Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu tiêu, cà phê: Buồn nhiều hơn vui

08:06, 09/06/2018

Trong 5 tháng đầu năm 2018, sản lượng xuất khẩu cà phê, hồ tiêu của Đồng Nai tăng mạnh. Tuy nhiên, do giá 2 mặt hàng trên giảm so với cùng kỳ năm 2017 nên lợi nhuận không như mong đợi.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, sản lượng xuất khẩu cà phê, hồ tiêu của Đồng Nai tăng mạnh. Tuy nhiên, do giá 2 mặt hàng trên giảm so với cùng kỳ năm 2017 nên lợi nhuận không như mong đợi.

Công nhân đóng tiêu xuất khẩu tại một cơ sở tiêu ở xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom).
Công nhân đóng tiêu xuất khẩu tại một cơ sở tiêu ở xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom).

Ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá tiêu, cà phê trong nước cũng giảm mạnh và dự đoán khó khởi sắc trong thời gian tới. Áp lực cạnh tranh cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu ngày càng gay gắt.

* Xuất khẩu tăng, lợi nhuận giảm

Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, từ đầu năm đến nay xuất khẩu cà phê của Đồng Nai đạt gần 197 ngàn tấn cà phê, tăng khoảng 4% về lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, xuất khẩu hồ tiêu đạt gần 4 ngàn tấn, tăng 90% về sản lượng nhưng kim ngạch lại giảm 4%.

Xuất khẩu tăng mạnh nhưng kim ngạch thu về lại không như mong đợi càng thể hiện rõ hơn qua con số báo cáo của Tổng công ty Tín Nghĩa, doanh nghiệp đứng đầu trong xuất khẩu cà phê tại Đồng Nai. Trong 5 tháng đầu năm, Tổng công ty Tín Nghĩa xuất khẩu gần 56,9 ngàn tấn cà phê, tăng hơn 65% về lượng so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên kim ngạch chỉ đạt gần 98 triệu USD, tăng 36,5%. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm chỉ đạt trên 1.700 USD/tấn (giảm 361 USD/tấn so với  năm 2017).

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh, do giá tiêu, cà phê xuất khẩu giảm, để đạt cùng mức doanh thu, doanh nghiệp phải xuất khẩu lượng hàng nhiều hơn, dẫn đến chi phí đầu vào tăng lên khiến lợi nhuận co lại. Điều này không chỉ khiến doanh nghiệp xuất khẩu kém vui mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hồ tiêu, cà phê trong nước. Đầu tháng 6, cà phê trong nước vừa có đợt giảm giá mới và hiện đang dao động từ 35-36 ngàn đồng/kg; giá hồ tiêu dao động từ 56-57 ngàn đồng/kg. Dự đoán, giá 2 mặt hàng trên khó khởi sắc trong thời gian tới vì nguồn cung vẫn vượt cầu.

Ông Vũ Xuân Phong, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nam Phong Cà Phê (ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), cho biết: “Giá cà phê giảm có thuận lợi hơn cho doanh nghiệp chế biến, nhưng thị trường nội địa vẫn khó vì ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành này. Dòng sản phẩm chế biến lại rất khó mở rộng thị trường xuất khẩu và chỉ mới tiếp cận được phân khúc bình dân”.

* Thị trường vẫn nhiều bất ổn

Bà Ngô Thị Hồng Châu, Giám đốc truyền thông tiếp thị Tổng công ty Tín Nghĩa, nhận xét thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới biến động, đặc biệt là khu vực châu Âu khiến việc tiêu thụ cà phê có chậm lại. Ngoài ra, đồng USD tăng giá so với tiền của các nước sản xuất cà phê lớn như Brasil, Colombia khiến các nước này đẩy mạnh việc bán ra. Bên cạnh đó, áp lực nguồn cung lớn hơn cầu ngày càng lớn khi sản lượng niên vụ cà phê 2018-2019 toàn cầu dự báo tăng cao do trúng mùa.

Đóng cà phê xuất khẩu tại kho của một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở TP. Biên Hòa
Đóng cà phê xuất khẩu tại kho của một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở TP. Biên Hòa

Một điều đáng chú ý khác, là tại thị trường nội địa, đang diễn ra cuộc “chạy đua” giữa các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Bà Hồng Châu chia sẻ: “Để tăng xuất khẩu vào những thị trường khó tính, Tín Nghĩa đã xây dựng được các vùng trồng cà phê bền vững đạt chứng nhận UTZ/4C (chứng nhận sản xuất an toàn toàn cầu) tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai với sản lượng trên 20 ngàn tấn. Đây là vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung lớn đáp ứng nhu cầu của các nhà rang xay cà phê châu Âu và Hoa Kỳ”.

Khảo sát một số doanh nghiệp có quy mô khá lớn trong ngành xuất khẩu tiêu cho thấy sản lượng tiêu xuất khẩu tăng cao không phải do nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới tăng đột biến mà do giá tiêu rẻ, các nước nhập khẩu tăng lượng tiêu dự trữ, vì thế sản lượng xuất khẩu tăng mà giá lại giảm. “Tôi cho rằng sau 3 năm giá tiêu liên tục giảm, nhiều doanh nghiệp trữ tiêu tại Việt Nam và thế giới bắt đầu bán hàng tồn vì không còn vốn để cầm cự. Trong khi đó, nguồn cung tiêu vẫn lớn hơn cầu do diện tích tiêu lớn. Đây là cơ sở khiến giá tiêu khó khởi sắc trong một thời gian dài sắp tới” - ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam (ở tỉnh Bình Dương), đánh giá.

Ông Lê Văn Tiên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên  Hoàng Dũng (ở huyện Xuân Lộc), lo lắng: “Hiện doanh nghiệp ngưng kinh doanh hồ tiêu vì mặt hàng này càng ngày càng rớt giá. Tôi chỉ trữ lại lượng tiêu thu hoạch từ 10 hécta  do gia đình đầu tư. Nhưng với tình hình giá thị trường bi đát như hiện nay, vốn đầu tư, chi phí nhân công đang ăn mòn vào giá gốc”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều