Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều dự án hồ chứa nước chậm tiến độ

08:06, 19/06/2018

Theo kế hoạch, toàn tỉnh có 8 dự án hồ chứa nước được đầu tư với tổng nguồn vốn trên 1.500 tỷ đồng. Do tiến độ triển khai, các dự án trên hiện đã chậm 3-5 năm so với kế hoạch đề ra...

Theo kế hoạch, toàn tỉnh có 8 dự án hồ chứa nước được đầu tư với tổng nguồn vốn trên 1.500 tỷ đồng. Do tiến độ triển khai các dự án trên hiện đã chậm 3-5 năm so với kế hoạch đề ra nên các công trình đang được tập trung thực hiện.

Dự án hồ chứa nước Suối Tre (TX.Long Khánh) lo chậm tiến độ vì còn nhiều vướng mắc, khó khăn.
Dự án hồ chứa nước Suối Tre (TX.Long Khánh) lo chậm tiến độ vì còn nhiều vướng mắc, khó khăn.

Tuy vốn đầu tư cho các dự án công trình hồ chứa khá lớn nhưng thực tế vẫn chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu của người dân.  

* Nhiều dự án trễ hẹn

8 dự án hồ chứa được đầu tư xây dựng mới và nạo vét nâng cấp gồm: hồ chứa nước Gia Đức (huyện Thống Nhất); Thoại Hương, Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ); Gia Măng, Gia Ui và hồ Núi Le (huyện Xuân Lộc); Cầu Dầu, Suối Tre (TX.Long Khánh). Trong đó, nhiều dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu.

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết 119 công trình thủy lợi hiện hữu trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được nhu cầu nước tưới của khoảng 15% trên tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Nhu cầu đầu tư cho thủy lợi còn rất lớn nhưng do khó khăn về kinh phí nên nhiều dự án phải xếp hàng chờ.

Cụ thể, hồ Gia Măng là dự án bị chậm tiến độ rất nhiều so với kế hoạch đề ra dù là công trình trọng điểm phục vụ nước tưới cho 590 hécta đất nông nghiệp ở huyện Xuân Lộc, kinh phí đầu tư lên đến hơn 324 tỷ đồng. Năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án, thời gian thực hiện từ 2012-2015.  Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, mãi đến tháng 5-2015 dự án mới chính thức được khởi công, dự kiến hoàn thành dự án vào cuối năm 2017. Nhưng do ảnh hưởng của thời tiết mưa kéo dài và lòng hồ không có tầng đất chống thấm như đã khảo sát... nên thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh kéo dài đến năm 2019, chậm khoảng 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Ông Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, chủ đầu tư 2 dự án Gia Măng và Suối Vọng, cho biết: “Hiện một số hạng mục đang thi công của dự án gặp khó khăn như: hạng mục nâng cấp mặt đường thi công kết hợp quản lý; việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công gói thầu chống thấm cho đập đất. Nhưng công ty sẽ cố gắng đảm bảo công trình hoàn thành vào năm 2019”.

Năm 2016, dự án dọn dẹp hồ Gia Ui và Núi Le được giao cho huyện Xuân Lộc tổ chức khảo sát, lập phương án thực hiện. Đến nay dự án dọn dẹp hồ Gia Ui có kinh phí từ nguồn ngân sách huyện đang trong giai đoạn hoàn tất hồ sơ. Riêng dự án dọn dẹp hồ Núi Le ban đầu dự kiến thực hiện từ nguồn xã hội hóa (tận thu đất lòng hồ) với kinh phí 7 tỷ đồng, nhưng kết quả khảo sát cho thấy đất nạo vét lòng hồ chủ yếu là bùn và tạp chất (khoảng 200 ngàn m3) nên không thể tận thu như dự kiến theo phương thức xã hội hóa. Vì thế, dự án vẫn “treo” do UBND huyện Xuân Lộc còn đang rà soát, chưa có đề xuất cụ thể.

Ngoài ra, một số dự án đầu tư khác cũng bị chậm so với kế hoạch ban đầu đề ra, như dự án hồ Gia Đức cũng được UBND tỉnh phê duyệt từ rất sớm vào năm 2008, nhưng sau này do thay đổi về mục tiêu và quy mô đầu tư nên thời gian thực hiện cũng được điều chỉnh sang giai đoạn 2016-2020. Thời gian kéo dài nhưng chưa được bố trí vốn đầu tư, các quy định, đơn giá thay đổi nên hiện đang phải thực hiện điều chỉnh dự án. Đến nay, dự án mới chỉ được bố trí 1 tỷ đồng để làm công tác lập hồ sơ điều chỉnh dự án...

* 3 hồ chứa cần đại tu

Ngoài khó khăn do nhiều dự án đầu tư mới hoặc nâng cấp hồ chứa bị chậm tiến độ, hiện nhiều hồ chứa nước của Đồng Nai đầu tư lâu năm cũng đang cần đại tu.

Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn vừa kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí vốn cho việc sửa chữa 3 dự án hồ chứa nước bị xuống cấp gồm: hồ Đa Tôn (huyện Tân Phú), hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom), hồ Gia Ui (huyện Xuân Lộc). Tổng kinh phí sửa chữa dự kiến trên 160 tỷ đồng với nhiều hạng mục cần sửa chữa như: xử lý thấm mái hạ lưu đập, xử lý tổ mối, lát đá và xử lý lún mái thượng lưu và xung quanh chân tháp lấy nước, cống lấy nước bị xuống cấp, xử lý lún, nứt ở cống lấy nước, sửa chữa, nâng cấp tràn xả lũ đã bị xuống cấp...

Cũng theo ông Nguyễn Minh Kiều, công tác duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, hồ chứa nước vẫn được thực hiện hàng năm. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên hoạt động này chỉ ở mức sửa chữa, cải tạo nhỏ.

Phó chủ tịch UBND Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh: “Các dự án hồ chứa nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều là dự án cấp thiết. Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cần phối hợp tốt với các đơn vị liên quan nhằm đôn đốc để hoàn thành các dự án đúng tiến độ; đảm bảo không để xảy ra sự cố khi vào mùa mưa lũ”. Hiện nay khó khăn khiến các dự án xây dựng, nạo vét mở rộng hồ chứa bị chậm là do hồ sơ thủ tục, điều chỉnh về kỹ thuật, vốn. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh chỉ đạo sở, ngành hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục, phía chủ đầu tư sớm hoàn tất điều chỉnh kỹ thuật, đồng thời cũng sẽ ưu tiên cấp vốn để thực hiện.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều