Báo Đồng Nai điện tử
En

Địa phương có thể từ chối dự án chăn nuôi?

10:11, 30/11/2018

Lãnh đạo nhiều địa phương trong tỉnh khi được hỏi đều cho biết, rất "ngán ngại" các dự án chăn nuôi lớn và muốn từ chối. Nhưng việc từ chối dự án không dễ nên các sở, ngành, huyện chỉ có thể quản chặt về môi trường.

[links()]Lãnh đạo nhiều địa phương trong tỉnh khi được hỏi đều cho biết, rất “ngán ngại” các dự án chăn nuôi lớn và muốn từ chối. Nhưng việc từ chối dự án không dễ nên các sở, ngành, huyện chỉ có thể quản chặt về môi trường.

Cán bộ môi trường xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc kiểm tra xử lý chất thải tại trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã. ảnh: H.Giang
Cán bộ môi trường xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc kiểm tra xử lý chất thải tại trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã. ảnh: H.Giang

So với quy hoạch chăn nuôi của tỉnh đến năm 2020 thì hiện tại tổng đàn heo, gà đều đã vượt xa về số lượng. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn đang lùng mua đất tại các huyện để đầu tư trang trại chăn nuôi.

* Chọn lọc đầu tư

Không chỉ các địa phương quá tải các dự án chăn nuôi như huyện Xuân Lộc, Thống Nhất mới e ngại các dự án đầu tư chăn nuôi lớn mà những địa phương phát triển sau cũng ngày càng kỹ tính khi đón các dự án đầu tư vào chăn nuôi. Ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Định hướng của huyện trong xây dựng nông thôn mới là chú trọng phát triển lĩnh vực trồng trọt với những thương hiệu đặc sản trái cây an toàn. Về chăn nuôi, chúng tôi định hướng phát triển đàn vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao nhưng ít gây ô nhiễm môi trường như: đàn hươu nai, đàn dê, đại gia súc…”.

Theo ông Phước, với chăn nuôi heo, gà, địa phương chỉ muốn đón nhận những dự án đầu tư nằm trong vùng quy hoạch được phép chăn nuôi và đạt yêu cầu đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ siết chặt quản lý với các trang trại heo, gà đang hoạt động như: khuyến khích, vận động người chăn nuôi di dời trang trại khỏi khu dân cư; thực hiện tốt việc xử lý chất thải chăn nuôi…

Cùng quan điểm, ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho hay: “Đảm bảo môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp là một tiêu chí rất quan trọng trong xây dựng nông thôn  mới và nông thôn mới nâng cao. Để đạt tiêu chí này, các địa phương đều phải siết chặt hơn trong khâu quản lý với mục tiêu phát triển chăn nuôi nhưng không gây tác hại cho môi trường. Thủ tục, hồ sơ đầu tư các dự án chăn nuôi ngày càng chặt chẽ với nhiều ràng buộc hơn. Theo đó, không phải dự án đầu tư chăn nuôi mới nào cũng được địa phương đón nhận”. 

* Siết chặt quản lý

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, việc từ chối các dự án chăn nuôi là không đúng theo quy định. Tuy nhiên, tỉnh và các địa phương chỉ có thể căn cứ vào đánh giá tác động môi trường, quy định về chăn nuôi của ngành nông nghiệp nếu không đáp ứng đủ các điều kiện thì kiến nghị không cấp phép đầu tư. Với những dự án không đảm bảo về môi trường thì UBND tỉnh sẽ không cấp phép.

Trong lần tham gia giám sát xử lý môi trường trong chăn nuôi ở một số huyện, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Hưng cho biết: “Những trang trại do tỉnh đánh giá tác động môi trường sẽ được quản lý chặt hơn. Khi trang trại chưa xây dựng xong hệ thống xử lý chất thải sẽ không cho thả đàn chăn nuôi trước. Những trang trại gây ô nhiễm nghiêm trọng có thể bị xử phạt lên đến 800 triệu đồng và buộc ngưng hoạt động để khắc phục xong ô nhiễm”.

Lê Quyên - Khánh Minh

 

 

Tin xem nhiều