Báo Đồng Nai điện tử
En

Mía đường "thua" ngay sân nhà

08:06, 07/06/2018

Từ đầu năm 2018 đến nay, lượng đường tồn kho khá lớn do đường nhập khẩu giá rất rẻ tràn vào đã khiến cả nông dân trồng mía đến các nhà máy đường đều điêu đứng...

Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành mía đường của Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng và đang bị thua ngay trên sân nhà. Lượng đường tồn kho lớn là do đường nhập khẩu giá rất rẻ tràn vào đã khiến cả nông dân trồng mía đến các nhà máy đường đều điêu đứng.

Nhiều nông dân xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) đã bỏ cây mía vì lợi nhuận rất thấp.
Nhiều nông dân xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) đã bỏ cây mía vì lợi nhuận rất thấp.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2017-2018 cả nước sản xuất được 1,1 triệu tấn đường, song lượng đường tồn kho đến tháng 5-2018 là hơn 680 ngàn tấn. Hiện giá thành đường của Việt Nam cao hơn nhiều nước nên việc xuất khẩu rất khó khăn.

* Nông dân bỏ cây mía

Niên vụ mía đường vừa qua, nông dân trồng mía của Đồng Nai khốn đốn vì giá mía giảm về mức thấp nhất trong nhiều năm liền với 800-850 ngàn đồng/tấn. Trong khi đó, nhiều vùng bị mua chậm khiến năng suất, chất lượng giảm, nông dân  lỗ nặng. Ngoài giá thấp thì năng suất vụ mía 2017-2018 chỉ từ 50-55 tấn/hécta nên nhiều nông dân đã bỏ cây mía chuyển sang cây trồng khác cho thu nhập cao hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, khi tham gia vào hội nhập, nông nghiệp sẽ là ngành dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là chăn nuôi, mía đường. Muốn tồn tại và phát triển ngành cần phải ứng dụng khoa học - kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành.

Ông Lê Văn Phẩm, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông nghiệp Trị An (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Vụ mía vừa qua năng suất trung bình chỉ đạt khoảng 50 tấn/hécta, bằng hơn 60% vụ trước đó. Hộ nào may mắn thì lời chút đỉnh, có hộ còn lỗ vốn. Do đó, nhiều hộ bỏ cây mía để trồng những cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Vì vậy, xã Trị An trước đây có vài trăm hécta mía nhưng hiện chỉ còn vài hécta. Những vùng trồng mía lớn thuộc các huyện Trảng Bom, Định Quán, Xuân Lộc diện tích cũng đang giảm nhanh.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, diện tích mía của tỉnh cách đây 5 năm là hơn 4 ngàn hécta nhưng đến tháng 5-2018 chỉ còn trên 750 hécta.

Ông Nguyễn Văn Thành (ở xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) nói: “Những năm trước trồng mía mỗi năm còn lời được 40 triệu đồng/hécta/năm, nhưng 2 năm nay cây mía quá bết, trừ chi phí chỉ huề vốn nên tôi đành phải bỏ gần 2 hécta mía chuyển sang trồng bắp, đậu lợi nhuận cao hơn lại không nơm nớp lo đến vụ nhà máy không chặt mía kịp thời”.

Nông dân bỏ cây mía, các nhà máy đường cũng đứng bên bờ vực vì mất vùng nguyên liệu, lượng đường tồn kho lớn, đường thế giới rất rẻ nên khó tìm được cơ hội đưa đường Việt xuất ngoại.

* Khó vượt qua sóng lớn

Theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam phải bỏ bảo hộ ngành đường và mở cửa cho đường ngoại vào Việt Nam. Từ trước đây nhiều năm, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng đã cảnh báo, hội nhập sâu sẽ đem lại cơ hội cho nhiều ngành của Việt Nam nhưng riêng ngành chăn nuôi heo, gà, sản xuất mía đường rất dễ bị tổn thương. Lý do là vì giá thành của những ngành hàng trên so với mặt bằng trên thế giới quá cao. Cụ thể là ngành mía đường, năng suất trồng mía của nước ta quá thấp, bình quân 55-60 tấn/hécta/năm, trong khi ở nhiều nước đã đẩy năng suất bình quân lên 80-90 tấn/hécta. Bên cạnh đó, năng suất đường của Việt Nam cũng rất thấp.

Khảo sát tại một số siêu thị, đại lý giá đường trắng bán lẻ của Công ty cổ phần đường Biên Hòa, Công ty cổ phần mía đường La Ngà dao động từ 20-22 ngàn đồng/kg, trong khi đường trắng nhập khẩu từ Thái Lan về bán lẻ trong các chợ, đại lý chỉ từ 14-16 ngàn đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Mai, chủ đại lý tại thị trấn Long Thành (huyện Long Thành), cho hay: “Giá bán sỉ đường nhập khẩu từ Thái Lan về khoảng 12-13 ngàn đồng/kg, còn đường nội 16-17 ngàn đồng/kg nên những cơ sở sản xuất dùng nhiều đường hầu hết chọn mua đường Thái Lan”. Vì thế, đường Thái Lan hiện đang phủ sóng khắp các chợ truyền thống nhờ giá rẻ.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom), chỉ ra: “Hiện giá đường nhập khẩu chính ngạch từ Thái Lan bán đến tay doanh nghiệp chế biến thực phẩm chỉ 11,5 ngàn đồng/kg, mua đường sản xuất trong nước với số lượng lớn khoảng 16 ngàn đồng/kg nên đường nội rất khó cạnh tranh với đường nhập về”.

Những năm trước, các doanh nghiệp chế biến thường nhập đường trữ sẵn trong kho để chủ động về nguyên liệu sản xuất. Nhưng hiện nay, không chỉ Việt Nam mà thị trường đường thế giới đang thừa, giá đường có xu hướng giảm nên doanh nghiệp sản xuất bỏ dự trữ đường.  

Ông Lê Đình Nghiêm, Giám đốc Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Niên vụ vừa qua, nhà máy chế biến gần 170 ngàn tấn mía, giảm khoảng 15 ngàn tấn so với niên vụ trước. Trước tình hình khó khăn của ngành mía đường, niên vụ tới, nhà máy cũng thay đổi chính sách sẽ giảm mạnh diện tích đầu tư mới. Theo đó, sản lượng mía nhà máy thu mua cho dân sẽ giảm thêm khoảng 20%”.

Với giá đường thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung dư thừa thì ngành mía đường Việt Nam muốn tồn tại buộc phải vượt qua sóng lớn, tăng năng suất mía, đường hạ giá thành ngang bằng các nước trong khu vực.

Khánh Minh - Bình Nguyên

Tin xem nhiều