Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng thương hiệu nông sản bằng trái tim

08:10, 20/10/2018

Ông Bùi Đình Anh (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) thuộc lớp nông dân đi tiên phong trồng thanh long ruột đỏ tại Đồng Nai và là một trong số ít nông dân có thể xuất khẩu sản phẩm với số lượng tương đối lớn.

Ông Bùi Đình Anh (ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) thuộc lớp nông dân đi tiên phong trồng thanh long ruột đỏ tại Đồng Nai và là một trong số ít nông dân có thể xuất khẩu sản phẩm với số lượng tương đối lớn. Hiện ông có trang trại rộng 40 hécta trồng loại trái cây đặc sản này, chuyên cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Câu chuyện khởi nghiệp thành công của ông Bùi Đình Anh không chỉ bắt đầu từ niềm đam mê trồng trọt mà còn là quá trình rèn luyện để trở thành nông dân lành nghề và chủ động đầu ra sản phẩm.

* Phải làm đúng trước đã

 Cái duyên nào gắn bó ông với ngành nông nghiệp?

- Sau khi xuất ngũ, tôi đi xuất khẩu lao động và có gần 10 năm sống ở các nước như: Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Liên Xô... Năm 2000 khi đã hơn 40 tuổi, tôi quyết định về Việt Nam và chọn TP.Hồ Chí Minh để lập nghiệp. Một người bạn của tôi làm trong ngành thuốc lá ở Đồng Nai khuyến khích tôi thành lập doanh nghiệp và đầu tư vùng nguyên liệu ở 3 tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận. Tôi ứng vốn cho dân trồng thuốc lá rồi thu lá về cung cấp cho nhà máy chế biến. Cơn bão đầu năm 2012 làm tôi mất trắng 1.700 hécta cây thuốc lá, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Sau thất bại này, tôi từng đầu tư công ty sản xuất viên nén mùn cưa xuất khẩu. Khó khăn và áp lực cạnh tranh trong ngành này giúp tôi nhận ra rằng tôi mê đất đai và nông nghiệp hơn cả. Tôi mua đất đầu tư trang trại trồng thanh long tại ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc).

 Tại sao ông chọn trồng cây thanh long ruột đỏ?

- Năm 2009, qua tìm hiểu tôi biết giống thanh long ruột đỏ cho lợi nhuận cao nên tìm đến hợp tác xã trồng giống thanh long ruột đỏ ở miền Tây. Tôi ở lại đó vài ngày thăm hết các nhà vườn, xem cách thương lái mua bán rồi quyết định mua tất cả số cây giống mà hợp tác xã này có để đem về trồng cho 6 hécta đầu tiên. 

 Bắt đầu từ con số 0, bí quyết của ông là gì để trở thành “bậc thầy” trong nghề trồng thanh long?

- Tôi đọc sách nhiều, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia nông nghiệp và kinh nghiệm của bản thân. Trước hết anh phải thật sự đam mê, thật sự biết và hiểu mình cần phải làm gì thì mới tìm ra được giải pháp tốt nhất. Có khi 2-3 giờ sáng tôi vẫn ra thăm vườn, tôi có thể nghe và hiểu “tiếng” cây để biết nó có được chăm sóc tốt hay không.

Khi mới đầu tư, cũng có điều tôi làm sai nhưng cái tôi đúng nhất là lên luống trồng thanh long, dù lúc đó ai đến thăm vườn cũng lắc đầu cho rằng tôi đang phí tiền vô ích. Tôi luôn xem cây trồng là một cơ thể sống và phải chăm sóc đúng cách trong từng thời kỳ sinh trưởng. Như cây thanh long tơ vào giai đoạn uốn cành, bẻ cành, tôi động viên người lao động nghỉ buổi trưa và bắt đầu làm từ 15 giờ đến 21 giờ, thời điểm này cây “ngủ”, cành sẽ dẻo hơn. Khoảng thời gian đó, năng suất của công nhân cao hơn 2 ngày làm việc mà không làm gãy cành.

 Ông vẫn tự hào rèn luyện được đội ngũ làm công cho mình thành những chuyên gia trong nghề nông. Kinh nghiệm đào tạo của ông như thế nào?

- Theo tôi đánh giá, 90% nông dân của nước ta còn thiếu kỹ năng lao động. Hiện trang trại tôi có 80 lao động làm việc thường xuyên. Tôi không yêu cầu công nhân phải làm hết sức mà phải toàn tâm toàn ý để làm cho đúng. Thực tế, nhiều nhân công của tôi có người làm được 800 ngàn đồng/ngày. Và họ phải nghĩ đến việc sẽ kiếm được tiền triệu. Ai chỉ làm được 300 ngàn đồng/ngày là tôi cho nghỉ.

 Theo ông, sự khác biệt giữa lao động có kỹ năng và không có kỹ năng là ở đâu?

Với tôi, thương hiệu là phải ở trong tim chứ không chỉ là cái nhãn dán trên sản phẩm. Để xây dựng thương hiệu thành công, chữ tín là quan trọng nhất.

- Thời gian làm việc của mỗi người đều chỉ có 8 tiếng/ngày. Sự khác biệt của người có kỹ năng và không có kỹ năng là về hiệu quả, không phải làm được gấp đôi, gấp ba mà làm đúng hay sai. Làm đúng thì sẽ không phải làm lại; nhiều cái làm sai là hỏng hoàn toàn. Tôi luôn yêu cầu người lao động phải hiểu, biết rồi mới làm. Ví dụ, những cây trồng khác chỉ có 1 gốc thì anh “ném” phân bên nào cũng được. Nhưng 1 trụ thanh long có đến 6 cái gốc nên đòi hỏi anh phải rải phân đều thành vòng tròn. Xịt thuốc phải tỉ mỉ để phủ đều thuốc khắp các cạnh của nhánh thanh long vì chỉ cần 1 đốm nấm là phải cắt bỏ cả cành.

Tôi thường tổ chức các buổi họp rút kinh nghiệm như: cách chăm sóc cho cây ra trái đẹp, trị nấm cần làm gì... Lao động nào cũng phải tham gia đưa ra giải pháp, ai nói đúng, nói hay sẽ được thưởng tiền “tươi”, qua đó giúp họ thuộc nằm lòng. Tôi thường mất 3 năm cầm tay chỉ việc để đào tạo được 1 nông dân lành nghề.

 Có phải người lao động cũng là thành viên được chia lợi nhuận từ trang trại của ông?

- Nhiều gia đình đến trang trại tôi xin việc trong hoàn cảnh nợ nần, cơm không đủ ăn, con không được học hành. Tôi xây nhà cho họ ở và luôn nói với người lao động rằng các anh mới là ông chủ thật sự. Tôi khoán cho mỗi hộ nhân công chăm sóc một số lượng gốc thanh long cụ thể. Tôi không phải là người trả tiền cho họ mà tiền nằm ở cây thanh long, họ khai thác và phải tự hỏi mình muốn được bao nhiêu.

Giữa tháng tôi cho nhân công ứng tiền, cuối năm người lao động được chia 25-31% trên tổng thu nhập của diện tích vườn được khoán. Người làm giỏi, 1 gốc thanh long thu về 1 triệu đồng/năm và họ có thể chăm sóc tốt hơn để nâng mức thu này lên 1,5-2 triệu đồng/gốc/năm.

* Hãy để thương lái tìm mình

 Ông có thể chia sẻ về bài toán tìm thị trường cho trái thanh long ruột đỏ?

- Thời đó, người tiêu dùng hầu như không biết nhiều về trái thanh long ruột đỏ. Tôi tham gia tất cả các hội chợ lớn khắp cả nước để thị trường dần quen với loại trái đặc sản còn khá lạ này. Đi hội chợ, tôi mời khách dùng thử dù giá bán thanh long ruột đỏ lúc bấy giờ là 150 ngàn đồng/kg. Nhiều người biết tiếng trang trại của tôi nên tôi có được đơn đặt hàng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, rồi ngày càng nhiều khách hàng tìm đến.

Tôi đang triển khai thành lập hợp tác xã với kế hoạch phát triển vùng chuyên canh 100 hécta thanh long ruột đỏ ở xã này theo kiểu hoạt động của công ty cổ phần mà các xã viên có thể tham gia với nhiều hình thức như: góp đất, góp tiền hoặc góp công. Tôi không lo về đầu ra vì không có loại trái cây nào xuất khẩu được đến 95% như thanh long ruột đỏ. Trung Quốc không chỉ là thị trường chính của nông sản Việt mà cả thế giới cũng đang nhắm vào thị trường quá lớn này, Việt Nam có lợi thế ở ngay bên cạnh thì tại sao không tận dụng tốt?

 Cơ hội xuất khẩu vào các thị trường khó tính khác ra sao?

- Trang trại tôi từng đi đầu xuất khẩu trái thanh long ruột đỏ vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... Tết vừa rồi, tôi có xuất 1 container hàng đi Nhật Bản, bán được với giá cao gấp 3, gấp 4 lần so với bán đi Trung Quốc nhưng vẫn lỗ vốn. Vì xuất đi Nhật Bản 1 lô hàng chỉ lựa được vài phần trăm tỷ lệ trái đạt chuẩn, rồi qua rất nhiều khâu xử lý; đi Mỹ chỉ cần còn sót lại 1 chiếc lá là cả container hàng phải đổ bỏ... Trình độ sản xuất của Việt Nam chưa đạt chuẩn vào những thị trường khó tính trên.

Theo tôi, cần vai trò đầu tư dài hạn của Nhà nước, thậm chí chấp nhận thua lỗ lớn vào thời gian đầu để thật sự mở rộng cửa xuất khẩu vào được các thị trường cao cấp này.

 Ông quan niệm như thế nào về xây dựng uy tín thương hiệu cho nông sản dưới góc nhìn nông dân? 

- Đến hiện nay, nông dân vẫn giữ quan điểm Trung Quốc là thị trường dễ tính, sản xuất kiểu nào cũng bán được là đang tự hại mình. Tôi vẫn khuyên nông dân nên sản xuất theo chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GlobalGAP, VietGAP dù không cần làm chứng nhận vì đó là quy trình sản xuất khoa học, đảm bảo về an toàn chất lượng.

Thương hiệu thể hiện ở việc hàng đang đứng nhưng thương lái vẫn sẵn sàng trả tiền trước và trả giá cao hơn để mua bằng được thanh long của tôi. Nhiều đợt, bạn hàng trả giá cao hơn cả chục ngàn đồng/kg vì thương lái Trung Quốc đặt họ mua thanh long của tôi với mức giá đó. Khách mua thanh long của trang trại tôi không cần xem hàng vì tôi chỉ bán hàng đẹp, hàng chất lượng. Mua bán thì 2 bên phải cùng có lợi, tôi không chỉ nghĩ đến tiền, đến lợi nhuận cho mình nên có đợt hàng rớt giá, thương lái lỗ tiền tỷ, họ chỉ xin giảm một phần nhưng tôi bớt giá nhiều hơn để họ vẫn được lời chút đỉnh. Những câu chuyện như thế sẽ lan khắp nơi nên những thương lái làm ăn chụp giựt không chọn làm với tôi.

Theo tôi, trong xây dựng cánh đồng lớn, quy định phải có hợp đồng mua bán trước trong 5 năm, 10 năm là đang làm khó nông dân. Điều cần coi trọng ở đây chính là việc giữ chữ tín của các bên từ nông dân đến thương lái, doanh nghiệp.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

Tin xem nhiều