Báo Đồng Nai điện tử
En

Cao tốc hướng tâm: Kỳ vọng cho sức bật kinh tế

10:08, 14/08/2017

Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có đợt rà soát đầu tư dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt là đoạn thuộc vùng Đông Nam bộ. Tuyến cao tốc Bắc - Nam được xem là trục đường "xương sống"...

Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có đợt rà soát đầu tư dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt là đoạn thuộc vùng Đông Nam bộ. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, việc ưu tiên ngân sách để đầu tư các dự án giao thông là cần thiết.

Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Trong ảnh: Xe qua trạm thu phí Long Phước trên đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Trong ảnh: Xe qua trạm thu phí Long Phước trên đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam được xem là trục đường “xương sống” của giao thông đường bộ cả nước, vì thế Quốc hội đang tập trung đánh giá kỹ để có phương án đầu tư cho hiệu quả.

* 5 tuyến hướng tâm

Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Lê Đình Thọ cho biết 5 tuyến cao tốc mang tính hướng tâm hỗ trợ cho TP.Hồ Chí Minh phát triển đều đi qua Đồng Nai và nằm trong kế hoạch đầu tư của bộ. Cụ thể, đầu tiên là  tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào sử dụng và thời gian tới sẽ nghiên cứu mở rộng lên 6-8 làn xe. Thứ 2 là tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được triển khai xây dựng, hiện tập trung thi công 2 cầu lớn là Bình Khánh và Phước Khánh. Theo tiến độ thi công, dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2019. Tiếp đến là tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Bộ Giao thông - vận tải cũng đã duyệt dự án thuộc tổ hợp đầu tư theo BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) và vốn vay ODA.

Một trong những dự án cũng được xem là khá quan trọng đối với trục phát triển kinh tế  Đồng Nai - Vũng Tàu là tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự án này bộ đang kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT. “Thủ tục đầu tư cho dự án BOT giải quyết nếu nhanh cũng phải mất 2 năm. Trong điều kiện vốn ngân sách khó khăn thì đầu tư bằng BOT vẫn là phương án lựa chọn. Vừa qua Bộ Giao thông - vận tải có làm một số bài toán kinh tế thấy được đầu tư tại khu vực này hiệu quả hơn hẳn so với nhiều nơi khác” - ông Thọ nói.

Ông Thọ cũng cho biết thêm, riêng tuyến cao tốc thứ 5 có qua địa bàn Đồng Nai là Dầu Giây - Phan Thiết được ưu tiên đầu tư, bởi đây là xương sống của giao thông đường bộ. Theo kế hoạch phát triển,  trục cao tốc Bắc - Nam sẽ tập trung cho 2 đầu là Hà Nội đến Thanh Hóa và TP.Hồ Chí Minh đến Nha Trang.

* Động lực kinh tế

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài gần 100km, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 51km và qua 4 địa phương, gồm: Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc vàLong Khánh. Tuyến cao tốc này thuộc loại A có vận tốc cho phép 120km/giờ; quy mô 6 làn xe, trong giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe. Tổng diện tích đất giải phóng mặt bằng cho dự án hơn 412 hécta với kinh phí trên 860 tỷ đồng. Hiện tại Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh đã cơ bản hoàn tất công tác đo đạc, kiểm đếm kê khai đất và thống kê nhà cửa và tài sản trên đất.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, thành viên đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phân tích Đồng Nai cùng với TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương thuộc tam giác phát triển cao. Tam giác này có một vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế cả nước, đóng góp khoảng 40% trong tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm (trên 460 ngàn tỷ đồng). Do đó, để tam giác này trở thành động lực phát triển mạnh trong tăng trưởng cần phải đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông. “Đồng Nai có một vị trí rất thuận lợi từ đường bộ, đường thủy và sắp tới là đường hàng không. Việc tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông ở đây không phải cho riêng Đồng Nai mà cho cả vùng, có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo động lực phát triển cho toàn vùng” - ông Ngân nói.

Đánh giá mức độ quan trọng trong việc đầu tư các dự án giao thông, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu tàu để kéo nền kinh tế của cả nước với đóng góp 48% GDP và 60% về ngân sách, nên cần được đầu tư để tạo ra những cú hích cho kinh tế khu vực này phát triển mạnh hơn. Ông Thanh cũng cho hay, chuyến khảo sát dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua đoạn Đồng Nai của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để đánh giá ưu tiên ngân sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Vân Nam

Tin xem nhiều