Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Giải pháp nào cho đô thị Đồng Nai?

08:05, 31/05/2018

Trong chùm đô thị lớn của Đồng Nai là Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Nhơn Trạch thì mỗi nơi có một chức năng tương đối rõ nét. Thế nhưng để những đô thị này có nét riêng thì không hề đơn giản, đòi hỏi mỗi nơi phải có thêm quy hoạch chi tiết để tạo ra những điểm nhấn riêng giữ được nét truyền thống đan xen với phong cách hiện đại.

[links()]Trong chùm đô thị lớn của Đồng Nai là Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Nhơn Trạch thì mỗi nơi có một chức năng tương đối rõ nét. Thế nhưng để những đô thị này có nét riêng thì không hề đơn giản, đòi hỏi mỗi nơi phải có thêm quy hoạch chi tiết để tạo ra những điểm nhấn riêng giữ được nét truyền thống đan xen với phong cách hiện đại.

Đường Nguyễn Ái Quốc rộng rãi, đẹp nhất TP.Biên Hòa. Một góc đô thị Long Khánh.
Đường Nguyễn Ái Quốc rộng rãi, đẹp nhất TP.Biên Hòa. Một góc đô thị Long Khánh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành sẽ phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao, du lịch cảnh quan sinh thái dọc sông Đồng Nai, cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp đô thị. TX.Long Khánh và các huyện: Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, một phần huyện Vĩnh Cửu là cực tăng trưởng trên trục hành lang kinh tế dọc quốc lộ 51 và quốc lộ 1.

* Tạo điểm nhấn cho thành phố

Trong điều chỉnh quy hoạch vùng, TP.Biên Hòa là đô thị loại I; huyện Nhơn Trạch và TX.Long Khánh là đô thị loại II; huyện Long Thành, Trảng Bom là đô thị loại III. TP.Biên Hòa, huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TX.Long Khánh là  những cực quan trọng trong phát triển đô thị của Đồng Nai. Những khu vực trên phát triển sẽ thúc đẩy các vùng lân cận khác trong tỉnh và góp phần lớn trong  phát triển xây dựng đô thị vùng TP.Hồ Chí Minh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết với khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh cũng hết sức cân nhắc quy hoạch vùng phụ cận sân bay ở Long Thành và cả Nhơn Trạch. UBND tỉnh cũng đã tổ chức đoàn đi tham quan cách xây dựng thành phố sân bay Incheon của Hàn Quốc. Thời gian tới sẽ còn phải tham khảo một số mô hình thành phố sân bay khác trên thế giới.

Ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, chia sẻ TP.Biên Hòa nên chú trọng phát triển đô thị xuống khu vực phía Nam như: Phước Tân, An Hòa, Tam Phước. Đây là những khu dân cư mới dành cho người nhập cư.  Ở những khu mới này cần có những khu dân cư dành cho công nhân và những khu đô thị cao cấp. “Nếu chỉ nhắm vào những khu đô thị trung và cao cấp thì đối tượng người thu nhập thấp sẽ lại xây dựng trái phép phá vỡ quy hoạch. Đối tượng công nhân có nhu cầu nhà ở rất nhiều, vì vậy các khu dân cư cho công nhân cần được quan tâm” - ông Phương chia sẻ. Cũng theo ông Phương, khi phát triển đô thị xuống khu vực phía Nam của thành phố, điều quan trọng nhất là kết nối hạ tầng giao thông. Ngoài trục đường quốc lộ 51 cần phải mở thêm 2 tuyến đường nữa chạy song song với quốc lộ 51 và sông Đồng Nai để kết nối các khu đô thị với nhau, như vậy đô thị sẽ có tính liên kết, không rời rạc. Ông cũng chỉ ra, Biên Hòa là thành phố ven sông, vì vậy cần chọn điểm nhấn phát triển phải là sông Đồng Nai.

Đồng quan điểm này, kiến trúc sư Khương Văn Mười cho rằng dọc 2 bên sông Đồng Nai từ khu vực Bửu Long xuống đến cầu Đồng Nai phát triển đô thị gắn với sông là hợp lý và lấy cù lao Phố làm trung tâm. “Cù lao Phố có vai trò và vị trí rất quan trọng cho đô thị Biên Hòa.  Lấy cù lao làm trung tâm không có nghĩa là xây dựng nhiều vào cù lao này. Mật độ xây dựng ở đây phải thấp và làm tăng giá trị văn hóa của vùng đất đã có 320 năm tuổi này nên thông qua những kiến trúc cổ ở đây. Nhắc tới Biên Hòa mọi người phải nghĩ ngay đó là thành phố đẹp bên sông, khác hẳn với những đô thị khác” - ông Mười nói. Ông cũng cho rằng ngay cả Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sau này khi di dời các nhà máy đi, nơi đây cần có một quy hoạch hiện đại như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện vì đây là bộ mặt của thành phố.

Với TX.Long Khánh, ông Khương Văn Mười cho rằng cần phát triển theo hướng thành phố xanh. Theo ý tưởng của ông, người dân ở các nơi biết đến Long Khánh là vùng cây trái, vì thế đô thị ở đây cũng nên phát triển theo hướng dịch vụ, sinh thái là hợp. Đô thị này nên quy hoạch mở và hạn chế tình trạng nhà ống hẹp san sát nhau. Có như vậy nơi đây sẽ tạo được sự khác biệt so với các thành phố khác. Chủ tịch UBND TX.Long Khánh Hồ Văn Nam cho biết thị xã đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để làm điều chỉnh quy hoạch chung từng khu vực. Khi hoàn thành đề án sẽ đưa ra lấy ý kiến người dân, các kiến trúc sư để hoàn thiện đề án và trình phê duyệt. Khi điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, thị xã sẽ căn cứ vào đó thu hút đầu tư và phát triển đô thị Long Khánh và dự kiến đến năm 2020 sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Mục tiêu phát triển đô thị Long Khánh là xây dựng một thành phố “xanh - văn minh - hiện đại”. “Trong giai đoạn 2021-2015, Long Khánh sẽ là đô thị loại II và là thành phố hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam bộ, tập trung thu hút những dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa lịch sử” - ông Nam nói.

* Hướng tới đô thị hiện đại

Đô thị Nhơn Trạch đã được quy hoạch khá bài bản từ nhiều năm trước, nhưng suốt 1 thập niên qua phát triển rất chậm, vùng trung tâm vẫn vắng vẻ. Người đông, nhưng phần lớn ở vùng ven nên không thúc đẩy phát triển dịch vụ khu trung tâm. Các nhà đầu tư khi đến Nhơn Trạch đều ngại đầu tư vào khu trung tâm huyện vì nơi đây rất ít người dân sinh sống.

Ông K.Srika Reddy, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh, cho hay: “Khu vực Nhơn Trạch, Long Thành là nơi nhiều tập đoàn của Ấn Độ muốn đầu tư vào các dự án hạ tầng, dịch vụ. Nhơn Trạch, Long Thành là nơi các doanh nghiệp Ấn Độ đang nhắm đến. Nhưng muốn đô thị Nhơn Trạch phát triển được thì phải kéo được dân cư về sinh sống trong các khu dân cư đã được quy hoạch và đầu tư hạ tầng. Khi dân cư sinh sống đông sẽ thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển”. 

Theo Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Mạnh Dũng, khó khăn lớn nhất trong phát triển đô thị mới Nhơn Trạch là chưa hoàn thành các dự án kết nối hạ tầng như: đường vành đai 3, đường 319, đường liên cảng... Dịch vụ phục vụ công nghiệp, trung tâm thương mại chưa phát triển được. Dân nhập cư về Nhơn Trạch để làm việc trong các khu công nghiệp tăng nhanh nên tới đây huyện sẽ tập trung mời gọi đầu tư vào làm nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực.

Với huyện Long Thành vấn đề quan trọng nhất là sớm hoàn thành quy hoạch đô thị vùng xung quanh Cảng hàng không quốc tế Long Thành để thu hút đầu tư và phát triển. Khu vực xung quanh sân bay hơn 21 ngàn hécta được khá nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài “để mắt”.

Ông Kjell Klooster, Giám đốc Công ty tư vấn sân bay Hà Lan, khi làm việc với UBND tỉnh vào đầu năm 2018 cũng đã cho rằng phát triển thành phố sân bay là điều vô cùng quan trọng. Ông chỉ ra kinh nghiệm từ thành phố sân bay Schiphol Amsterdam của Hà Lan đã liên tục mở rộng phát triển suốt 100 năm qua. Đó cũng là lý do mà ông cho rằng thành phố Sân bay quốc tế Long Thành cần phải quy hoạch quy củ để có quỹ đất cho sau này phát triển. “Sân bay chỉ là một phần của quy hoạch tổng thể thành phố sân bay. Thành phố có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Không nên xem sân bay chỉ đơn thuần là điểm chuyên chở” - ông Kjell Klooster nhấn mạnh.

Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch HĐND huyện Long Thành, cho hay: “Quy hoạch đô thị Long Thành không thực hiện sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì thế, huyện, tỉnh rất quan tâm và ưu tiên sớm hoàn thành quy hoạch đô thị cho Long Thành để thu hút nhà đầu tư”.

Hương Giang - Khắc Giới

Tin xem nhiều