Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông dân là mục tiêu lớn nhất

01:11, 27/11/2018

Đến nay 133/133 xã của Đồng Nai đã về đích xây dựng nông thôn mới (NTM). Dự kiến trong năm 2018, Đồng Nai sẽ là tỉnh đầu tiên có 100% số xã và số huyện đạt chuẩn NTM của cả nước.

Đến nay 133/133 xã của Đồng Nai đã về đích xây dựng nông thôn mới (NTM). Dự kiến trong năm 2018, Đồng Nai sẽ là tỉnh đầu tiên có 100% số xã và số huyện đạt chuẩn NTM của cả nước. Trong đó, tập trung chăm lo phát triển sản xuất là cái gốc để Đồng Nai xây dựng NTM.

Vùng chuyên canh bưởi đường lá cam cho thu nhập cao tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu).  Ảnh: B.Nguyên
Vùng chuyên canh bưởi đường lá cam cho thu nhập cao tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

[links()]Nổi danh là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai vẫn dẫn đầu cả nước trong đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Trước khi có Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (thường gọi là tam nông), Ban TVTU đã có chủ trương thực hiện nông thôn mới theo hướng “4 có”: có kinh tế, có kết cấu hạ tầng, có đời sống văn hóa - an ninh, có môi trường sinh thái phát triển bền vững.

* 14 tỷ USD cho tam nông

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, nhờ chủ động, quyết liệt cả trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về tam nông, Đồng Nai đã đạt được những kết quả khá toàn diện, sâu sắc trên tất cả các mặt: nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Khoảng 330 ngàn tỷ đồng (tương đương 14 tỷ USD) là tổng nguồn lực đã được tỉnh đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong đúng 1 thập niên qua, tính từ năm 2008-2018. Trong đó, ngân sách chiếm gần 12%, còn lại là nguồn vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và người dân.

Khi trực tiếp về Đồng Nai khảo sát, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết
26-NQ/TW về tam nông vào cuối tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn, trong tái cơ cấu nông nghiệp và việc triển khai chính sách phát triển nông nghiệp đều có những bước đột phá... Tỉnh cũng đã tạo được cơ chế để thu hút nguồn đầu tư, tạo nên sức bật mới từ tiềm năng đã có; nhất là thu hút được doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao”.

Những vùng quê nghèo trên đất Đồng Nai không ngừng thay da đổi thịt nhờ được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng từ đường giao thông, trường học, bệnh viện đến các cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân...Trong đó, nông dân vừa là người được thụ hưởng, vừa là lực lượng chính tạo nên sự thay đổi lớn này. Ông Võ Văn Thành, nông dân tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) cho biết: “Hưng Lộc tập trung đông dân tộc thiểu số, chủ yếu trồng hoa màu nên thu nhập thấp. Việc góp tiền làm đường giao thông, kéo điện ra đồng phục vụ sản xuất là điều ngoài khả năng của nhiều hộ gia đình. Nhưng nhờ có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đã khuyến khích nông dân đồng lòng tham gia”.

Chỉ ra ý nghĩa của việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng góp phần phát triển kinh tế nông thôn, ông Vòng Vĩnh Ốn - già làng uy tín của xã Bàu Sen (TX.Long Khánh) so sánh: “Khi những tuyến đường nhựa, đường điện được đầu tư về tận cánh đồng, nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sản xuất để có thu nhập cao. Nông sản ở vùng sâu không còn cảnh bị ép giá vì vận chuyển khó khăn”.

* 10 năm, thu nhập tăng gấp 3,3 lần

Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Đồng Nai đạt trên 47,6 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 3,3 lần so với năm 2008. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 6,22% xuống còn 0,31% (theo chuẩn nghèo của Đồng Nai). Trong đó, nhiều huyện nghèo tăng thu nhập bình quân của người dân nông thôn lên mức ấn tượng như: huyện Vĩnh Cửu đạt trên 56 triệu đồng/người/năm; huyện Xuân Lộc đạt trên 51,5 triệu đồng/người/năm…

Xuân Lộc là một trong 4 huyện trên cả nước được chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2025 đến nay đã hoàn thành việc lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương, đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, huyện đã có 5/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Còn lại 9 xã đều đạt từ 10-17/19 tiêu chí, 33-45/47 chỉ tiêu.

Năm 2017, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên địa bàn huyện đạt trên 129 triệu đồng/hécta, thu nhập bình quân đầu người/năm toàn huyện đạt trên 50,5 triệu đồng (cao hơn mức bình quân toàn tỉnh 47,6 triệu đồng/người/năm). Trong đó, nhiều xã đã đạt thu nhập ở mức 58 triệu đồng/người/năm.

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Lê Văn Gọi, giai đoạn 2008-2017 giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt mức tăng trưởng bình quân trên 4%/năm, luôn vượt mục tiêu đề ra. Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước, đang chuyển đổi mạnh mẽ sang chăn nuôi công nghiệp quy mô hàng hóa lớn. Tỉnh cũng đã hình thành được 25 vùng cây trồng chủ lực với hơn 10 ngàn hécta như: tiêu, xoài, bưởi, sầu riêng...

Nói về việc chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây đặc sản, ông Bùi Đình Anh, chủ trang trại trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) so sánh: “Tôi đã chuyển đổi hơn 40 hécta đất kém hiệu quả sang trồng cây thanh long ruột đỏ cho thu nhập cả tỷ đồng/hécta. Nhiều hộ nông dân tại địa phương đang liên kết lại xây dựng vùng chuyên canh cây đặc sản này với diện tích cả trăm hécta đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính”.

* Vẫn nhiều thách thức

Nông nghiệp phát triển nhanh, tổng đàn heo, gà của Đồng Nai hiện nay tăng gấp 2-3 lần so với 10 năm trước đó. Diện tích, sản lượng của nhiều loại cây trồng chủ lực như: tiêu, xoài, bưởi... cũng tăng gấp nhiều lần so với trước. Mặt trái của tăng trưởng “nóng”, nông dân còn chạy theo phong trào trong sản xuất là nông sản mãi chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá“. Trong khi đó, thị trường đang đặt ra rất nhiều thách thức cho nông dân - nông nghiệp - nông thôn, dễ thấy nhất là sự cạnh tranh đến từ hội nhập. Thông qua các hiệp định thương mại tự do, nông sản ngoại nhập đang cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà với nông dân Việt.

Biểu đồ thể hiện một số thành tích tiêu biểu trong quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2008-2017. (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)
Biểu đồ thể hiện một số thành tích tiêu biểu trong quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2008-2017 (Thông tin: BÌNH NGUYÊN - Đồ họa: HẢI QUÂN)

TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhận xét: “Hiện nhiều địa phương chỉ tập trung tăng năng suất để có số lượng lớn mà bỏ quên chất lượng. Muốn ngành nông nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ phải chú ý đến việc nghiên cứu thị trường tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Từ đó lên kế hoạch khuyến cáo nông dân chăn nuôi, trồng trọt cho phù hợp”.

Định hướng phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Nông dân cần thay đổi thói quen sản xuất chạy theo phong trào, phải xác định được thị trường rồi mới đầu tư. Tăng sức cạnh tranh cho nông sản bằng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ”.

Bình Nguyên

Nông thôn mới phải bắt nguồn từ chính nông dân

Sự tham gia của chính những người nông dân trong xây dựng nông thôn mới từ những ngày đầu chính là động lực quan trọng nhất cho sự thành công của Đồng Nai trong cả thập niên đầu tư cho tam nông.

 
Ông Đoàn Trung Ngọc (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom): Nông thôn có “mới” hay không là ở nông dân

Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đầu tư hệ thống điện, đường, có các chương trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất.

Người nông dân không chỉ thụ hưởng mà còn góp phần chính tạo nên sự thay da đổi thịt của quê nhà bằng việc góp công, góp của, hiến đất làm đường giao thông cũng như nhiều chương trình vì cộng đồng khác. Bản thân tôi đã tự bỏ tiền nâng cấp, sửa chữa 1,5km đường giao thông nông thôn, đầu tư đường điện tại xã Trung Hòa với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng; hiến 1 ngàn m2 đất làm đường giao thông… Tôi cũng hỗ trợ 10 ngàn hom giống thanh long và bán trả chậm 80 ngàn hom cho các hộ dân tại địa phương để nhân rộng diện tích giống đặc sản này. Nhiều hộ nhờ trồng thanh long mà thu nhập tăng gấp 3-4 lần so với trồng mía, bắp.

 
Ông Trần Hữu Thắng, nông dân được mệnh danh “Vua tiêu” (ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc): Thay đổi tư duy sản xuất để đổi đời

Tôi là một trong những người đầu tiên của huyện Xuân Lộc ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm và áp dụng kỹ thuật chăm sóc mới cho cây tiêu. Năng suất vườn tiêu từ đó tăng lên, đỉnh điểm đạt 10 tấn/hécta/năm, nên dù tiêu rớt giá, tôi vẫn có lời. 

Cũng nhờ nghị quyết về tam nông và phong trào nông thôn mới, tôi được hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên năng suất tiêu tăng cao gấp 3 lần so với lối canh tác truyền thống. Nhờ đó, từ vài sào đất, tôi đã mở rộng đầu tư được trên 5 hécta tiêu cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Khi có nông dân tìm đến hỏi kinh nghiệm, tôi sẵn sàng truyền thụ với mong muốn nhiều nông dân cùng học được phương pháp mới để đạt năng suất cao và tăng thu nhập, từ đó cùng chung tay xây dựng nông thôn mới.

 Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn ở xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc): Cần liên kết để có sức mạnh

Từ phong trào tam nông đến xây dựng nông thôn mới, Hợp tác xã xoài Suối Lớn đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về kỹ thuật giúp các xã viên nâng cao năng suất chất lượng cho trái cây và sớm đạt chứng nhận VietGAP để đưa trái xoài xuất khẩu sang một số nước. Xoài có đầu ra ổn định, giá cao, đời sống của các xã viên được nâng lên, dân tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước hơn. Từ đó, nông dân cũng tích cực hơn trong đóng góp xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, những con đường đất mưa lầy, nắng bụi đã được thay bằng những con đường trải nhựa, bê tông đi lại thuận tiện. Trường học, các công trình công cộng khác cũng được xây mới, nâng cấp khang trang, đời sống của người dân nông thôn sung túc hơn.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán): Phải “mới” từ cách suy nghĩ

Trang trại rộng gần 40 hécta của tôi trồng nhiều loại trái cây đặc sản như: mãng cầu hạt lép, xoài cát Hòa Lộc, xoài Úc, vú sữa Hoàng Kim, sầu riêng...Ngay từ những ngày đầu, tôi đã thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. 

Trang trại của tôi đang cung cấp trái cây cho các cửa hàng thực phẩm sạch. Một số siêu thị lớn bàn việc đưa hàng vào hệ thống và đã có khách hàng Nhật Bản cũng như những nước khác đặt bao tiêu hàng để xuất khẩu. Tôi thành lập Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai cũng vì mục tiêu liên kết nông dân sản xuất sạch, đạt chuẩn xuất khẩu. Nhưng nông dân mình vẫn quen chạy theo sản lượng nên sẵn sàng lạm dụng phân, thuốc. Chính vì vậy, nông sản Việt luôn ở phân khúc giá rẻ, đầu ra bấp bênh. Điều nông dân cần thay đổi là phải có tư duy sản xuất mới với chất lượng, chữ tín được đưa lên hàng đầu. Nông dân cũng phải có tư duy năng động nắm bắt được nhu cầu thị trường để kiên định với hướng đầu tư đã chọn.

Hương Giang - Lê Quyên

 

Tin xem nhiều