Báo Đồng Nai điện tử
En

Có nên "cứu" thanh long?

08:10, 16/10/2018

Khoảng nửa tháng nay, nhiều tuyến đường tại TP.Biên Hòa xuất hiện nhiều "chiếu" thanh long vỉa hè, bán đại hạ giá với mức giá chỉ trên dưới 10 ngàn đồng/kg. Tại nhiều vườn thanh long ở Đồng Nai và Bình Thuận, mức giá thanh long tụt xuống chỉ còn 1-2 ngàn đồng/kg, thấp nhất từ trước đến nay.

Khoảng nửa tháng nay, nhiều tuyến đường tại TP.Biên Hòa xuất hiện nhiều “chiếu” thanh long vỉa hè, bán đại hạ giá với mức giá chỉ trên dưới 10 ngàn đồng/kg. Tại nhiều vườn thanh long ở Đồng Nai và Bình Thuận, mức giá thanh long tụt xuống chỉ còn 1-2 ngàn đồng/kg, thấp nhất từ trước đến nay. Thậm chí nhiều chủ vườn bỏ cho thanh long chín rục trong vườn mà không thu hoạch.

Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thừa thanh long được cho là do thanh long năm nay thu hoạch trễ, rơi đúng vào thời điểm Trung Quốc nghỉ lễ Quốc khánh nên ứ đọng, và giá giảm mạnh chứ không phải Trung Quốc ngừng mua thanh long. Tóm lại, sự lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc khiến thanh long Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi thị trường này có biến động tăng hoặc giảm sức mua.

Cũng như các đợt giải cứu nông sản khác trước đây như: thịt heo, khoai lang, củ cải, cà chua, chuối... lần này cũng có nhiều lời kêu gọi giải cứu thanh long trên quy mô rộng, bằng cách vận động người dân tiêu thụ thanh long giúp các nhà vườn. Một số hệ thống siêu thị như: Lotte Mart, Sài Gòn Co.op, Mega Market... đã “giải cứu” bằng cách bán giá rẻ hàng trăm tấn thanh long tại các siêu thị trong hệ thống, một số doanh nghiệp và các đoàn thể cũng tham gia.

Tuy nhiên, rõ ràng “giải cứu” không phải là hoạt động căn cơ trong tiêu thụ nông sản. Đúng hơn, “giải cứu” cũng không nên là phương pháp được áp dụng quá nhiều bởi sẽ gây “lờn thuốc”. Ở thời hiện tại, sản xuất và kinh doanh nông sản là một hoạt động tuân thủ theo quy luật thị trường như bao ngành khác, có lúc lời, có lúc lỗ, lúc cao giá, lúc giá thấp... Do đó, sự cân nhắc tính toán cần phải kỹ lưỡng và có tầm nhìn trong cả một giai đoạn để cân bằng giữa lời - lỗ, không thể và không nên cứ rớt giá là lại kêu gọi cộng đồng “giải cứu”. “Giải cứu” có thể và nên được áp dụng với những hoàn cảnh đặc biệt có tính đặc thù như: thiên tai, hoạn nạn... chứ không nên là một biện pháp diễn ra thường xuyên, liên tục như thời gian qua.

Trở lại câu chuyện thanh long, dù có chia sẻ với hoàn cảnh của những người trồng thanh long đi nữa thì hoạt động “giải cứu” có lẽ vẫn không nên được kêu gọi trên quy mô lớn. Những mùa vụ khác, thanh long vẫn được mua tại vườn với giá hàng chục ngàn đồng/kg, nông dân vẫn không ngừng mở rộng diện tích trồng và phải thừa nhận thực tế là những người trồng thanh long hầu hết đều thuộc nhóm “đại gia” trong nông nghiệp với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng, không phải nông dân nhỏ lẻ thu nhập thấp.

Muốn “cứu” thanh long nói riêng và các loại nông sản khác nói chung, hãy “cứu” bằng những tính toán căn cơ, lâu dài. Chẳng hạn, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin cấp địa phương, cấp quốc gia, quốc tế về các loại nông sản chính, đồng thời cập nhật thật tốt các thông tin như: mùa vụ, diện tích, dự đoán giá cả, đối thủ cạnh tranh, thị trường mới...; đồng thời có sự điều chỉnh về diện tích, chất lượng, khai phá những thị trường mới để bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, phát triển chế biến sâu... Tóm lại, cần nâng cấp phẩm chất nông sản, mở rộng thị trường để nếu thị trường Trung Quốc có biến động, vẫn còn những thị trường khác chống đỡ. Đó mới là cách giải cứu lâu dài, thay vì vận động người dân ăn thanh long để giúp nông dân.

Vi Lâm

Tin xem nhiều