Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghịch lý thị trường nông sản

08:07, 03/07/2018

Từ giữa tháng 6, giá bán lẻ các mặt hàng thịt, cá, trứng, rau... tại các chợ đồng loạt tăng. Tuy nhiên, tại nơi sản xuất, nhiều loại nông sản lại giảm giá hoặc đứng giá do tiêu thụ chậm...

Từ giữa tháng 6, giá bán lẻ các mặt hàng thịt, cá, trứng, rau... tại các chợ đồng loạt tăng. Tuy nhiên, tại nơi sản xuất, nhiều loại nông sản lại giảm giá hoặc đứng giá do tiêu thụ chậm. Theo nhiều tiểu thương, đây là thời điểm sức mua thấp nhất trong năm.

Nông dân trồng rau tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) thất vọng vì mùa mưa khó trồng nhưng giá rau vẫn rẻ như cho.
Nông dân trồng rau tại xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) thất vọng vì mùa mưa khó trồng nhưng giá rau vẫn rẻ như cho.

Ngay cả một số mặt hàng tăng giá, nông dân vẫn kêu khó vì sản xuất mùa mưa dịch bệnh, hao hụt nhiều. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào bị đội lên không ít vì từ thức ăn chăn nuôi đến thuốc thú y, con giống... đều tăng cao.

* Chi phí đầu vào cao

Đi đầu trong các mặt hàng tăng giá là thịt heo liên tục tăng từ 3 tháng trước và hiện vẫn đứng ở mức cao với giá heo hơi khoảng 48 ngàn đồng/kg. Mặt hàng sốt giá tiếp theo là trứng. Hiện trứng gà công nghiệp bán tại trại lên đến khoảng 20 ngàn đồng/chục, đạt mức giá cao nhất trong vài năm trở lại đây. Gần đây nhất, giá gà ta, gà công nghiệp cũng leo thang.

Cụ thể, gà công nghiệp hiện bán tại trại từ 30-32 ngàn đồng/kg, tăng cả chục ngàn đồng/kg so với tháng trước đó; gà ta thả vườn đang dao động từ 55-58 ngàn đồng/kg với gà trống và 65-68 ngàn đồng/kg với gà mái, tăng 5 ngàn đồng/kg so hồi đầu tháng.

Tuy nhiên, người nuôi lại kém vui vì lợi nhuận không như mong đợi. Theo ông Nguyễn Hữu Sang (ở xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ), giá gà ta có tăng nhưng lợi nhuận của người nuôi không tăng, thậm chí giảm vì chi phí đầu vào tăng cao. Cụ thể, vài tháng trở lại đây, giá con giống gà ta tăng mạnh, hiện vẫn đứng ở mức khoảng 18 ngàn đồng/con, tăng 5 ngàn đồng/con so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cám cũng tăng từ 15-20% so với trước.

Giá gà thả vườn tăng nhưng người nuôi kém vui vì vừa lo dịch bệnh vừa lo chi phí đầu vào tăng quá cao. Trong ảnh: Trại gà ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán).
Giá gà thả vườn tăng nhưng người nuôi kém vui vì vừa lo dịch bệnh vừa lo chi phí đầu vào tăng quá cao. Trong ảnh: Trại gà ở xã Phú Ngọc (huyện Định Quán).

Theo một số chủ trang trại nuôi gà công nghiệp, chỉ tính riêng giá cám tăng cũng đẩy giá thành nuôi gà lên 1 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, mùa mưa gà tăng trưởng chậm, dịch bệnh thường xảy ra khiến nguồn cung hụt, đẩy giá gà tăng nhưng cũng chỉ tạm thời trong giai đoạn ngắn.   

* Giá chợ tăng, nông dân vẫn bán rẻ

Thị trường hiện nay có một nghịch lý là giá bán lẻ của nhiều mặt hàng vẫn tăng trong khi nông dân lại rơi vào cảnh ế hàng, dội chợ. Tiêu biểu nhất là các loại rau củ. Với lý do mùa mưa rau khó trồng, hao hụt nhiều nên giá rau cao hơn hẳn so với mùa nắng.

Tại rất nhiều chương trình làm việc với ngành nông nghiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh luôn chỉ ra khó khăn lớn nhất hiện nay là nông sản vẫn chưa có đầu ra bền vững do nhiều nguyên nhân như: sản xuất chưa sát với nhu cầu thị trường; nông dân bán rẻ, người tiêu dùng mua đắt vì quy trình tiêu thụ nông sản còn quá nhiều khâu trung gian...Muốn giải bài toán khó trên, ngành nông nghiệp cần đổi mới, cơ cấu lại tổ chức sản xuất gắn với việc hình thành các chuỗi liên kết, xây dựng cánh đồng lớn.

Nhưng thực tế rau bán tại vườn với giá rẻ như cho mà vẫn tồn hàng. Ông Vũ Quốc Toản, nông dân trồng rau tại cánh đồng rau Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất), than thở: “Vào mùa mưa, năng suất rau chỉ bằng 50-60% mùa nắng. Chi phí phân, thuốc, công chăm sóc đều cao hơn. Những đợt mưa dầm, nhiều nhà vườn ở vùng này bỏ cả sào rau vì bị úng nước. Nhưng cả tháng nay, giá các loại rau củ lại rớt thê thảm”.

Ông Toản liệt kê, hiện rau mồng tơi, cải ngọt, cải ngồng... chỉ bán được từ 2-4 ngàn đồng/kg;  các loại rau thơm từ 5-7 ngàn đồng/kg. Giá rẻ nhưng thương lái mua rất chậm. Riêng vài ngày gần đây, rau chạy hàng hơn nên giá bán có nhích lên được 1-2 ngàn đồng/kg.

Cũng như rau, thịt bò bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưỡng trong khi người nuôi bò điêu đứng vì giá bò hơi quá thấp, chỉ hơn 50 ngàn đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ trang trại nuôi bò tại huyện Xuân Lộc, nhận xét: “Vài năm trước, người dân đua nhau nuôi bò vì lợi nhuận tốt khiến giá con giống bị đẩy lên quá cao. Khi bò rớt giá, người nuôi bỏ lơi không chăm sóc nên đàn bò trong dân chủ yếu là bò gầy cho tỷ lệ thịt thấp, chất lượng thịt không ngon. Bên cạnh đó, khi thấy bò hơi rớt giá, nông dân đổ xô bán ra nên càng bị ép giá”.

Gần đây, người tiêu dùng đi chợ phải trả thêm tiền khi chọn mua các mặt hàng cá nước ngọt, nhất là cá lóc tăng hơn 10 ngàn đồng/kg. Nhưng nông dân nuôi cá lại đang thấp thỏm lo âu vì thị trường ăn hàng chậm. Theo đó, giá các loại cá nước ngọt như: diêu hồng, trắm, rô, lăng... vẫn giữ ổn định. Riêng cá chép giảm từ 50 ngàn đồng/kg xuống còn 47 ngàn đồng/kg vì nguồn cung dồi dào.

Ông Vũ Đình Đàm, nông dân nuôi cá tại làng cá bè Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), cho rằng: “Hiện nguồn cá đến kỳ thu hoạch ở làng cá bè này khá dồi dào. Người nuôi cá đang lo dội chợ vì các tỉnh miền Tây đang tập trung thu hoạch cá trước mùa nước nổi”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều