Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần quản lý chặt quỹ tín dụng

07:12, 05/12/2017

Sự lo lắng của khách hàng gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân tại Đồng Nai đã tạm lắng xuống, không còn tình trạng ồ ạt rút tiền trước kỳ hạn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao quản lý chặt các quỹ tín dụng trong tỉnh để không xảy ra tình trạng đáng tiếc như ở Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa).

Sự lo lắng của khách hàng gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân tại Đồng Nai đã tạm lắng xuống, không còn tình trạng ồ ạt rút tiền trước kỳ hạn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao quản lý chặt các quỹ tín dụng trong tỉnh để không xảy ra tình trạng đáng tiếc như ở Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa).

Giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Trung Dũng (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) vẫn diễn ra ổn định.
Giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Trung Dũng (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) vẫn diễn ra ổn định.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, toàn tỉnh có 35 quỹ tín dụng đang hoạt động. Nguồn vốn các quỹ tín dụng huy động được từ người dân trên địa bàn tỉnh là 2.300 tỷ đồng và dư nợ cho vay hơn 2.100 tỷ đồng. Các quỹ tín dụng hoạt động theo mô hình hợp tác xã nhưng cũng giống như một ngân hàng thu nhỏ và độc lập, không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, tình trạng quỹ tín dụng phát triển nhanh, song công tác quản lý chưa chặt chẽ đã dẫn đến rủi ro đáng tiếc vừa qua.

* Nhiều bên giám sát

Hoạt động của các quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh phải chịu sự quản lý, giám sát từ 4 đơn vị là: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai; UBND phường, xã nơi đăng ký thành lập và hoạt động; quỹ bảo hiểm tiền gửi; ngân hàng hợp tác xã. Nếu các bên cùng thực hiện tốt quá trình giám sát thì rất khó xảy ra tình trạng rủi ro như Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, cho biết sau khi xảy ra vụ việc Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai đã có văn bản yêu cầu các bên liên quan kiểm tra lại hoạt động của tất cả các quỹ tín dụng trong tỉnh về những khoản huy động, cho vay. Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với các phường, xã nơi các quỹ tín dụng đang hoạt động giám sát nghiêm ngặt hơn; đồng thời đề nghị các phường, xã nơi có quỹ tín dụng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nếu phát hiện điều bất thường báo ngay Ngân hàng Nhà nước để kịp thời xử lý.

Theo bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Tân Bửu (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), các quỹ tín dụng hoạt động chịu sự kiểm soát rất kỹ của 4 đơn vị quản lý. Tuy là quỹ tín dụng nhỏ nhưng mọi hoạt động đều phải đảm bảo theo quy định của Nhà nước là cuối ngày khi dừng hoạt động, kế toán phải thông báo đầy đủ số tiền huy động, cho vay để Ban kiểm soát kiểm tra trước sự chứng kiến của giám đốc quỹ và thủ quỹ. Sau đó tất cả tiền mặt được cho vào két niêm phong lại đặt tại trụ sở. Do đó, Quỹ tín dụng nhân dân Tân Bửu hoạt động gần 30 năm nhưng chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào. “Sau sự cố của Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình, chúng tôi cũng lo lắng nên chuẩn bị ứng phó khi xảy ra tình hình xấu là người dân sẽ rút tiền trước hạn. Nhưng may mắn là người dân gửi tiền có sự tin tưởng nên quỹ tín dụng vẫn hoạt động ổn định”- bà Dung chia sẻ.

Theo quy định của Chính phủ, các quỹ tín dụng được phép huy động vốn và cho vay khoảng 70-80% trên tổng vốn huy động được. Địa bàn cho vay là xã, phường nơi đặt trụ sở thành lập hoặc phường, xã giáp ranh. Mức lãi suất huy động và cho vay do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định. Các quỹ tín dụng được huy động vốn tùy theo khả năng và không bị giới hạn. Theo các chuyên gia tài chính, đây là cơ hội cho các quỹ tín dụng phát triển lớn mạnh, song nếu quy trình hoạt động không đúng và thiếu sự giám sát của các bên liên quan thì nguy cơ xảy ra rủi ro rất cao, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước.

Bà Trần Thị Bảo Ngọc, Phó giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Trung Dũng (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa), cho hay: “Dù không xảy ra tình trạng người dân rút tiền trước kỳ hạn, nhưng sự cố Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động chung của các quỹ tín dụng. Một số khách hàng cũng lo lắng gọi điện hỏi, nhưng sau khi nghe giải thích đã yên tâm không rút tiền nữa”. Cũng theo bà Ngọc, các quỹ tín dụng đều có ban kiểm soát hoạt động độc lập và giám sát rất chặt, chủ tịch HĐQT, giám đốc, phó giám đốc, kế toán không ai được giữ tiền mặt. Do đó, sai phạm có thể là do các bên đều làm sai quy trình, nới lỏng giám sát mới để giám đốc quỹ giữ số tiền lớn như vậy.

* Quản lý chặt hơn

Trong quy định không giới hạn huy động vốn của quỹ tín dụng nên có những quỹ tín dụng tại Đồng Nai huy động đến vài trăm tỷ đồng. Do đó, công tác quản lý đòi hỏi phải rất nghiêm ngặt mới tránh được những sự cố đáng tiếc và bảo vệ quyền lợi cho người dân gửi tiền. Ông Hứa Hoàng Huynh, Phó chủ tịch UBND phường Bửu Long (TP.Biên Hòa), cho biết: “Để giám sát, quản lý chặt hoạt động của quỹ tín dụng trên địa bàn, phường đã cử Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường tham gia trong Ban kiểm soát của quỹ. Do đó, hoạt động huy động vốn, cho vay, lãi suất của quỹ UBND phường đều nắm rõ, đồng thời yêu cầu hàng tháng quỹ tín dụng báo cáo đầy đủ các hoạt động”. Theo ông Huynh, cách quản lý này phường đã duy trì nhiều năm nay nên không xảy ra tình trạng đáng tiếc nào. Trường hợp để xảy ra thất thoát số tiền lớn của Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình là do các bên thiếu sự giám sát.

Theo ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai, quỹ tín dụng ra đời rất tốt cho các phường, xã vì giảm bớt được tình trạng tín dụng “đen” ở địa phương. Thế nhưng nếu muốn tránh được những sự cố đáng tiếc, vai trò quản lý của các bên liên quan rất quan trọng. Nếu việc giám sát được làm tốt ngay từ đầu sẽ không xảy ra tổn thất cho khách hàng và gây ra hiện tượng người dân lo lắng rút tiền trước kỳ hạn ở một số quỹ tín dụng khác. Đồng quan điểm với ông Vinh, ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Đồng Nai, nhận xét: “Các quỹ tín dụng được phép huy động vốn không giới hạn nên có quỹ nhận tiền gửi từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy khâu quản lý phải chặt chẽ ngay từ đầu để tránh những rủi ro. Nếu quản lý không tốt xảy ra sự cố sẽ gây phản ứng tiêu cực là rút tiền hàng loạt ở các quỹ tín dụng khác làm mất thanh khoản”.

Hương Giang

Tin xem nhiều