Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chủ quan trước thiên tai

10:08, 22/08/2018

Ngày 22-8, PGS-TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã về Đồng Nai kiểm tra công tác phòng chống thiên tai năm 2018.

Ngày 22-8, PGS-TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã về Đồng Nai kiểm tra công tác phòng chống thiên tai năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đánh giá cao sự chủ động của Đồng Nai trong công tác phòng chống thiên tai.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đánh giá cao sự chủ động của Đồng Nai trong công tác phòng chống thiên tai.

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhận định: “Đồng Nai đã thấm nhuần phương châm “4 tại chỗ”, từ tỉnh đến địa phương đều chủ động thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu trong công tác phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, tỉnh không nên chủ quan mà phải luôn ở tâm thế sẵn sàng ứng phó với thiên tai”.


* Lo biến đổi khí hậu

Trong 7 tháng của năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 7 cơn mưa kèm dông, lốc và 1 vụ sét đánh khiến 1 người chết (do sét đánh), 80 căn nhà bị tốc mái, gần 20 chuồng trại, công trình công cộng bị sập, hư hại do dông, lốc. Một số diện tích cây trồng như: bưởi, chôm chôm, mít, điều, cao su, sầu riêng, măng cụt... bị thiệt hại. Tổng kinh phí hỗ trợ thiệt hại gần 365 triệu đồng.

 

Đồng Nai ít bị thiệt hại nặng nề về người và của do thiên tai, bão lũ như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, nhưng sản xuất nông nghiệp đang bị ảnh hưởng rất lớn do biến đổi khí hậu. Cụ thể, chỉ tính riêng mùa khô năm 2017, mưa trái mùa diễn biến phức tạp làm trên 41 ngàn hécta điều, xoài mất mùa, ước tính thiệt hại khoảng 1.400 tỷ đồng.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết: “Ngoài ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, khó khăn lớn nhất của tỉnh là các công trình thủy lợi, hồ đập chỉ mới đáp ứng được 19 ngàn hécta đất sản xuất. Kết quả 10 năm nỗ lực, Đồng Nai đã có 33 ngàn hécta cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Nhưng con số đó vẫn rất khiêm tốn so với 280 ngàn hécta đất nông nghiệp toàn tỉnh. Mùa khô hạn, hàng ngàn hécta cây trồng trên địa bàn tỉnh vẫn bị thiếu nước”.

Chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, trước mùa mưa lũ 2018 công tác nạo vét, gia cố kênh mương, cầu cống, khơi thông dòng chảy, bổ sung trang thiết bị, vật tư dự phòng sự cố tại các công trình hồ chứa nước trên toàn tỉnh được chú trọng. Theo ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Nai: “Toàn tỉnh có 16 hồ chứa và 47 đập thủy lợi đều được thực hiện kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn. Các quy định về quản lý an toàn đập, giám sát vận hành hồ chứa và thông tin kịp thời đến người dân vùng hạ du khi xả nước luôn được thực hiện nghiêm”.

Ông Lê Văn Toàn, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cũng cam kết: “9 hồ chứa nước do doanh nghiệp quản lý đều được kiểm tra, kiểm định về an toàn. Hiện lượng nước tại các hồ chỉ mới đạt 50% sức chứa của hồ, trong đó 4 hồ chứa lớn đều có phương án chi tiết ứng phó với sự cố và đảm bảo dung tích phòng lũ trong mùa mưa bão”.

Chủ động phòng chống


Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ), toàn tỉnh đã đầu tư 71 xe chữa cháy, cứu thương, xe tải, xe thang...; 185 ca nô cứu hộ, tàu, xuồng các loại và hàng chục ngàn trang thiết bị như: bình cứu hỏa, nhà bạt, phao bè, áo phao, mũ bảo hộ...

Năm 2017, mưa trái mùa diễn biến phức tạp khiến hơn 41 ngàn hécta xoài, điều mất mùa, ước thiệt hại khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).
Năm 2017, mưa trái mùa diễn biến phức tạp khiến hơn 41 ngàn hécta xoài, điều mất mùa, ước thiệt hại khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu).

 

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, giai đoạn 2014-2020 Sở Y tế chi 5,5 tỷ đồng trang bị xe cứu thương và các trang thiết bị phục vụ cho công tác cứu nạn. Các tổ cấp cứu lưu động, bệnh viện dã chiến luôn sẵn sàng được thành lập khi sự cố xảy ra. “Hằng năm chúng tôi đều tổ chức công tác kiểm tra sự sẵn sàng của các lực lượng tham gia cứu hộ, chuẩn bị về cơ số thuốc. Trong đó, công tác phòng dịch sau thiên tai được đặc biệt quan tâm” - ông Trung nói.

Lực lượng vũ trang luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Ông Ngô Quang Thuấn, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho hay: “81 đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 đóng quân trên địa bàn tỉnh là thuận lợi rất lớn trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Khi có sự cố xảy ra, có gần 20 ngàn cán bộ, chiến sĩ, trong đó gần 15 ngàn dân quân sẵn sàng tham gia”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định: “Khi có dự báo về thiên tai, các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đều tỏa xuống các địa phương trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai và cứu nạn, cứu hộ. Trong các giải pháp chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai luôn nhấn mạnh không được chủ quan. Tỉnh cũng rất quan tâm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tránh để xảy ra thiệt hại lớn do sự chủ quan”.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều