Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu hồi đất cho các dự án: Quan tâm giá bồi thường!

08:06, 14/06/2018

Hiện khoảng hơn 70% đơn khiếu nại của người dân gửi đến cấp huyện, tỉnh đều liên quan đến đất đai. Trong đó chủ yếu là khiếu nại vì giá bồi thường đất thấp. Đặc biệt, những khu vực đất đai đang có giá như TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom... thường xảy ra khiếu nại về giá bồi thường.

Hiện khoảng hơn 70% đơn khiếu nại của người dân gửi đến cấp huyện, tỉnh đều liên quan đến đất đai. Trong đó chủ yếu là khiếu nại vì giá bồi thường đất thấp. Đặc biệt, những khu vực đất đai đang có giá như TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom... thường xảy ra khiếu nại về giá bồi thường.

Mức giá bồi thường đất, cây dâu tại xã An Phước (huyện Long Thành) chỉ bằng 10-30% so với giá hiện tại và thu nhập hàng năm của dân.
Mức giá bồi thường đất, cây dâu tại xã An Phước (huyện Long Thành) chỉ bằng 10-30% so với giá hiện tại và thu nhập hàng năm của dân.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, các dự án phải thu hồi đất hầu hết thuộc loại đất nông nghiệp nên cộng toàn bộ các hỗ trợ, tiền bồi thường vẫn thấp hơn giá thực tế người dân giao dịch trên thị trường. Đây cũng là lý do vì sao nhiều người dân bị thu hồi đất hay khiếu nại và không chịu giao đất ngay.

* Tính giá đất quá rẻ?

Trong thời gian qua, nhiều dự án phải thu hồi đất bị người dân khiếu nại, kiến nghị vì giá bồi thường thấp như: khu dân cư Phước Tân; dự án di dời người dân phường An Bình (TP.Biên Hòa); dự án mở rộng khu công nghiệp Hố Nai, Sông Mây; khu dân cư Bắc Sơn (huyện Trảng Bom); dự án điện xã An Phước, Tam An (huyện Long Thành); dự án khu dân cư xã Phú Hội, Long Tân (huyện Nhơn Trạch)... Khoảng 2 năm trở lại đây, đất tại Đồng Nai liên tục sốt khiến số lượng người dân không đồng tình vì giá bồi thường  càng đông.

Hiện tại Đồng Nai quy hoạch gần 1.500 dự án, trong đó gần 200 dự án đang thực hiện thu hồi đất. Bình quân việc thu hồi đất mỗi dự án thường kéo dài 3-5 năm vì người dân không đồng ý giá bồi thường.

Đơn cử, giá đất nông nghiệp ở các xã: Lộc An, An Phước, Bình Sơn, Tam An (huyện Long Thành)... được mua bán, sang nhượng ngoài thị trường với giá từ 5-7 tỷ đồng/hécta, trong khi giá bồi thường thu hồi đất làm dự án cộng tất cả các hỗ trợ chỉ từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/hécta.

Tại các huyện: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và những khu vực gần TP.Biên Hòa giá đất nông nghiệp cũng được mua bán cao ngất ngưởng, lên đến hơn 10 tỷ đồng/hécta nhưng giá bồi thường cao nhất chỉ 1-2 tỷ đồng/hécta.

Ông Nguyễn Văn Đại (ngụ xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) cho hay: “Tôi có gần 1 hécta đất nông nghiệp nằm gần trung tâm huyện bị vướng vào quy hoạch khu dân cư. Theo tính toán của chủ đầu tư giá bồi thường và hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tôi chưa đồng ý vì đất ở khu vực này không bị quy hoạch dự án, giá bán gần 10 tỷ đồng/hécta”.

Hầu hết người dân có đất đều không muốn bị rơi vào quy hoạch các dự án. Tuy nhiên, khi Nhà nước thực hiện dự án, người dân vẫn đồng tình nhưng yêu cầu của người dân là giá bồi thường đất, cây trồng, vật nuôi trên đất không được quá thấp so với giá thị trường khiến họ bị thiệt thòi. “9 sào dâu của tôi mỗi năm cho thu nhập từ 4-6 triệu đồng/cây. Mới đây, huyện thông báo có dự án đường dây điện 220 kV đi qua phải thu hồi đất. Chủ dự án tổ chức họp dân và đưa ra giá bồi thường đất, cây trồng thấp nên dân đang làm đơn kiến nghị. Cụ thể, cây dâu trên đất bị thu hồi bồi thường 400-500 ngàn đồng/cây, tôi và nhiều hộ không đồng ý vì giá quá thấp” - ông Huỳnh Văn Sơn (ngụ ấp 1, xã An Phước) cho biết. Tính ra, giá bồi thường cây dâu đang thu hoạch chỉ bằng 10% so với thu nhập/năm. Trong khi nếu không bị thu hồi, người dân sẽ có nguồn thu ổn định lâu dài. Điều này khiến người dân chưa đồng tình là rất dễ hiểu.

* Sẽ tăng mức bồi thường

Thực tế, những dự án ở vùng sâu, vùng xa với phần lớn là đất nông nghiệp như Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán thì giá đất thu hồi làm dự án cộng với các hỗ trợ khác thường cao hơn giá thị trường nên người dân rất đồng tình và còn đề nghị chủ đầu tư thu hồi đất nhanh để lấy tiền mua đất nơi khác sản xuất. Đơn cử như dự án khu nông nghiệp công nghệ cao ở xã Xuân Thành (huyện Xuân Lộc). Việc này cho thấy nếu tính toán giá bồi thường đất thỏa đáng sẽ tránh được khiếu nại của người dân.

Bà Lê Thị Hòa (ngụ xã Suối Trầu, huyện Long Thành) nói: “Hơn 1 hécta đất của gia đình tôi thuộc diện phải thu hồi làm Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tôi chỉ mong giá bồi thường gần bằng giá thị trường đang mua bán để không quá thiệt cho dân”. Đây là mong muốn chung của người dân bị thu hồi đất.

Hiện mỗi dự án của tỉnh đều phê duyệt giá bồi thường riêng để tính toán cho phù hợp, song ở những vùng Long Thành, Nhơn Trạch, Biên Hòa, Trảng Bom, Vĩnh Cửu - khu vực giáp Biên Hòa giá đất nông nghiệp đẩy lên rất cao thì việc bồi thường xấp xỉ bằng giá thị trường là rất khó khăn.

Bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Liên quan đến bồi thường đất nông nghiệp, Hội cũng nhận được nhiều đơn, phản ảnh của nông dân. Hàng năm Hội tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về chính sách đất đai cho người dân hiểu, ủng hộ việc thực hiện các dự án để phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng muốn người dân đồng tình thì giá thu hồi đất phải phù hợp”.

Theo Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Nguyễn Ngọc Hưng, giá bồi thường đất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh còn thấp. Mới đây, sở đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tính toán lại mức giá bồi thường của từng dự án để dân bớt thiệt thòi.

Hương Giang

Tin xem nhiều