Báo Đồng Nai điện tử
En

"Điên đầu" vì nhà gần mỏ đá

08:05, 24/05/2018

Người dân sống gần các khu vực mỏ khoáng sản đang khai thác hiện vẫn khá bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển. Tuy tỉnh đã có những quy định nghiêm ngặt trong lĩnh vực này nhưng nhiều chủ mỏ chưa chấp hành đầy đủ.

Người dân sống gần các khu vực mỏ khoáng sản đang khai thác hiện vẫn khá bức xúc vì tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển. Tuy tỉnh đã có những quy định nghiêm ngặt trong lĩnh vực này nhưng nhiều chủ mỏ chưa chấp hành đầy đủ.

Khu nghiền đá của một doanh nghiệp tại xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) không dùng hệ thống phun sương gây ô nhiễm nặng.
Khu nghiền đá của một doanh nghiệp tại xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) không dùng hệ thống phun sương gây ô nhiễm nặng.

Theo Sở Tài nguyên - môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 46 mỏ được cấp phép để khai thác khoáng sản. Các địa phương đang có nhiều mỏ khai thác là TP.Biên Hòa, các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom. Khoáng sản được khai thác nhiều ở Đồng Nai là đá, cát, sét gạch ngói. Trong đó khai thác đá là vấn đề khiến nhiều người dân phản ứng nhất do ô nhiễm môi trường về bụi.

* Ô nhiễm từ khâu khai thác đến vận chuyển

Theo quy định của UBND tỉnh, các mỏ khai thác đá phải có hệ thống phun sương, vệ sinh phương tiện vận chuyển khoáng sản, làm đường bê tông kết nối ra tuyến đường chung... Tuy nhiên, tại nhiều khu vực mỏ vẫn chưa thực hiện đúng như quy định nên tình trạng ô nhiễm do quá trình chế biến, vận chuyển khoáng sản vẫn diễn ra.

Các mỏ khoáng sản sau khi khai thác thường có độ sâu từ 60-100m và vách thường dựng đứng, ít có độ thoải nên việc cải tạo, phục hồi môi trường chậm sẽ rất nguy hiểm. Nhiều khu vực mỏ đá đã đóng cửa, ngừng khai thác, việc rào chắn còn mang tính lấy lệ, không đảm bảo an toàn.

Bà Nguyễn Thị Dung (ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Các xe chở đá từ mỏ ra đường suốt ngày chạy rầm rầm, bụi mù mịt, đá văng đầy đường khiến người dân gần khu vực mỏ phải chịu khổ không ít. Khi nào có đoàn kiểm tra xuống thì họ phun xịt nước nghiêm chỉnh để giảm bụi và vận chuyển che chắn cẩn thận”.

Tương tự, khảo sát tại khu vực xã Phước Tân (TP.Biên Hòa), chúng tôi cũng nhận được nhiều lời than phiền từ người dân trong khu vực. “Mỗi ngày có đến cả trăm xe chở đá chạy ầm ầm từ trong các mỏ đá ra quốc lộ bụi dày đặc. Gia đình tôi đành phải đóng cửa cả ngày để cho bớt bụi, nhiều gia đình gần khu vực mỏ và đường vận chuyển đá không chịu được phải bán nhà hoặc đóng cửa nhà để đó rồi chuyển đến nơi khác sinh sống” - ông Trần Văn Hòa (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, khẳng định: “Người dân gần các khu vực mỏ khai thác khoáng sản vẫn liên tục phản ảnh tình trạng ô nhiễm môi trường. Các chủ mỏ có đầu tư hệ thống phun sương trong quá trình nghiền đá, nơi rửa xe trước khi ra khỏi mỏ nhưng chỉ mang tính đối phó. Vì thế, việc này cần giám sát, xử lý nghiêm để các chủ mỏ chấp hành đúng quy định về bảo vệ môi trường”.

Ông Võ Hồng Vinh, Phó trưởng phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên - môi trường, cũng cho hay: “Theo quy định của UBND tỉnh đến ngày 31-3-2018, các chủ mỏ đá phải đầu tư bãi rửa xe trước khi vận chuyển khoáng sản ra đường chung và có hệ thống phun sương trong quá trình nghiền đá nhưng đến nay vẫn còn những chủ mỏ chưa đầu tư, có nơi đầu tư nhưng chỉ hoạt động lấy lệ dẫn đến việc ô nhiễm do bụi vẫn còn nhiều”.

Thực tế, nếu các chủ mỏ thực hiện nghiêm các quy định của UBND tỉnh về các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển khoáng sản đủ trọng tải, che chắn đầy đủ thì việc ô nhiễm sẽ giảm thiểu rất nhiều và cũng không dẫn đến việc nhiều người dân bức xúc chặn đường khu vực mỏ đá ở xã Phước Tân. Mới đây, qua giám sát tại mỏ đá Tân Cang 3 của Công ty cổ phần Hóa An, mỏ đá ấp Miễu của Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 610 ở xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) và khu mỏ đá Đồi Chùa ở xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) cho thấy quá trình nghiền đá không dùng hệ thống phun sương, có đơn vị chưa đầu tư nơi rửa xe trước khi ra khỏi mỏ.

* Chậm phục hồi môi trường

Theo quy định, sau khi đóng cửa mỏ khoảng 1-1,5 năm, các chủ mỏ phải tiến hành các giải pháp cải tạo phục hồi môi trường, song có cả chục mỏ đóng cửa đã nhiều năm chủ mỏ đá vẫn nhùng nhằng chưa phục hồi môi trường.

Ông Phan Đức Lý, Phó trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, đề xuất: “Với các chủ mỏ không chấp hành theo quy định tỉnh nên đề nghị Trung ương cho dùng số tiền ký quỹ để cải tạo phục hồi môi trường”. Những năm qua, ở các khu vực mỏ đá đã khai thác xong và đóng cửa tại TP.Biên Hòa đã xảy ra không ít vụ chết đuối thương tâm. Tại các mỏ đá đã đóng cửa việc rào chắn xung quanh tương đối sơ sài nên người dân qua lại không chú ý sẽ rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho rằng quá trình cả tạo, phục hồi môi trường tại các mỏ khai thác khoáng sản còn rất chậm. Dù có tiền ký quỹ theo đề án phục hồi môi trường nhưng theo Nghị định 19/2015 của Chính phủ thì tỉnh không thể lấy số tiền này cải tạo, phục hồi môi trường nên các chủ mỏ thường kéo dài thời gian phục hồi môi trường ở những mỏ đã đóng cửa.

Khánh Minh

Tin xem nhiều