Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất hàng đặc sản vào mùa

07:01, 29/01/2018

Ngoài trái cây, Đồng Nai còn nổi tiếng với khá nhiều loại đặc sản như: bánh tráng, miến, bún, sợi hủ tiếu khô, bánh gai, bánh chưng...Trước Tết Nguyên đán hơn 1 tháng, các nghề truyền thống vào mùa cao điểm.

Ngoài trái cây, Đồng Nai còn nổi tiếng với khá nhiều loại đặc sản dịp tết như: bánh tráng, miến, bún, sợi hủ tiếu khô, bánh gai, bánh chưng...

Phơi hủ tiếu tại một cơ sở ở KP.3, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa).
Phơi hủ tiếu tại một cơ sở ở KP.3, phường Hố Nai (TP.Biên Hòa).

Trước Tết Nguyên đán chừng hơn 1 tháng là thời điểm nghề truyền thống làm bánh tráng, miến, bún, hủ tiếu khô vào mùa cao điểm. Các cơ sở đều nâng công suất thêm 20-50% để có đủ hàng giao cho mối trong tỉnh và các tỉnh, thành khác. Sản xuất bánh gai, bánh chưng dịp cao điểm trước tết khoảng 10-15 ngày.

* Cung không đủ cầu

Xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), phường Hố Nai (TP.Biên Hòa), xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom)... dịp này khá nhộn nhịp. Những cơ sở làm bánh tráng, bún, hủ tiếu, miến đang hối hả sản xuất để giao hàng cho các đại lý. Nhiều cơ sở phải sáng đèn từ 2-3 giờ sáng để làm cho kịp đơn hàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng (ấp 2, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), cho hay: “Khách về đặt hàng rất đông nên cơ sở của tôi phải nâng công suất lên gấp rưỡi cũng không đủ cung cấp. Hiện nay, nhiều người tiêu dùng vẫn thích dùng bánh tráng làm thủ công của Thạnh Phú, song số cơ sở còn làm bánh tráng thủ công không còn nhiều nên phải từ chối nhiều đơn hàng lớn”.

Trước đây, vào dịp cuối năm có đến gần 100 hộ làm nhưng thu nhập từ nghề này không cao, sau này nhiều nhà không có nhân lực làm nên ít dần. Một số cơ sở chuyển sang làm bằng máy móc năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với làm thủ công. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn thích dùng bánh tráng làm thủ công vì chất lượng ngon hơn hẳn.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Nguyễn Cao Tài, cả xã có gần 10 cơ sở sản xuất bánh tráng. Vào cuối năm các cơ sở đều tăng công suất gấp 1,5 lần trở lên để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bánh tráng Thạnh Phú nổi tiếng là ngon, được nhiều người tiêu dùng ở Đồng Nai, các tỉnh, thành lân cận đặt hàng, vào dịp cuối năm cung không đủ cầu. Tuy nguồn cung hạn chế nhưng giá bán các cơ sở cũng chỉ tăng nhẹ, ngày thường khoảng 65-70 ngàn đồng/trăm bánh thì dịp gần tết tăng lên 75-80 ngàn đồng/trăm bánh.

* Sôi động hàng tết

Bà Hứa Thị Thúy Hạnh (KP.3, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Mỗi ngày cơ sở của gia đình tôi sản xuất khoảng 50kg hủ tiếu khô để cung cấp cho thị trường Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Cách Tết Nguyên đán khoảng hơn 1 tháng, các đại lý đều đặt hàng tăng gấp 1,5-2 lần so với ngày thường, nhưng vì chủ yếu làm thủ công nên chỉ đáp ứng tăng khoảng 1,5 lần”.

“Phường Hố Nai có nghề truyền thống là làm hủ tiếu, bún, bánh đa... Cuối năm nhu cầu nhiều nên các cơ sở đều tăng công suất. Có những cơ sở đã đầu tư máy móc tự động, sản xuất từ vài trăm đến hàng tấn hủ tiếu/ngày”- ông Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch UBND phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) nói. Sợi hủ tiếu, bánh đa, bún khô sản xuất ở phường Hố Nai ngoài cung cấp cho thị trường trong nước còn được một số doanh nghiệp đặt hàng đưa đi xuất khẩu.

Ông Trần Trọng Nguyễn, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên sản xuất thực phẩm - thương mại Đông Nhi (ở xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom) cho hay: “Mỗi tháng công ty xuất khẩu hơn 60 tấn bún, sợi hủ tiếu khô sang các nước. Trước Tết Nguyên đán khoảng 1,5 tháng, công ty đã tăng công suất thêm 20% để đáp ứng các đơn đặt hàng từ nước ngoài. Hiện công ty đang xây dựng thêm nhà xưởng để mở rộng sản xuất”.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu về thực phẩm khô cho thị trường nội địa và xuất khẩu tăng khá cao. Các cơ sở, doanh nghiệp đều phải tuyển thêm lao động thời vụ để đáp ứng những đơn hàng lớn.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích