Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cách giữ nghề gốm Biên Hòa - Đồng Nai

07:01, 11/01/2018

Ngày 10-1, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương, UBND TP.Biên Hòa tổ chức hội thảo khoa học Bảo tồn phát triển nghề gốm truyền thống tại Đồng Nai...

Ngày 10-1, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với Sở Công thương, UBND TP.Biên Hòa tổ chức hội thảo khoa học Bảo tồn phát triển nghề gốm truyền thống tại Đồng Nai. Mục tiêu của hội thảo là nhằm tìm ra các giải pháp đồng bộ để phát triển nghề gốm.

Sản xuất gốm trang trí tại phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa.
Sản xuất gốm trang trí tại phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa.

Gốm mỹ nghệ Biên Hòa hình thành từ cuối thế kỷ 19 và đạt đỉnh cao vào đầu thế kỷ 20. Đặc trưng nổi bật của gốm Biên Hòa là kết hợp men tro và chất tạo màu từ hợp kim đồng, màu men đá đỏ, gốm đất đen. Các sản phẩm gốm Biên Hòa mang tính thẩm mỹ cao được nhiều nước trên thế giới ưa thích, đặt hàng. Gốm Biên Hòa đã xuất sang gần 30 nước trên thế giới.

* Qua thời hoàng kim

Gốm Biên Hòa mang cả 2 giá trị lớn về văn hóa và kinh tế. Đây là một trong những ngành nghề truyền thống có giá trị gia tăng cao nhất. Bởi từ khâu tạo mẫu, nguyên liệu đến sản xuất đều có sẵn tại địa phương. Nhưng từ cuối thế kỷ 20, gốm Biên Hòa bắt đầu chựng lại và đầu thế kỷ 21 bắt đầu có dấu hiệu suy giảm dần.

Ông Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, cho biết Liên hiệp Hội đã nhận được 15 báo cáo của các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia góp ý cho việc bảo tồn, phát triển gốm Biên Hòa. Các giải pháp trên sẽ được nghiên cứu và tham mưu cho TP.Biên Hòa và tỉnh để thực hiện tốt công tác phát triển bền vững nghề gốm.

Th.S Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai, nhận xét: “Nguyên nhân chính khiến nghề gốm sút giảm do sức cạnh tranh yếu vì nguyên liệu sản xuất là đất sét cao lanh, đất đen, phí vận chuyển tăng cao. Các lò nung gốm nằm trong khu dân cư không được đốt bằng củi khi chuyển qua đốt bằng gas, dầu màu men không được đẹp nên khách không ưa chuộng”.

Những vấn đề trên đã khiến cho hợp đồng đặt hàng từ những đối tác nước ngoài với gốm Đồng Nai giảm dần.

Theo ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, năm 2003 tỉnh quy hoạch di dời các cơ sở sản xuất gốm vào cụm công nghiệp để bảo vệ môi trường nên nhiều cơ sở không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất vì ngại sẽ sớm phải di dời. Tuy nhiên sau 10 năm, tỉnh mới hoàn thành hạ tầng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) để di dời các cơ sở gốm vào.

“Cả một thời gian dài phải chờ đợi di dời, khi di dời nhiều thủ tục rườm rà, hỗ trợ vốn không đủ để đầu tư nhà xưởng mới nên hơn 60% doanh nghiệp, cơ sở gốm đã đóng cửa, hiện chỉ còn hơn 30 cơ sở” - ông Khiềng nói.

Ngoài ra, gốm Biên Hòa sa sút còn do nguồn lao động  suy giảm, nhất là lao động tay nghề cao. Vì nghề gốm vất vả, thu nhập không cao nên nhiều người đã chuyển nghề.

* Gỡ khó để phát triển

Theo các nhà khoa học, nghệ nhân và các chủ cơ sở sản xuất gốm, để nghề gốm truyền thống Đồng Nai phát triển bền vững và lưu giữ được những giá trị gắn với văn hóa truyền thống thì phải có những giải pháp đồng bộ, các chính sách phát triển nghề gốm thiết thực, hiệu quả.

TS.Vũ Minh Tâm, giảng viên Viện Đào tạo sau đại học Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh, cho rằng sản xuất gốm nên triển khai trong nhà xưởng rộng rãi, sạch sẽ để thuận tiện bố trí thiết bị, máy móc và di chuyển sản phẩm. Sử dụng kệ nhiều tầng để chứa, vận chuyển trong quá trình sản xuất giảm tình trạng bể vỡ. Các phương pháp sản xuất truyền thống như: rót, xoay in bằng khuôn thạch cao nên thay thế bằng các máy ép khuôn thép thủy lực sẽ giảm được nhiều chi phí.

“Gốm Biên Hòa chủ yếu hong khô tự nhiên nên lệ thuộc vào thời tiết, khi có đơn hàng lớn khó tăng năng suất.  Do đó, các cơ sở nên chuyển qua dùng lò sấy hoặc tận dụng nhiệt dư từ các lò trong quá trình nung sản phẩm để làm khô sẽ chủ động được sản xuất. Các cơ sở gốm ứng dụng các biện pháp logistics trên nền tảng hệ thống xe vận chuyển, thu lại sản phẩm lỗi để tái chế” -  ông Tâm nói

Th.S Vũ Đình Trung, Trưởng ban Tôn giáo dân tộc Ủy ban MTTQ tỉnh, đề xuất: “Sau khi di dời nên xây dựng khu sản xuất gốm kết hợp với du lịch. Đồng thời các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm nên liên kết lại để chia ra thành khâu chuyên lo thiết kế mẫu, khâu chuyên sản xuất và khâu chuyên tìm thị trường để có đầu ra ổn định”.

Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên, thời gian qua thành phố đã có nhiều hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ giao đất tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh cho các cơ sở gốm di dời vào, như: giảm 50% tiền thuê đất, ngân sách hỗ trợ 60% vốn đầu tư hạ tầng và phần vốn doanh nghiệp phải bỏ ra được trả chậm trong 5 năm. Tuy nhiên do các cơ sở lo ngại thị trường bị co hẹp nên còn chần chừ, kéo dài việc đầu tư và di dời vào.

“Trong thời gian tới, TP.Biên Hòa sẽ phối hợp với các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ các cơ sở gốm di dời vào cụm công nghiệp, hoàn thành các hồ sơ thủ tục sớm xây dựng xong đi vào sản xuất” - bà Liên cho hay.

Hương Giang

Tin xem nhiều