Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp vẫn kỳ vọng vào CPTPP

07:11, 16/11/2017

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa công bố, các bộ trưởng 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cơ bản cho TPP sau khi Mỹ rút khỏi. Hiệp định sẽ có tên mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),...

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa công bố, các bộ trưởng 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cơ bản cho TPP sau khi Mỹ rút khỏi. Hiệp định sẽ có tên mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hứa hẹn tạo ra những đột phá mới cho tự do hóa kinh tế của 11 nước thành viên.

Các doanh nghiệp dệt may vẫn mong CPTPP nhanh chóng đi đến ký kết để tăng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành để giảm nhập khẩu nguyên liệu. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Đồng Tiến.
Các doanh nghiệp dệt may vẫn mong CPTPP nhanh chóng đi đến ký kết để tăng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành để giảm nhập khẩu nguyên liệu. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty cổ phần Đồng Tiến.

Trong vòng đàm phán mới nhất từ ngày 8 đến 11-11-2017, các bộ trưởng của các nước tham gia CPTPP thống nhất giữ nguyên những nội dung TPP cũ nhưng cho phép các nước tạm hoãn lại một số nội dung để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Hiệp định mới sẽ treo 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu, trong đó có 10 điều là liên quan tới sở hữu trí tuệ.

* Thêm sân chơi cho xuất nhập khẩu

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng dù thiếu Mỹ nên CPTPP không được như mong đợi nhưng vẫn có tác động tích cực, bởi Việt Nam là quốc gia khuyến khích xuất khẩu thì CPTPP là hướng tốt tạo ra sân chơi mới. Dù hiệp định có đổi tên là CPTPP nhưng những vấn đề cốt lõi của TPP vẫn được giữ, vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ chờ Mỹ quay lại. “Có những quy định như nguồn nguyên liệu phải sản xuất ở các nước nội khối cũng là điểm tích cực để doanh nghiệp (DN) đầu tư  phát triển. Tham gia vào CPTPP ở góc độ thị trường nó cũng được mở hơn và đòi hỏi DN phải chuyên nghiệp hơn” - ông Chương nói.

* Ngành gỗ hưởng lợi nhiều

Một trong những ngành nghề được kỳ vọng hưởng lợi nhiều ở CPTPP là chế biến gỗ xuất khẩu. Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, phân tích thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam cũng như Đồng Nai là Mỹ và Nhật Bản, tuy nhiên Mỹ lại không tham gia nên cũng giảm hấp dẫn. Tham gia vào hiệp định này nếu chỉ kỳ vọng vào giảm thuế thì không mấy ý nghĩa, vì thuế suất của 2 thị trường này hiện đều đã bằng 0%. Lợi thế từ hiệp định mà các DN ngành gỗ trông đợi là nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong nội khối với thuế suất bằng 0% để đảm bảo được tính hợp pháp nguồn nguyên liệu. Khi tham gia CPTPP, các DN trong ngành dễ dàng tiếp cận được công nghệ mới và chất lượng hàng hóa được nâng lên sẽ tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường. 

* Cơ hội mở thị trường mới

Mỹ rút khỏi TPP thị trường của 11 nước thành viên còn lại sẽ bị thu hẹp khá lớn. Hiện 11 nước còn lại của CPTPP chiếm khoảng 13,5% GDP của thế giới và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. Nếu còn Mỹ con số trên sẽ lần lượt là 38,2% GDP thế giới và 26,5% kim ngạch thương mại toàn cầu.

Theo ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, mặt hàng gốm của tỉnh phần lớn là xuất khẩu vào thị trường Mỹ, cho nên khi Mỹ rút khỏi TPP nhiều DN, cơ sở gốm rất luyến tiếc vì cơ hội thuế suất về 0% để tăng sức cạnh tranh và lợi nhuận bị mất đi. Tuy nhiên, việc này cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến số lượng các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, CPTPP tiếp tục sẽ mở ra thêm thị trường mới cho ngành gốm để không lệ thuộc vào một vài thị trường lớn.

* Không mất đi sự hấp dẫn

Ông Lê Bạch Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành), chia sẻ không còn Mỹ thị trường CPTPP vẫn hấp dẫn DN trên địa bàn tỉnh. Do đó, nhiều DN vẫn mong hiệp định này sớm được ký kết. Ngoài xuất nhập khẩu hàng hóa vào những nước thành viên sẽ thuận lợi hơn thì sẽ có thêm cơ hội trong thu hút đầu tư của các nước trong CPTPP vào Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng. Như vậy, DN Việt Nam có thể tìm thêm các đối tác liên kết cung ứng hàng hóa, tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm để dễ dàng đáp ứng được các quy định về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào các nước Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại khác.

* Chưa có nên không mất

Ông Yoo Sun Hyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, cho hay TPP đang trong giai đoạn đàm phán nên Mỹ rút khỏi chỉ là khiến các DN mất đi cơ hội trong tương lai chứ không ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất. Thời gian qua chưa có TPP, Hyosung và nhiều DN Đồng Nai khác vẫn tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nhiều DN trong đó có Hyosung cũng đã có những kế hoạch thực hiện trước để đón đợi TPP khi chính thức ký kết có hiệu lực thì có thể nắm bắt ngay được những lợi thế, song hiện Mỹ đã rời khỏi nên phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Việt Nam cũng như Đồng Nai vẫn hấp dẫn nhiều DN nước ngoài đầu tư vào bởi hội nhập nhanh và có nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

* Còn nhiều thị trường khác

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (một trong 5 DN có xuất khẩu may mặc lớn của Đồng Nai), nói CPTPP tiếp tục được đàm phán là điều nhiều DN mong chờ. Dù không còn Mỹ, thị trường bị thu hẹp nhưng trong đó vẫn còn những thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các DN có thể mở thêm các thị trường khác trong khối khi CPTPP được ký kết và có hiệu lực. CPTPP không phải là thị trường xuất khẩu chính của Đồng Tiến, nhưng DN vẫn mong sớm được ký kết để thu hút được nhiều DN từ các nước thành viên đầu tư vào Việt Nam trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may để giảm nhập khẩu nguyên liệu. Như vậy, hàng may mặc của Đồng Tiến khi xuất khẩu vào EU sẽ được giảm thuế theo lộ trình Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Xuất khẩu của Đồng Nai vẫn tăng

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng cho hay, Mỹ rời khỏi TPP khiến thị trường bị thu hẹp và giảm phần hấp dẫn, nhưng 11 thành viên còn lại vẫn tiếp tục đàm phán đi đến thống nhất là điều các DN rất mong đợi. Nếu những thành viên còn lại tiếp tục duy trì hiệp định toàn diện trên các lĩnh vực không riêng thị trường, cải cách thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều vấn đề nguyên tắc khác... thì vẫn đem lại nhiều cơ hội lớn thúc đẩy phát triển kinh tế cho các nước thành viên. Dù Mỹ không tham gia TPP nhưng xuất khẩu của Đồng Nai sang thị trường này vẫn tăng trưởng khá và thu hút đầu tư vào tỉnh vẫn tăng.

Tạo môi trường kinh doanh tốt hơn

Ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh đánh giá: việc đạt được thỏa thuận CPTPP là một điều tốt. Việt Nam và Nhật Bản là 2 quốc gia tích cực trong vấn đề này. Tham gia vào CPTPP không có Mỹ thì tốc độ tăng trưởng sẽ không được như kỳ vọng trước đây, thế nhưng vẫn đem lại những lợi ích lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước. TPP trước đây hay CPTPP hiện nay không chỉ đơn thuần là việc cắt giảm thuế cho hàng hóa mà còn đem lại những lợi ích khác giúp cho nền kinh tế phát triển tốt hơn. Tham gia vào CPTPP về thể chế phải thay đổi, tính minh bạch cao hơn, như vậy tạo môi trường kinh doanh sẽ tốt hơn và tiêu chuẩn hàng hóa cũng phải cao. Khi có được tiêu chuẩn cao cũng là một lợi thế để cạnh tranh phát triển, lúc đó Mỹ sẽ quan tâm hơn và có thể sẽ ký những hiệp định song phương.

Thêm cạnh tranh để phát triển

TS.Võ Mai, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhận định, CPTPP tiếp tục đàm phán là mong đợi của các DN trên nhiều lĩnh vực, nhưng đối với sản xuất nông sản của Việt Nam thì đây là ngành sẽ chịu thách thức lớn hơn. Khi hiệp định được ký kết, thị trường xuất khẩu mở rộng cũng đồng nghĩa với hàng nhập khẩu từ các nước trong khối sẽ tràn vào, đặc biệt là nông sản. Theo đó, DN và nông dân trên lĩnh vực nông nghiệp muốn trụ vững ở thị trường nội địa và xuất khẩu phải thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ để sản phẩm làm ra đẹp, ngon, sạch và rẻ. DN cũng không nên chỉ hào hứng và chú trọng vào thị trường CPTPP mà nên quan tâm đến những thị trường khác cũng đang có nhiều lợi thế là Nga, châu Âu. Đây là thị trường có nhu cầu rất lớn về trái cây nhiệt đới vì có rất nhiều kiều bào người Việt Nam sinh sống.

Hương Giang - Khắc Giới

Tin xem nhiều