Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Công nghiệp tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0

06:11, 14/11/2017

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và công nghệ, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu khu vực Đồng Nam bộ trong việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào trong sản xuất công nghiệp. Đây là một trong những yếu tố chính giúp tỉnh luôn đứng trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế.

[links()]Theo đánh giá của Bộ Khoa học và công nghệ, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu khu vực Đồng Nam bộ trong việc tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào trong sản xuất công nghiệp. Đây là một trong những yếu tố chính giúp tỉnh luôn đứng trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế.

Từ 4 năm nay, trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh đều có sự chọn lựa kỹ càng. Trong đó ưu tiên cho những dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Do đó, các DN đầu tư vào tỉnh hầu hết có công nghệ hiện đại, những DN đầu tư vào sớm đang từng bước thay đổi dây chuyền sản xuất mới nhằm tăng năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

*Bắt đầu hái quả ngọt

Trong gần 3 năm qua (2015-2017), chương trình khoa học công nghệ đã hỗ trợ 154 DN trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Ngoài ra, các DN trên địa bàn tỉnh cũng rất chú trọng việc đầu tư thay đổi công nghệ để đáp ứng được các nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Một doanh nghiệp khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) ứng dụng công nghệ mới chỉ cần 4-6 công nhân sản xuất ra hơn 1 triệu sản phẩm/năm.
Một doanh nghiệp khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch) ứng dụng công nghệ mới chỉ cần 4-6 công nhân sản xuất ra hơn 1 triệu sản phẩm/năm.

Ông Bùi Văn Nam, Giám đốc TNHH Gia Nam (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) nổi tiếng với những sản phẩm tiết kiệm điện và sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời, cho hay: “Sản phẩm mang thương hiệu Megasun chiếm lĩnh được thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số nước trong khu vực là nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại thiết kế, sản xuất ra những sản phẩm tiết kiệm điện có chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Hiện công ty đã đăng ký thương hiệu ở 6 quốc gia và đang mở rộng sản xuất để đưa hàng xuất khẩu”. Hiện nay, nhiều ngành công nghiệp của tỉnh đã bước đầu tiếp cận với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại của các nước khác khi xuất khẩu. Cụ thể, lĩnh vực xơ sợi dệt, dệt may, giày dép, gỗ, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

“Công ty đang dần thay một số công đoạn trong sản xuất giày bằng robot để tăng năng suất, chất lượng và giảm áp lực về lao động. Giày sản xuất tại công ty đã xuất  khẩu sang hơn 30 quốc gia”- ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Đối ngoại Công ty TNHH Changshin Việt Nam ở Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho biết. Đặc biệt trong khâu sản xuất xơ sợi dệt, vải nhiều DN ở Đồng Nai đã đầu tư máy móc tự động hóa nhiều khâu, số lao động giảm ¾ so với trước đây.

Ông Yoo Sun Hyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các loại sợi vải mành nguyên liệu làm lốp xe ô tô, sợi spandex, sợi nylon, sợi thép và các loại sợi khác cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Các khâu sản xuất hầu hết được tự động hóa nên không cần nhiều lao động. Trong đó, có hai loại sợi chiếm thị phần lớn nhất thế giới là sợi dùng làm lốp xe ô tô khoảng 45% nhu cầu của thế giới và sợi spandex 32%”. Công ty cổ phần Sơn Đồng Nai đã ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới nên sơn làm ra có thể cạnh tranh được với các hãng sơn nước ngoài. Ông Trịnh Minh Trương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sơn Đồng Nai, cho biết: “Công ty đã đầu tư và làm chủ những công nghệ sản xuất sơn tiên tiến nhất của thế giới nên năng suất tăng gần 200 lần so với khi mới thành lập. Theo đó doanh thu tăng lên cả gần 1 ngàn tỷ đồng”. Nhiều DN khác tại Đồng Nai cũng không ngừng đổi mới công nghệ tăng năng suất, chất lượng và xuất khẩu.

*Chậm sẽ bị tụt hậu

Đồng Nai là tỉnh có sản xuất công nghiệp lớn nên kim ngạch xuất khẩu đứng trong tốp đầu của cả nước (chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước). Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh mỗi năm đều tăng trên 8%, điều này chứng tỏ DN rất quan tâm trong đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, DN chú ý ứng dụng công nghệ thông tin để không bị tụt hậu. Trước đây, ngành dệt may của Đồng Nai cũng như cả nước chủ yếu gia công thì này đã có những DN đã sử dụng những công nghệ mới thiết kế mẫu mã, tăng giá trị gia tăng cho ngành.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội may Việt Nam, khẳng định: “Ngành dệt may Đồng Nai cũng như cả nước đang từng bước tiếp cận công nghệ 4.0 để không bị lạc hậu. Khi trước làm 10 ngàn cộng sợi cần 100 lao động, song hiện chỉ cần 25 lao động. Đồng thời, 1 công nhân ngày trước chỉ đứng được 7 máy dệt nhưng nhờ công nghệ mới có thể đứng 15 máy dệt và 1 công nhân may hiện có thế ngồi 3 máy may cùng lúc”. Hiện nay Đồng Nai là một trong 5 tỉnh thành dẫn đầu cả nước về sản xuất và xuất khẩu xơ sợi dệt, dệt may. Do kịp thời tiếp cận công nghệ 4.0 nên quy hoạch ngành dệt may của Việt Nam đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu mới đạt 21 tỷ USD, nhưng năm 2017 cả nước đã đạt 31 tỷ USD, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Đồng Nai.

Công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai mới phát triển 4-5 trở lại đây, nhưng các DN khá nhanh nhạy trong việc tiếp cận khoa học công nghệ để cho ra những sản phẩm chất lượng. Tại Đồng Nai có những nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất trên 1 triệu sản phẩm/năm nhưng chỉ cần 4-6 công nhân đứng máy, bởi mọi công đoạn đều đã được tự động hóa, công nhân chỉ cần theo dõi, thao tác trên máy tính. Đại diện của Công ty TNHH Yamashita Plastic Việt Nam ở khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch), nói: “Công ty sản xuất hơn 1 triệu sản phẩm plastic, kim loại đúc/năm nhưng chỉ có khoảng 4-6 công nhân làm việc. Do các công đoạn tự động hóa hết nên công nhân đều thao tác trên máy bằng cách bấm các nút tự động rồi theo dõi”.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết: “Gần đây, các DN trong những khu công nghiệp rất chú ý đến việc ứng dụng các công nghệ mới vào trong sản xuất. Vì thế sản lượng hàng hóa công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đều tăng khá cao nên doanh thu của các DN nâng lên, thuế đóng cho ngân sách mỗi năm tăng hàng chục triệu USD dù thuế xuất nhập khẩu giảm theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do”. Những năm gần đây nhập khẩu máy móc công nghệ mới từ những nước tiên tiến của DN Đồng Nai tăng cao.  Đây cũng là mặt hàng các DN trong tỉnh nhập khẩu nhiều nhất.

Hương Giang

(Xem tiếp bài 3: “Tạo chuỗi liên kết vùng”)        

                                                            

                                                                            

 

Tin xem nhiều