Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp 4.0

07:10, 17/10/2017

Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ 2 vừa diễn ra cách đây mấy ngày tại Hà Nội do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì với chủ đề "Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0".

Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần thứ 2 vừa diễn ra cách đây mấy ngày tại Hà Nội do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0”. Diễn đàn diễn ra nhân dịp kỷ niệm 87 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam, và trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đứng trước thách thức lớn, đòi hỏi sự đổi thay rất nhiều để tồn tại.

 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu then chốt, giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải coi phát triển nông nghiệp công nghệ cao là khâu then chốt, giải pháp xuyên suốt, là bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.(Ảnh tư liệu).

Thực ra, khái niệm “nông nghiệp 4.0” hiện vẫn còn nhiều cách giải thích khác nhau. Song bà Nguyễn Thị Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học - công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), cho biết thuật ngữ nông nghiệp 4.0 được sử dụng đầu tiên tại Đức. Nghĩa là thông tin ở dạng số hóa dành cho tất cả các đối tác ở mọi khâu sản xuất, giao dịch, tiêu thụ được truyền, xử lý, phân tích dữ liệu phần lớn tự động qua internet. Theo đó, trước nay thế giới đã trải qua nông nghiệp 1.0 xuất hiện ở đầu thế kỷ 20, vận hành với hệ thống tiêu tốn sức lao động, năng suất thấp. Nông nghiệp 2.0 là cách mạng xanh, bắt đầu vào thập niên 50 thể kỷ 20, khởi đầu là giống lúa mì lùn cải tiến. Nông nghiệp 3.0, từ chỗ nâng cao hiệu quả đến nâng cao lợi nhuận nhờ chủ động và sáng tạo hạ giá thành, nâng cao chất lượng, đưa ra sản phẩm khác biệt (nguồn: trang thông tin điện tử Chính phủ).

Mặc dù vậy, tại Việt Nam mức độ ứng dụng và nhận thức về công nghệ 4.0 trong nông nghiệp còn chưa phổ biến rộng rãi. Không ít những dự án nông nghiệp sử dụng những công nghệ tối tân, các giải pháp về sinh học, nhiệt độ... để cho ra những sản phẩm nông nghiệp chuẩn nhất. Song đa phần, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang “lừng chừng” ở mức thấp về công nghệ, các sản phẩm làm ra chủ yếu vẫn xuất đi các thị trường dễ tính và phẩm chất nông sản không cao. Ngay cả yếu tố cơ bản nhất là tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ, kiểm soát đầu vào đầu ra cũng chưa mấy địa phương tại Việt Nam làm được bởi tập quán sản xuất manh mún nhiều đời. Thông tin tại diễn đàn cho thấy, cả nước đang có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Do đó, tái cơ cấu lại nền nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc để có thể ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nông nghiệp 4.0 tại Việt Nam sẽ có cách làm riêng linh hoạt, không chạy theo phong trào, không nhất thiết phải áp dụng máy móc, tốn kém và thiếu hiệu quả. Nhưng nhìn chung, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này. “Đây là điều tất yếu, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng và Việt Nam không thể “lỡ chuyến tàu” này. Các nước không nói nhiều đến nông nghiệp 4.0 nhưng họ làm thì dữ lắm. Chúng ta bớt nói đi, cần làm nhiều hơn. Sản phẩm cuối cùng của chúng ta là để phục vụ con người, đó là tiêu chí cao nhất. Cần có nền nông nghiệp thông minh, tiếp cận thông minh và khôn ngoan” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như trên trong phần phát biểu của mình tại diễn đàn (nguồn: báo điện tử ZingNews). Theo đó, về chính sách, Chính phủ cũng đang gấp rút sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp, với mục đích có những hành lang thông thoáng, hợp lý hơn về chính sách để rộng đường đầu tư cho một nền nông nghiệp mới mẻ và hiệu quả hơn.

Vi Lâm

Tin xem nhiều