Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp FDI thua lỗ: Cần "chăm sóc" đặc biệt

10:11, 18/11/2018

Qua rà soát của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, trong số các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại các KCN trong tỉnh thì có khoảng 100 DN FDI đang thua lỗ.

Qua rà soát của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, trong số các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại các KCN trong tỉnh thì có khoảng 100 DN FDI đang thua lỗ.

UBND tỉnh ứng ngân sách chi trả cho công nhân làm việc trong Công ty TNHH KL Texwell Vina ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom).
UBND tỉnh ứng ngân sách chi trả cho công nhân làm việc trong Công ty TNHH KL Texwell Vina ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom).

Đối với những DN này, nếu tỉnh không quản lý chặt, để chủ bỏ về nước thì sẽ là gánh nặng lớn cho tỉnh.

* Thua lỗ quá vốn đầu tư

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trong 100 DN FDI thua lỗ thì có khoảng 30 DN thua lỗ nặng. Có khoản lỗ đã vượt quá so với vốn đầu tư.

Nếu không có gì tiến triển mà nhiều DN thua lỗ bỏ về nước thì đây sẽ là nỗi lo rất lớn. Bởi trên thực tế, DN thua lỗ bỏ về nước thường để lại tiền nợ lương của công nhân, thuế, bảo hiểm xã hội, vốn vay ngân hàng... Phần giải quyết những rắc rối còn lại sẽ thuộc về tỉnh và nếu không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh trật tự xã hội.

Theo các hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp các nước khác đang có xu hướng tìm nhà xưởng tại Việt Nam cũng như Đồng Nai để di dời sản xuất về đây nhằm “né” các dòng thuế cao mà Mỹ “đánh” vào hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Do đó, cũng cần có sự chọn lựa, quản lý tốt các DN đầu tư vào Đồng Nai theo dạng này, đặc biệt là những DN có đông công nhân, vốn ít.

Gần 1 năm qua, Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ DN FDI là Công ty TNHH KL Texwell Vina ở KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) và Công ty TNHH một thành viên Cho Won ở KCN dệt may Nhơn Trạch (huyện Nhơn Trạch) làm ăn thua lỗ, chủ DN bỏ về nước, các cơ quan chức năng không liên hệ được, để lại nhiều hệ lụy và tỉnh đang phải giải quyết. Điểm chung là 2 DN FDI này đều thuê lại nhà xưởng của những công ty khác để sản xuất. Khi chủ DN bỏ về nước đều để lại khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội... lên đến vài chục tỷ đồng/công ty.

Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Khoảng 30 DN FDI ở các khu công nghiệp đã bị lỗ nặng vượt quá vốn đầu tư. Những DN này chúng tôi chưa thể công bố tên rộng rãi vì vướng vào quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã gửi thông tin cho ngành thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng, công an để theo dõi và có biện pháp xử lý không để cho chủ các DN trên bỏ về nước”.

Các DN FDI bị thua lỗ hầu hết hiện nằm trong các KCN. Tổng vốn đăng ký của những DN trên không nhiều, chỉ vài triệu USD mỗi doanh nghiệp, song số nợ có thể vượt hơn nhiều lần vốn đầu tư. Cụ thể như: Công ty TNHH S., Công ty TNHH T. (huyện Nhơn Trạch)... vốn đăng ký có 3 triệu USD nhưng các khoản nợ của công ty lên gần 5 triệu USD.

Ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội đã đề xuất tỉnh cho rà soát lại tất cả DN FDI trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những DN có đông công nhân, vốn ít đang nợ tiền lương công nhân và các đơn vị khác. Từ đó, đưa vào dạng quản lý chặt để không cho xảy ra tình trạng làm ăn thua lỗ rồi bỏ trốn để lại hậu quả cho tỉnh giải quyết.

* UBND tỉnh yêu cầu “quản” chặt

Hiện nay, tại Đồng Nai có hàng trăm DN FDI đang thuê nhà xưởng, máy móc của các công ty khác để hoạt động ở trong và ngoài KCN. Nếu việc cho thuê nhà xưởng, cấp phép hoạt động với DN FDI không được giám sát, quản lý của các sở, ngành thì rất dễ xảy ra việc DN làm ăn kém hiệu quả, chủ DN trốn về nước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, ngành thuế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng, Liên đoàn Lao động, công an phối hợp với nhau đưa những DN đang nợ nần nhiều vào danh sách “chăm sóc đặc biệt”. Những DN này phải được theo dõi nghiêm ngặt, khi xảy ra tình trạng ngưng hoạt động, buộc chủ DN thanh toán đầy đủ mọi khoản nợ, không để họ bỏ trốn về nước”. Với các DN FDI có đông công nhân, nếu để xảy ra sự cố trên sẽ rất khó giải quyết. Bởi về nguyên tắc, UBND tỉnh không thể trích tiền ngân sách ra chi trả lương cho công nhân khi chủ DN bỏ trốn.

Bà Ninh Thị Thanh Huyền, Phó trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế Cục Thuế Đồng Nai cho hay: “Vừa qua Cục Thuế Đồng Nai đã công khai rộng rãi trên các phương tiện truyền thông một số DN nợ thuế với số tiền lớn và nhiều năm chưa nộp. Cục đã đề ra các giải pháp truy thu các khoản nợ thuế quá hạn, khó đòi của nhiều DN”.

Hương Giang

Tin xem nhiều