Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Thay đổi hay là "chết"?

08:05, 10/05/2018

Tuy nông dân Việt Nam đang bị đặt ở thế yếu khi bước vào hội nhập, nhưng thực tế không thiếu những câu chuyện về sự nỗ lực thay đổi trong tư duy, cách làm của người nông dân để có thể vững vàng bơi ra biển lớn.

[links()]Tuy nông dân Việt Nam đang bị đặt ở thế yếu khi bước vào hội nhập, nhưng thực tế không thiếu những câu chuyện về sự nỗ lực thay đổi trong tư duy, cách làm của người nông dân để có thể vững vàng bơi ra biển lớn.

Cây ca cao cho thu nhập cao nhờ liên kết tốt giữa doanh nghiệp và nông dân.
Cây ca cao cho thu nhập cao nhờ liên kết tốt giữa doanh nghiệp và nông dân.

Ở đây không thể thiếu vai trò của lực lượng doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ phía chính sách của Nhà nước.

* Thay đổi từ chính nông dân

10 năm trước, đang làm công nhân, ông Đoàn Thanh Lâm (ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) đã bỏ việc về nhà trồng rau vì mong muốn sản xuất rau sạch bảo vệ sức khỏe cho mọi người cũng như bản thân và những người thân trong gia đình.

Theo ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn: Việc chủ yếu cần làm trong giai đoạn hội nhập hiện nay là phải tìm hiểu về thị trường, về lợi thế, nhất là khả năng xây dựng chuỗi giá trị để đảm bảo vừa phát triển bền vững, vừa đạt giá trị gia tăng cao.

Ở đây, cần sự nghiên cứu của Nhà nước, nghiên cứu của tư nhân phối hợp với nhau để nắm chắc về tín hiệu thị trường, hiểu rõ thế mạnh, điểm yếu, so với đối thủ cạnh tranh nào... để từ đó định hướng, quyết định đầu tư và giải pháp. Trong đó, doanh nghiệp phải là lực lượng chủ công. Nhà nước phải hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp; hỗ trợ cho nông dân, gắn nông dân với doanh nghiệp để khi mở ra thị trường là chúng ta chiếm lĩnh được.

Bao nhiêu năm qua, ông Lâm vẫn giữ nguyên diện tích vườn rau rộng 500m2 vì phải tập trung vốn liếng và thời gian học cách làm rau sạch ngày càng bài bản. Lúc đầu, ông Lâm trồng rau sạch theo cách giản đơn nhất là ưu tiên sử dụng phân chuồng thay cho phân hóa học, thay thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học an toàn. Ông tích cực tham gia những lớp tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn rồi nhờ các cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông tại địa phương tư vấn khi gặp khó khăn trong phòng, trị bệnh cho cây trồng.

Sản phẩm rau sạch của ông Lâm chủ yếu bán ở chợ công nhân như giá hàng thường nhưng ông vẫn kiên trì ki cóp tiền bán rau để đầu tư nhà lưới, đưa mẫu đất, mẫu nước đi kiểm tra xem có đạt chuẩn an toàn... Ông Lâm kể: “Tôi tự ủ phân hữu cơ; sử dụng lòng đỏ trứng gà pha với dầu hạt cải hoặc dùng tỏi, gừng giã giập ngâm với rượu phun lên rau để phòng, trị bệnh. Tôi không mất nhiều chi phí mua phân, mua thuốc nên rau sạch dù được tôi bán như giá hàng thường vẫn có lợi nhuận tốt. Vườn rau của tôi mơn mởn, mượt mà chứ không cằn cỗi, lá đầy sâu như kinh nghiệm mua rau sạch các bà nội trợ hay chia sẻ”. Ngày càng nhiều người biết tiếng tìm đến đặt hàng nên ông Lâm đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng rau; làm nhãn hàng và đăng ký cấp chứng nhận sản phẩm rau an toàn để sản phẩm rau sạch “có tên, có tuổi”.

Cũng là nông dân tiên phong sản xuất sạch nhưng ông Đỗ Nhật Tâm, nông dân xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc), có điều kiện về nguồn vốn để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tìm hiểu thấy trái dưa lưới bán được giá cao, ông Tâm đầu tư tiền tỷ làm nhà lưới theo công nghệ hiện đại để trồng giống đặc sản khó tính này. Ông Tâm bỏ công, bỏ của đi Thái Lan, Israel tìm hiểu về cách làm nông nghiệp công nghệ cao, an toàn. Nhờ chất lượng ngon, đạt chuẩn an toàn, dưa lưới của ông Tâm vào được các kênh siêu thị, cửa hàng trái cây an toàn tại các thành phố lớn. Ông Tâm khoe: “Tôi đang mở rộng diện tích nhà màng vì có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu dưa lưới dài hạn để xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản. Đối tác còn cho kỹ sư đến tận vườn hướng dẫn và giám sát từ khâu xuống giống đến thu hoạch. Tôi được doanh nghiệp cho ứng trước 40% vốn đầu tư nhà màng và sẽ trừ dần vào sản phẩm sau khi thu hoạch”.

* Vai trò của doanh nghiệp

Đồng Nai hiện có 14 dự án cánh đồng lớn đã được phê duyệt đưa vào triển khai trong thực tế và hàng chục dự án đang trong giai đoạn đăng ký lập hồ sơ. Các dự án trên đều do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hoặc tham gia chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tiêu biểu như Tập đoàn Vingroup đã đầu tư dự án trồng rau sạch công nghệ cao tại huyện Long Thành và đang tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng 1 ngàn hợp tác xã và hộ nông dân sản xuất sạch với vốn đầu tư ban đầu đến hàng trăm tỷ đồng... 

Hàng trăm hécta ca cao của Đồng Nai từng bị xóa trắng do đầu ra bấp bênh thì nay trở thành cây trồng cho thu nhập cao nhờ doanh nghiệp và nông dân bắt tay liên kết xây dựng cánh đồng lớn. Doanh nghiệp cũng đã hỗ trợ nông dân triển khai chương trình chứng nhận UTZ (chứng nhận toàn cầu về sản xuất an toàn) cho cây ca cao và bao tiêu sản phẩm sạch với giá cao.

Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán), chia sẻ: “Ngoài xuất khẩu hạt ca cao thô, Trọng Đức đầu tư vào chế biến sâu với nhiều dòng sản phẩm đa dạng như: chocolate, rượu ca cao, bột ca cao... Sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường nội mà còn mở rộng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc”.

* Cần “bàn tay” chính sách

Trong giai đoạn chăn nuôi gặp khó khăn nhưng Công ty TNHH một thành viên Kim Ngọc Xuyến (xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) vẫn mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi heo thịt hiện đại theo quy trình khép kín với quy mô tổng đàn khoảng 6 ngàn con. Sở dĩ doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vì tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách ưu đãi trong đầu tư lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Trang trại chăn nuôi heo theo quy trình khép kín, hiện đại của Công ty TNHH một thành viên Kim Ngọc Xuyến (xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ).
Trang trại chăn nuôi heo theo quy trình khép kín, hiện đại của Công ty TNHH một thành viên Kim Ngọc Xuyến (xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ).

Theo ông Nguyễn Phạm Đình Ngọc, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kim Ngọc Xuyến: “Đến nay, doanh nghiệp đã được giải ngân 70% trên toàn bộ số vốn được hỗ trợ trên 6,5 tỷ đồng. Sự hỗ trợ của Nhà nước giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn để đầu tư bài bản hơn về cơ sở hạ tầng như: đường giao thông vào trại, hệ thống điện phục vụ sản xuất... Chính sách này hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn hơn khi đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi đang đối mặt với quá nhiều rủi ro như hiện nay”.

Góp ý về mặt chính sách để phát triển chăn nuôi trong giai đoạn hội nhập hiện nay, TS.Kiều Minh Lực, Giám đốc di truyền giống của Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam
(TP.Biên Hòa), cho rằng: “Chăn nuôi nhỏ, lẻ vẫn có thể phát triển được khi bước vào hội nhập nếu Nhà nước có chính sách phù hợp giúp nông dân thật sự tham gia vào chuỗi liên kết nhìn từ nhu cầu của thị trường”.

Theo TS.Kiều Minh Lực, để chuỗi liên kết này hình thành hiện thực, câu trả lời đòi hỏi sự vào cuộc của Nhà nước bằng chính sách, bằng nhận thức về sự cần thiết và hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi. Và cuối cùng là sự sẵn sàng chuyển giao, giúp đỡ của các nhà khoa học để chuỗi mang lại giá thành thấp nhất và đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bình Nguyên - Kim Ngân

Tin xem nhiều