Báo Đồng Nai điện tử
En

"Vườn trái cây trực tuyến" của Út Tiêu

10:08, 02/08/2017

Anh Trần Quốc Phong (ấp Cây Da, xã Bình Lộc, TX.Long Khánh), với nickname "Út Tiêu", là một trong những người tiên phong sử dụng mạng xã hội để quảng bá, phát triển du lịch miệt vườn ở TX.Long Khánh.

Anh Trần Quốc Phong (ấp Cây Da, xã Bình Lộc, TX.Long Khánh), với nickname “Út Tiêu”, là một trong những người tiên phong sử dụng mạng xã hội để quảng bá, phát triển du lịch miệt vườn ở TX.Long Khánh.

Anh Trần Quốc Phong sử dụng mạng xã hội để quảng bá, phát triển du lịch miệt vườn. Ảnh: Hải Quân
Anh Trần Quốc Phong sử dụng mạng xã hội để quảng bá, phát triển du lịch miệt vườn. Ảnh: Hải Quân

Vốn tốt nghiệp ngành công nghệ hóa chất của Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, anh chàng thư sinh này quyết định lập nghiệp trên vườn trái cây gần 1 hécta của gia đình.

“Trong thời gian qua, địa phương đang có phong trào phát triển du lịch miệt vườn. Với lợi thế vườn trái cây sẵn có, tôi đã tham khảo nhiều trang du lịch trực tuyến, đặc biệt là các trang về miệt vườn ở các tỉnh miền Tây rồi quyết định lập ra trang facebook để thông tin giá cả các loại trái cây trên mạng, quảng bá vườn trái cây cho khách vào tham quan” - anh Phong chia sẻ.

Thời gian đầu không có nhiều người biết đến trang facebook “Vườn trái cây Long Khánh Út Tiêu” của mình, anh Phong chủ động kết nối với bạn bè, người thân để quảng bá, xây dựng hình ảnh cho “khu vườn trực tuyến”. Dần dần lượng khách từ TP.Biên Hòa và một số khu vực lân cận, như: TP.Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... biết đến vườn cây Út Tiêu.

Khoảng gần 2 tháng nay, lượng khách khá ổn định, trung bình ngày thường có từ 10-20 khách, cao điểm vào cuối tuần có thể lên tới 100-200 khách mỗi ngày.

Theo anh Phong, vé vào vườn trái cây là 50 ngàn đồng/người, du khách được tự hái trái cây ăn thỏa thích. Nếu ăn không hết mang về, sẽ tính tiền theo giá được niêm yết sẵn trên trang facebook. Vườn có nhiều loại trái cây sạch, không xịt thuốc như: chôm chôm, măng cụt, ổi, cam xoàn, bưởi…, hầu như lúc nào cũng cho trái theo từng vụ nên vườn có thể mở cửa quanh năm.

Du khách có nhu cầu ăn, uống thì sẽ được phục vụ các món ăn gia đình ngay tại vườn. Ngoài ra, tận dụng dòng suối cạn trong khuôn viên vườn, anh Phong còn mở thêm các dịch vụ lội suối bắt chem chép, thuyền hơi di động, các món gà ta nuôi tại vườn nhà…

“Do lợi thế có sẵn nên chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn, khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, để hướng tới phát triển bền vững đòi hỏi vườn phải mở thêm các dịch vụ và tìm hướng kết nối với các miệt vườn khác để tạo mạng lưới phát triển đa dạng. Hơn nữa, con đường dẫn vào tận vườn còn lầy lội, nhân lực hướng dẫn du khách chủ yếu là người thân trong gia đình nên để mở rộng mô hình cần phải có thêm kế hoạch dài hơi hơn nữa” - anh Phong cho biết.

Hải Quân

Tin xem nhiều