Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Xuân Lộc

08:08, 20/08/2018

Đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng "phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững" giai đoạn 2018 - 2025 đến nay đã hoàn thành lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương.

Đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu theo hướng “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025 đến nay đã hoàn thành việc lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương. Hiện đề án đang chờ UBND tỉnh phê duyệt.

Dây chuyền sản xuất trứng theo chuẩn châu Âu tại Trang trại Thanh Đức. Ảnh: B.Nguyên
Dây chuyền sản xuất trứng theo chuẩn châu Âu tại Trang trại Thanh Đức. Ảnh: B.Nguyên

Xây dựng NTM kiểu mẫu của huyện Xuân Lộc gắn với phát huy lợi thế của địa phương, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, bền vững. Mục tiêu chính là không ngừng nâng cao đời sống người dân. 

* Khai thác thế mạnh riêng

Xuân Lộc là địa phương tiên phong trong phong trào Xây dựng NTM của cả nước. Địa phương tiếp tục giữ được vị trí ngọn cờ đầu trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Đến nay, huyện đã có 5/14 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Còn lại 9 xã đều đạt từ 10-17/19 tiêu chí, 33-45/47 chỉ tiêu.

Tuy lấy nông nghiệp làm trọng tâm, Xuân Lộc vẫn phát triển đều công nghiệp, thương mại, dịch vụ đóng vai trò thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Các hoạt động thương mại, dịch vụ đã tạo điều kiện kết nối, đưa các sản phẩm nông nghiệp của huyện vào bày bán tại các trạm dừng chân, cửa hàng, vựa trái cây lớn; hình thành các tuyến du lịch NTM...

Năm 2017, giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên địa bàn huyện đạt trên 129 triệu đồng/hécta, thu nhập bình quân đầu người/năm toàn huyện đạt trên 50 triệu đồng (cao hơn mức bình quân toàn tỉnh 47,6 triệu đồng/người/năm). Trong đó, nhiều xã đã đạt thu nhập ở mức 58 triệu đồng/người/năm. Xuân Lộc có lực lượng lao động dồi dào, phần lớn còn trong độ tuổi lao động.

Điểm nổi bật của nông nghiệp Xuân Lộc là sự đa dạng về sản phẩm từ cây ăn trái đến cây công nghiệp và cây hằng năm. Từ nhiều năm qua, ngành nông nghiệp của huyện Xuân Lộc đã chuyển dần sang đầu tư theo chiều sâu, ứng dụng khoa học - công nghệ để thâm canh, tăng năng suất và hiệu quả.

Ông Bùi Đình Anh (ấp Bình Tân, xã Xuân Phú) đại diện cho lớp nông dân có lối tư duy mới khi tổ chức liên kết sản xuất theo tín hiệu và nhu cầu thị trường hiện nay. Ông là một trong số chủ trang trại thực hiện tốt việc tích tụ ruộng đất để tạo thành vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ với diện tích 40 hécta. ông Bùi Đình Anh chia sẻ: “Trang trại của tôi được phân theo từng khu, mỗi khu có một mã số riêng để quản lý, theo dõi. Sau khi đầu tư, tôi thực hiện thuê khoán lao động chăm sóc theo diện tích và số trụ cây trồng. Ngoài tiền công, các hộ thành viên sẽ được chia lợi nhuận sau khi thu hoạch nên họ luôn tận tụy và có trách nhiệm cao với công việc”.

Theo ông Hồ Văn Hà, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, để đạt mục tiêu huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025, Xuân Lộc cần nguồn vốn lớn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án thủy lợi. Tuy nhiên, ngay từ đầu triển khai, địa phương đã xác định không trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn nhà nước. Địa phương phải tự cân đối nguồn vốn đầu tư công theo hướng ưu tiên cho phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục phát huy nguồn vốn xã hội hóa trong thu hút đầu tư xây dựng NTM kiểu mẫu.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng được phát triển mạnh theo hướng trang trại, ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ về giống, thức ăn, xây dựng quy trình khép kín từ chăn nuôi đến xử lý chất thải.

Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức cho biết: ”Với dây chuyền khép kín, tự động hóa với công nghệ hiện đại từ khâu nuôi đến thu hoạch, xử lý trứng, Thanh Đức đủ điều kiện cung cấp trứng cho những khách sạn lớn, những đơn vị chế biến yêu cầu chất lượng trứng đạt chuẩn châu Âu. Chúng tôi cũng đầu tư dây chuyền hiện đại sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn chất thải chăn nuôi và liên kết với nông dân làm cánh đồng lớn sản xuất gạo hữu cơ”. 

Nhờ phát huy được nguồn lực của người dân, doanh nghiệp trong đầu tư vào sản xuất, Xuân Lộc duy trì tốc độ tăng trưởng của giá trị sản xuất nông nghiệp ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011-2017 đạt 4,64%/năm.

* Phát huy nội lực

Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/người/năm vào năm2020, trên 95 triệu đồng/người/năm vào năm 2025 là nỗ lực rất lớn của huyện thuần nông Xuân Lộc trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Xuân Lộc phải tập trung các giải pháp đồng bộ để phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn và bền vững.

Theo đó, huyện đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp chia thành 4 tiểu vùng sản xuất. Các loại cây trồng đã được phân bố khá hợp lý theo điều kiện đất đai và nguồn nước của từng địa bàn. Việc tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng được thương hiệu nông sản là yêu cầu cấp thiết.

Để gỡ nút thắt sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững, địa phương tập trung giải bài toán đầu ra cho nông sản. Trong đó, thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo động lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được địa phương đặc biệt quan tâm. Hiện trong lĩnh vực trồng trọt, Xuân Lộc  có 11 công ty trồng rau, đậu, hoa, cây dược liệu, cây cảnh, trồng rừng và chăm sóc rừng; có 36 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao.

Ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (TP.Hồ Chí Minh) quyết định đầu tư nhà máy chuyên sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân gia cầm và làm trang trại trồng rau, trái cây sạch trong nhà màng tại huyện Xuân Lộc vì địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư.

Ông Tính chia sẻ: “Tôi đang triển khai dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và xử lý chất thải trong chăn nuôi. Theo đó, doanh nghiệp sẽ thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn huyện thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch. Sự ủng hộ của chính quyền  địa phương chính là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn triển khai”.

Sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt - GAP đã được Xuân Lộc áp dụng rộng rãi với các loại cây trồng như: sầu riêng, xoài, rau, chuối, tiêu… Nhiều sản phẩm đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa như: hồ tiêu Xuân Thọ, xoài Suối Lớn, trứng gà Thanh Đức, nấm Nấm Lộc, bưởi Suối Đá.... Trong chăn nuôi cũng xây dựng được nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP.

Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết: “Địa phương đang có nhiều chương trình hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, làm mã vạch sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm qua các trạm dừng chân, chợ đầu mối nông sản và vào các siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều