Báo Đồng Nai điện tử
En

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương: Giải "cơn khát" giao thông

08:10, 29/10/2018

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là tuyến cao tốc nối 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, ngay từ khi mới lập dự án đã được người dân các tỉnh phía Nam trông đợi. 

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là tuyến cao tốc nối 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, ngay từ khi mới lập dự án đã được người dân các tỉnh phía Nam trông đợi. Khi xây dựng xong, tuyến cao tốc này có thể rút ngắn đáng kể thời gian đi lại lên thành phố du lịch Đà Lạt.

Khi cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được đầu tư hoàn chỉnh sẽ nối với đoạn cao tốc Liên Khương - Đà Lạt. Trong ảnh: Cao tốc Liên Khương - Đà lạt.
Khi cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được đầu tư hoàn chỉnh sẽ nối với đoạn cao tốc Liên Khương - Đà Lạt. Trong ảnh: Cao tốc Liên Khương - Đà lạt.

Lãnh đạo 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng cũng khá sốt ruột, bởi dự án này tác động trực tiếp đến vấn đề phát triển kinh tế của 2 tỉnh.

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài 200km, tổng vốn đầu tư 65 ngàn tỷ đồng với tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn. Dự án có 3 dự án thành phần, bao gồm: đoạn Dầu Giây - Tân Phú; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương; đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai gồm 2 dự án thành phần là Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú - Bảo Lộc. Theo kế hoạch được Bộ Giao thông - vận tải phê duyệt, đoạn Dầu Giây - Tân Phú được thực hiện trong thời gian từ năm 2018-2020 và dự kiến khởi công trong năm 2019.

* Rút ngắn khoảng cách

Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc Hợp tác xã tổng hợp Anh Đào (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, mỗi năm hợp tác xã sản xuất trên 40 ngàn tấn rau các loại, trong đó một lượng lớn sản phẩm được đưa về Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh. Giao thông hiện nay đang là vấn đề khó khăn trong vấn đề tiêu thụ hàng hóa của hợp tác xã, vì để đưa hàng từ Đà Lạt đến chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) mất hơn 5 tiếng đồng hồ.

“Khi chúng tôi giao hàng về đến TP.Biên Hòa thì luôn rơi vào thời điểm cấm xe tải vào nội ô thành phố nên phải chờ đến giờ mới đi được, mất rất nhiều thời gian” - ông Thừa nói.

Chia sẻ về vấn đề này ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất, đơn vị đầu tư và quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây cho biết mỗi ngày lượng hàng nông sản từ Lâm Đồng về chợ đầu mối khoảng 50 tấn. Các sản phẩm chủ yếu là rau quả nên rất cần thời gian vận chuyển nhanh để đảm bảo độ tươi ngon.

Theo tính toán của các chủ doanh nghiệp, khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được đầu tư hoàn thiện sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Đà Lạt với các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ khá nhiều. Hiện nay, tình trạng quá tải trên quốc lộ 20, đặc biệt khi qua địa bàn Đồng Nai khiến cho việc đi lại khá bất tiện. Theo lãnh đạo huyện Tân Phú, khi cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được xây dựng địa phương cũng kỳ vọng vào khả năng thu hút các doanh nghiệp đến Tân Phú đầu tư vào các khu công nghiệp sẽ tăng lên.

* Thúc giục đầu tư

Tại hội nghị tổng kết 10 năm hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Đồng Nai và Lâm Đồng diễn ra mới đây tại TP.Đà Lạt, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho biết tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị rất nhiều với Bộ Giao thông - vận tải về việc xây dựng tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và hy vọng dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2019. Cũng theo lãnh đạo Tỉnh ủy Lâm Đồng, trước tiên Bộ Giao thông - vận tải cần đầu tư cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đoạn Dầu Giây - Tân Phú để giải quyết tình trạng quá tải cho quốc lộ 20 ở đoạn này nhằm tạo điều kiện thuận tiện hơn sau đó sẽ xây dựng tiếp những đoạn còn lại.

Khi cao tóc Dầu Giây
Khi cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được đầu tư hoàn chỉnh sẽ nối với đoạn cao tốc Liên Khương - Đà Lạt. Trong ảnh:Cao tốc Liên Khương - Đà Lạt.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai cùng kiến nghị với Bộ Giao thông - vận tải để dự án này được thực hiện theo đúng kế hoạch. Bởi đây là tuyến đường huyết mạch của tỉnh Lâm Đồng cùng với một số huyện phía Bắc của tỉnh Đồng Nai.

Đồng quan điểm này, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho rằng đây là dự án cần được đầu tư sớm vì mang tính chất liên kết vùng. Đồng chí Nguyễn Phú Cường đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần tập trung công việc của mình liên quan đến dự án. Lãnh đạo Tỉnh ủy Đồng Nai cũng nhất trí việc 2 tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ, và thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của 2 tỉnh để kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm khởi công xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương vì đây là lợi ích chung.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, việc thu hút đầu tư của Lâm Đồng còn gặp nhiều khó khăn cũng do giao thông kết nối của tỉnh còn hạn chế. Chính vì vậy tỉnh kỳ vọng nhiều vào xây dựng tuyến cao tốc này.  

 Khắc Giới

Tin xem nhiều