Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nóng" với thu ngân sách, cá chết, heo tăng giá

08:06, 05/06/2018

Ngày 4-6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2018. Vấn đề được đưa ra bàn luận nhiều là thu ngân sách địa phương đạt thấp, cá bè chết...

Ngày 4-6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2018. Vấn đề được đưa ra bàn luận nhiều là thu ngân sách địa phương đạt thấp, cá bè ở huyện Định Quán chết hàng loạt, giá heo hơi tăng cao đột biến...

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chỉ đạo tại cuộc họp.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chỉ đạo tại cuộc họp.

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong 5 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng hơn 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng hơn 11%, chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 3%.

* Lo lắng vì thu ngân sách thấp

Từ đầu năm đến hết tháng 5-2018, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh gần 700 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu gần 7,4 tỷ USD và Đồng Nai xuất siêu gần 1 tỷ USD, du lịch tăng gần 11%... Tuy nhiên, thu ngân sách địa phương đến thời điểm này mới trên 11 ngàn tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch. Điều này khiến lãnh đạo tỉnh lo lắng vì thu ngân sách địa phương không đạt sẽ không có nguồn để chi.

Trong tháng 5, tình hình xã hội, an ninh quốc phòng diễn biến ổn định; giải quyết việc làm cho hơn 37 ngàn lao động, gần 600 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn để đầu tư sản xuất.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc Sở Tài chính, cho hay: “Sở đang cho rà soát lại xem những nguyên nhân nào dẫn đến việc thu ngân sách địa phương chậm để có giải pháp khắc phục”.

Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế tăng trưởng tốt mà thu ngân sách quá chậm là một nghịch lý. “Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài... đều tăng trưởng cao nhưng thu ngân sách địa phương lại quá thấp là không phù hợp. Các ngành liên quan nên nhanh chóng tìm ra lý do để có biện pháp nhằm tăng thu” - ông Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Cục Thuế Đồng Nai cho biết thu ngân sách địa phương chậm là do một số doanh nghiệp chuyển đi khỏi tỉnh và Cục Thuế đề xuất sẽ khai thác nguồn thu từ quỹ đất bù lại.

Thế nhưng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh lại không đồng tình với giải thích trên. “Nguồn thu từ các doanh nghiệp dời đi chỉ hơn 100 tỷ đồng nên đây không phải là nguyên nhân khiến thu ngân sách thấp. Tỉnh Bình Dương thu nội địa đã đạt 46% và TP.Hồ Chí Minh còn cao hơn. Liệu nguyên nhân có phải là do năm trước thu ứng trước nên năm nay phải trả nợ?” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh đặt vấn đề.

* “Nổi sóng” với cá chết, heo tăng giá

Theo tổng hợp mới nhất của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, trong tháng 5-2018 có 550 bè cá chết với số lượng hơn 1.990 tấn, hầu hết thuộc 2 xã La Ngà, Phú Ngọc (huyện Định Quán). Sau nhiều lần lấy mẫu phân tích, các cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân cá chết là do biến đổi thời tiết. Cụ thể là mưa lớn, nguồn nước từ các sông, suối đổ ra mang theo nhiều chất thải dẫn đến cá nuôi dưới bè bị ngộp chết hàng loạt.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đề xuất: “UBND tỉnh nên xem xét hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại với mức 3-5 triệu đồng/bè theo Nghị định 02/2017 của Chính phủ để người dân có điều kiện phát triển lại sản xuất, tổng mức hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng”.

Qua vụ việc cá chết tại huyện Định Quán, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh và các địa phương có nuôi cá bè nên xem lại mật độ nuôi có đúng với quy định chưa, các hộ nuôi đã đăng ký với huyện hay là tự phát? Bởi với mật độ nuôi cá bè quá dày khi nguồn nước sông, hồ cạn kiệt, đầu mùa xảy ra các cơn mưa lớn rất dễ mang theo chất thải từ sinh hoạt đổ xuống làm lượng oxy hòa tan giảm mạnh, thủy sản rất dễ bị “sốc” và chết hàng loạt. 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường yêu cầu Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và huyện Định Quán nên quản lý và theo dõi chặt chẽ việc nuôi cá bè, không để phát triển với mật độ quá dày và không cho người dân sống trên bè. Vào những thời điểm nước sông hồ xuống kiệt, đầu mùa mưa nên có khuyến cáo trước cho người dân biết để đề phòng. Đồng thời ngành tài nguyên - môi trường huyện quản lý chặt các nguồn nước thải từ các nhà máy, công ty để tránh xả nước thải xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường.

Việc giá heo hơi hiện nay vọt lên mức 48-50 ngàn đồng/kg, nguyên nhân không phải do thiếu nguồn cung vì các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi thời gian qua vẫn tăng đàn. Nhiều nghi vấn đặt ra có hay chăng đang xảy ra tình trạng các doanh nghiệp bắt tay nhau làm giá để đẩy giá heo hơi lên? Về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải sớm làm rõ. Bên cạnh đó phải rà soát lại các dự án nước ngoài đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực chăn nuôi theo đăng ký là sản phẩm làm ra tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu để có dự báo thị trường cho chính xác và định hướng phát triển chăn nuôi cho phù hợp.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều