhanh, gây nguy hiểm cho người đi đường, duy tu sửa chữa đường để tránh lầy lội khi có mưa, hoặc khi bụi nhiều quá, cần yêu cầu các công ty khai thác vận chuyển cho xe xịt nước dọc tuyến đường.

Xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) cũng là một trong những điểm “nóng” nhất hiện nay về ô nhiễm do khai thác khoáng sản. Người dân trong xã cũng phải chịu cảnh khốn khổ do bụi đá và các xe chở đá chạy quá nhanh. Chị Trần Thị Thanh Ngọc (ấp Tân Cang, xã Phước Tân) cho hay: “Mỗi ngày tôi đi làm đều phải chạy qua ngã ba giao giữa quốc lộ 51 với tuyến đường chuyên chở khoáng sản từ mỏ ra. Lúc nào cũng thấy xe chở đá chạy ào ào, bụi mù mịt, nhiều khi đá văng cả vào người”. Ở những khu vực gần mỏ khai thác đá thuộc xã Phước Tân, nhiều hộ gia đình không chịu được ô nhiễm môi trường do bụi đã phải chuyển đi nơi khác thuê nhà sinh sống.

* Hàng chục năm chịu khổ

Hầu hết các mỏ khoáng sản đều được cấp phép khai thác trong 10-30 năm, như vậy người dân nơi đó cũng phải sống chung với ô nhiễm với khoảng thời gian tương ứng. Không chỉ người dân, chính quyền các địa phương được cấp phép cho khai thác khoáng sản đều tỏ ra “ngán ngẩm”.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, 46 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản có tổng trữ lượng gần 417 triệu m3. Trong đó, riêng đá xây dựng hơn 391 triệu m3, cát xây dựng gần 6 triệu m3, sét gạch ngói khoảng 4 triệu m3 và khoáng sản phi kim loại là 16 triệu m3.

Ông Thái Mã Thành, Chủ tịch UBND xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) nơi tập trung lượng mỏ đất, đá đang khai thác lớn nhất tỉnh cho biết: “Trên địa bàn xã có đến 11 mỏ khoáng sản đang khai thác nên mỗi ngày các tuyến đường có đến hàng ngàn lượt xe chở đá ra vào, gây bụi, đường xuống cấp khiến người dân rất bức xúc. Nếu những vấn đề trên không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn việc duy trì xã nông thôn mới trong thời gian tới”.

Trong các tiêu chí để công nhận và tái xét các xã nông thôn mới thì môi trường là tiêu chí rất quan trọng. Theo phản ánh của nhiều người dân, sống trong những vùng khai thác khoáng sản thường xuyên “hưởng” bụi, lo lắng tai nạn giao thông rình rập, sức khỏe giảm sút do ô nhiễm. Những gia đình có điều kiện đều gửi con cháu đến nhà người thân ở nơi khác học tập để bảo đảm sức khỏe. 

Những năm gần đây, các chủ mỏ cũng có thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, sản xuất và vận chuyển khoáng sản nhưng ô nhiễm vẫn còn rất nhiều.

Biểu đồ thể hiện sự phân bố của các mỏ khoáng sản được cấp phép hoạt động trên địa bàn Đồng Nai.       (Thông tin, ảnh: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện sự phân bố của các mỏ khoáng sản được cấp phép hoạt động trên địa bàn Đồng Nai. (Thông tin, ảnh: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Hưng cho biết: “Trong khai thác đá thường phát sinh ô nhiễm ở quá trình nghiền đá và chuyển đá từ khu vực chế biến ra ngoài tuyến đường chung. Tình trạng xe vận chuyển quá tải, quá khổ, che chắn chưa tốt làm rơi vãi đất, đá dọc tuyến đường vận chuyển còn khá nhiều”. Cũng theo ông Hưng, các khu vực mỏ đang khai thác hiện chưa đảm bảo về điều kiện thoát nước, đồng thời tuyến đường chung còn có hoạt động vận chuyển của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác, từ đó dẫn đến ô nhiễm môi trường bụi, bùn đất trên đường tác động đến môi trường cộng đồng xung quanh.

* Cần quản chặt về môi trường

Vào tháng 5-2018, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh và đại diện các sở, ngành đã có đợt giám sát việc khai thác khoáng sản tại một số mỏ của TP.Biên Hòa thì thấy tình trạng ô nhiễm môi trường trong khai thác, sản xuất và vận chuyển vẫn diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc cho người dân. Dù tỉnh đã có yêu cầu quá trình sản xuất (nghiền đá) phải tiến hành phun sương đề giảm bụi nhưng nhiều chủ mỏ không làm hoặc chỉ làm qua loa lấy lệ khi có đoàn kiểm tra.

Đặc biệt, sau khai thác khoáng sản, các mỏ đá sâu 70-100m trở thành những hố sâu thăm thẳm, rất nguy hiểm. Theo ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, các mỏ đá sau khi hết thời gian khai thác, đóng cửa mỏ phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường, song rất nhiều chủ mỏ không thực hiện.

Ngoài 46 mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản thì UBND tỉnh còn cấp phép cho một số đơn vị tận thu khoáng sản (chủ yếu là đất) trong quá trình thực hiện các dự án. Việc tận thu này cũng gây khó chịu cho nhiều người dân khu vực đó vì đơn vị tận thu vận chuyển đất ra ngoài rơi vãi đầy đường, xe chạy nhanh, nhiều khiến đường sá xuống cấp, tai nạn rình rập người đi đường.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều