Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1: Dự án ưu tiên hàng đầu

08:05, 17/05/2018

Mới đây, tại buổi làm việc với các sở, ngành và TP.Biên Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường yêu cầu  phải ưu tiên hàng đầu việc thực hiện đề án khắc phục ô nhiễm, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1...

Ngày 15-5, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu các sở, ngành, TP.Biên Hòa phải ưu tiên hàng đầu việc thực hiện đề án khắc phục ô nhiễm, chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) thành khu đô thị kết nối vùng.

Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa).
Một góc Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa).

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, đề án khắc phục ô nhiễm và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 có tổng vốn đầu tư hơn 15,1 ngàn tỷ đồng gồm: kinh phí xây dựng, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Lộ trình thực hiện dự án từ năm 2018-2025 và chia thành 3 giai đoạn.

* Sớm di dời các doanh nghiệp

Dự kiến trung tâm hành chính tỉnh sẽ di dời về KCN Biên Hòa 1 và được xây dựng trên diện tích gần 20 hécta. Dự án có hơn 161 hécta đất kinh doanh, đất ở. Từ năm 2018-2020, xây dựng phía Tây Nam và một phần khu vực phía Đông Bắc khu đất quy hoạch rộng gần 60 hécta. Từ năm 2021-2023, khoảng 152 hécta xây dựng khu vực phía Tây dọc bờ sông Cái, khu vực trung tâm và phía Đông Bắc. Từ năm 2023-2025 xây dựng toàn bộ khu vực còn lại.

Thời gian qua, đề án khắc phục ô nhiễm môi trường và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, trong đó có việc di dời các doanh nghiệp ở khu vực này, nhằm bảo vệ môi trường sông Đồng Nai...triển khai khá chậm. Hiện đề án vẫn đang trong quá trình chỉnh sửa để trình phê duyệt.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 phần lớn là hoạt động lâu năm, có công nghệ lạc hậu và nhiều ngành nghề gây ô nhiễm nặng. Sau khi di dời các doanh nghiệp, tỉnh sẽ xây dựng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị mới kết nối với vùng TP.Hồ Chí Minh góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.

Ông Phạm Việt Phương, Phó giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch - đầu tư, cho biết: “Dự án đã rà soát tổng hợp được số doanh nghiệp, lao động, hộ dân có đất phải di dời. Hiện nay, vướng mắc lớn là chính sách ưu đãi, hỗ trợ di dời cho doanh nghiệp, người lao động, bồi thường cho người dân có đất trong dự án, xử lý đất đai”.

KCN Biên Hòa 1 có 82 doanh nghiệp đang thuê đất, thời hạn thuê đất của nhiều doanh nghiệp còn rất dài, từ 20-33 năm. Trong đó, có 14 doanh nghiệp đã dừng hoạt động và cho thuê lại đất. Những doanh nghiệp cho thuê lại đất được xác định là sai quy định nên tỉnh sẽ thu hồi.

 Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng các doanh nghiệp hoạt động trong KCN Biên Hòa 1 hầu hết có công nghệ lạc hậu, vì thế cần sớm di dời để đảm bảo nguồn nước sông Đồng Nai đang cung cấp cho hơn 1 triệu người dân TP.Biên Hòa. Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư nhấn mạnh: “Cần sớm di dời các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN Biên Hòa 1 để tránh gây ô nhiễm. Các sở, ngành nhanh chóng tính toán mức bồi thường hỗ trợ, giới thiệu địa điểm di dời và thông báo thời gian cụ thể để doanh nghiệp dời đi”.

Thời hạn thống nhất là từ nay đến năm 2022 hoàn thành xong việc di dời các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1.

* Gỡ khó cho dự án

22 doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 phải di dời có đủ điều kiện vào KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom), còn lại đa số đủ điều kiện vào các KCN khác của tỉnh. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp công nghệ lạc hậu, ô nhiễm không phù hợp để vào bất cứ KCN nào thì buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ mới cho phù hợp để bảo vệ môi trường.

Công ty cổ phần đường Biên Hòa trong KCN Biên Hòa 1 là một trong những doanh nghiệp sẽ phải di dời.
Công ty cổ phần đường Biên Hòa trong KCN Biên Hòa 1 là một trong những doanh nghiệp sẽ phải di dời.

Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai, cho hay: “Qua khảo sát thì có khoảng 11 ngàn lao động không thể đi theo các doanh nghiệp khi di dời nên tỉnh phải có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm. Ngân hàng chính sách cũng nên tham gia hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho những lao động không đi theo các công ty di dời có nhu cầu vay vốn”.

Đề án khắc phục ô nhiễm và chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 giao cho Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi) viết đề án. Vốn để thực hiện đề án khoảng 80% vay từ các tổ chức tín dụng (12,1 ngàn tỷ đồng), còn lại là vốn của Sonadezi.

Liên quan đến vấn đề đất đai tại KCN Biên Hòa 1, theo ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, đây là đất công nên sau khi các doanh nghiệp di dời xong phải xin ý kiến của Trung ương là đất đó giao trực tiếp cho doanh nghiệp hay phải đấu giá.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường chỉ đạo: “Dự án trên phải được ưu tiên giải quyết hàng đầu vì ngoài việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu người dân, còn liên quan đến việc chỉnh trang đô thị của TP.Biên Hòa. Các sở, ngành nhanh chóng tính toán mức hỗ trợ, bồi thường cho doanh nghiệp, người lao động và hộ dân có đất trong dự án”.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát lại đất ở KCN Biên Hòa 1 là giao cho chủ đầu tư chuyển đổi mục đích hay đấu giá để họ biết có sự chuẩn bị trước, như vậy tránh cho dự án triển khai đến giai đoạn này bị ách lại.

Hương Giang

Tin xem nhiều