Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng tốc các dự án BT

08:06, 12/06/2018

Đồng Nai hiện có hơn 40 dự án BT (xây dựng - chuyển giao). Thời gian qua, các dự án BT triển khai rất chậm, nguyên nhân chủ yếu là do vướng vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết.

Đồng Nai hiện có hơn 40 dự án BT (xây dựng - chuyển giao). Thời gian qua, các dự án BT triển khai rất chậm, nguyên nhân chủ yếu là do vướng vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chi tiết.

Dự án đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hóa An đến Bến đò Trạm (TP.Biên Hòa) dự kiến sẽ đầu tư theo hình thức BT.
Dự án đường ven sông Đồng Nai từ cầu Hóa An đến Bến đò Trạm (TP.Biên Hòa) dự kiến sẽ đầu tư theo hình thức BT.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong giai đoạn 2018-2020, Đồng Nai cần trên 55,4 ngàn tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương chỉ khoảng 21,6 ngàn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ gần 39%), còn lại là vốn từ ngân sách tỉnh, vốn vay, vốn doanh nghiệp và vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Hiện nay, với thực trạng nguồn ngân sách từ Trung ương và từ ngân sách tỉnh hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư các công trình hạ tầng rất lớn thì đầu tư theo hình thức BT được xem là một biện pháp giải quyết bài toán thiếu vốn.

* Cần hơn 18,4 ngàn tỷ đồng/năm

Từ năm 2015, Đồng Nai đã bắt đầu triển khai các dự án BT, tuy nhiên đến nay mới có 2 dự án được phê duyệt và lựa chọn được nhà thầu là: đường nối từ cầu Bửu Hòa đến quốc lộ 1K (TP.Biên Hòa) và đường vào Khu công nghiệp Phước Bình (huyện Long Thành). Những dự án BT khác phần lớn còn vướng về quy hoạch sử dụng đất chưa phù hợp hoặc quy hoạch xây dựng từng phân khu chưa có, do đó triển khai rất chậm.

Các dự án đầu tư theo hình thức BT chủ yếu tập trung ở TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch và Trảng Bom. Nguyên nhân là do những khu vực này tập trung nhiều dự án lớn và doanh nghiệp nhìn thấy triển vọng trong tương lai khi tham gia đầu tư. Riêng huyện Long Thành dự kiến có 12 dự án đầu tư theo hình thức BT.

Ông Phạm Việt Phương, Phó giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch - đầu tư, cho biết: “Trong 3 năm tới, trung bình mỗi năm tỉnh cần hơn 18,4 ngàn tỷ đồng để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Nếu chỉ trông vào vốn ngân sách trung ương, địa phương và vốn vay thì không đủ để làm. Như vậy đầu tư theo hình thức BT, đổi đất lấy hạ tầng sẽ giúp gỡ bớt khó khăn vì thiếu vốn”.

Đầu tư BT được hiểu là phía doanh nghiệp bỏ vốn ra đầu tư công trình, sau đó chuyển giao cho địa phương và các địa phương sẽ trả lại bằng quỹ đất tương ứng với số tiền doanh nghiệp đã bỏ ra. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhận định: “BT không phải là hình thức đầu tư tối ưu nhất, nhưng trong thời điểm hiện tại, khi ngân sách có hạn thì đây là cách đầu tư phù hợp, giải quyết được bài toán thiếu vốn”. Cụ thể như dự án đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp là dự án trọng điểm của tỉnh, cần đầu tư nhanh để giảm áp lực kẹt xe cho khu vực trên, đồng thời cũng tạo thuận lợi để cho phát triển kinh tế của TP.Biên Hòa nói riêng và cả tỉnh nói chung. Tuy nhiên, vốn đầu tư dự án này lên đến gần 920 tỷ đồng, nếu không làm theo hình thức BT thì sẽ không có vốn thực hiện.

Tương tự, các dự án đường ven sông Đồng Nai (TP.Biên Hòa), xây dựng đường tỉnh 769 (huyện Long Thành), tuyến đường ven hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu)... chỉ có thể làm bằng BT.

* Minh bạch bằng đấu thầu đất

Thời gian qua, dư luận tỏ ra nghi ngờ với các dự án BT vì e ngại sẽ phát sinh nhiều điều không minh bạch trong khâu tính giá đất. E ngại lớn nhất là giá trị đất khi “đổi” cho doanh nghiệp bị tính quá thấp, gây thiệt thòi cho ngân sách.

Nhưng mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư có hiệu lực từ ngày 19-6-2018, trong đó sẽ siết chặt đầu tư BT. Quy định mới sẽ tránh việc chỉ định nhà thầu, hạn chế tình trạng tính giá đất quá rẻ so với giá thị trường, gây tổn thất cho ngân sách.

Dự kiến sắp tới, quỹ đất khi quy đổi để trả cho các doanh nghiệp đầu tư dự án BT đều phải có quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000  hoặc 1/500. Để việc tính giá đất sát thực tế hơn, vì có quy hoạch cụ thể thì các công trình, dự án, đường giao thông sẽ mở... đều thể hiện hết trong quy hoạch, là cơ sở quan trọng để tính giá đất sát với giá thị trường hơn.

Ông Lê Hữu Đảng, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, cho hay: “Huyện có 7 con đường và 3 trụ sở UBND cấp xã, dự kiến sẽ đầu tư theo hình thức BT. May mắn là huyện đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/500 nên việc tính giá đất để trả cho nhà đầu tư sát với thực tế hơn. Đất trả cho nhà đầu tư sẽ được đưa ra đấu thầu để tránh thiệt cho ngân sách”.

Không chỉ riêng huyện Trảng Bom, thời gian tới quỹ đất trả cho các doanh nghiệp đầu tư dự án BT trên địa bàn tỉnh đều đưa ra đấu thầu. Theo đó, doanh nghiệp nào bỏ thầu cao sẽ trúng thầu và tiền thu từ đấu thầu được trả cho nhà đầu tư. Điều này được kỳ vọng gỡ bỏ lo lắng của dư luận về khả năng phát sinh lợi ích nhóm dẫn đến tính giá đất trả cho dự án BT quá thấp.

Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường đại học giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua dư luận thiếu thiện cảm với dự án BT là vì lo phát sinh lợi ích nhóm, phát sinh sự không minh bạch trong quy đổi giá đất. Quy định mới khi đi vào thực tế cũng là một cách để Đồng Nai và các tỉnh, thành khác khai thác được nguồn vốn nhằm thực hiện các dự án giao thông lớn cho phát triển kinh tế, xã hội.

Thực tế, để dự án BT nhận được ủng hộ thì UBND tỉnh nên công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng dài hạn, ổn định để các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng cùng tham gia đấu thầu dự án BT. Làm tốt điều này, có thể sẽ tránh được những bức xúc, không đồng tình của người dân, đẩy nhanh phát triển hạ tầng bằng các dự án BT.

Hương Giang

Tin xem nhiều