Báo Đồng Nai điện tử
En

Gà trống thiến của ông Thân

07:12, 18/12/2017

Với kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn khá lâu năm, trong những năm qua ông Bùi Văn Thân (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) khá "mát tay" với đàn gà 4 ngàn con của mình.

Với kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn khá lâu năm, trong những năm qua ông Bùi Văn Thân (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) khá “mát tay” với đàn gà 4 ngàn con của mình.

Ông Bùi Văn Thân (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) là một trong những người nuôi gà trống thiến có nhiều kinh nghiệm, đạt hiệu quả cao. Ảnh: H.Hải
Ông Bùi Văn Thân (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) là một trong những người nuôi gà trống thiến có nhiều kinh nghiệm, đạt hiệu quả cao. Ảnh: H.Hải

Trung bình mỗi năm ông thu về khoảng 500 triệu đồng từ việc nuôi gà ta thả vườn. Đặc biệt, trong khoảng hơn 5 năm trở lại đây, ông Thân còn mở rộng mô hình nuôi gà trống thiến đem lại hiệu quả kinh tế cao.

* Nuôi theo kinh nghiệm

Theo ông Thân, so với nuôi gà ta thả vườn thông thường, việc nuôi gà trống thiến ít tốn công chăm sóc, giảm bớt các chi phí về phòng chống dịch bệnh do gà thiến thường có sức đề kháng cao. Thịt gà thiến săn chắc và có chất lượng cao hơn nhiều so với gà thịt thông thường.

“Cái khó nhất khi nuôi gà trống thiến là khâu tuyển chọn gà để thiến. Gà cần đảm bảo khỏe, đẹp mã, chân không bị tật, lông óng mượt, mào đẹp… Khâu này chủ yếu lựa chọn bằng cảm quan và kinh nghiệm của người nuôi. Gà trống khoảng 90 ngày tuổi thì có thể thiến được. Nếu thiến khoảng vài ba con thì không nói làm gì, chứ mình thiến hàng loạt gần ngàn con nên phải rất kỹ lưỡng trong việc chọn gà. Tỷ lệ hao hụt của gà thiến vì thế cũng cao hơn so với gà thịt bình thường” - ông Thân chia sẻ.

Trong quá trình thiến gà, nếu thiến không chuẩn có thể khiến gà phát triển chậm, nhẹ ký, thậm chí bị viêm loét vết thiến dẫn tới chết gà. Sau khi thiến xong, gà được chăm sóc bằng chế độ riêng, sử dụng các loại thuốc chống nhiễm trùng, đường ruột, hô hấp... Khi đã lành vết thiến, gà thường ăn rất khỏe. Thức ăn chủ yếu của gà thiến là bắp. Ông Thân còn thường xuyên bổ sung chất xơ và một số loại thức ăn hỗ trợ tiêu hóa cho gà phát triển khỏe mạnh.

Ngoài ra, theo ông Thân, thời gian nuôi gà thiến cũng dài hơn, gà ta thả vườn nuôi khoảng 3 tháng thì xuất chuồng được, trong khi gà trống thiến cần từ 7-8 tháng mới có thể xuất bán. Gà trống thiến khi xuất bán thường đạt trọng lượng từ 3,5-4 kg/con.

* Lợi nhuận cao

Ông Thân cho biết mỗi năm ông nuôi 1 lứa gà thiến chính cho dịp Tết Nguyên đán với khoảng 800 đến 1 ngàn con và nuôi lai rai để đáp ứng nhu cầu thịt gà thiến trong các đám cưới, đám hỏi của người Hoa tại địa phương và các khu vực lân cận. Riêng dịp tết sắp tới, ông Thân đang nuôi khoảng 800 con gà trống thiến.

Theo ông Thân, giá gà trống thiến vào dịp tết thường khá ổn định và cao gần gấp đôi so với gà ta thả vườn thông thường, trung bình khoảng 100-120 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên tới 140-150 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi lứa gà trống thiến tết, ông thu lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng.

Nhờ đảm bảo chất lượng, gà trống thiến của ông Thân khá “hút” khách tại địa phương và một số khu vực ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thậm chí những năm gần đây có cả thương lái từ TP.Hồ Chí Minh về đặt mua gà trống thiến của ông.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều