Báo Đồng Nai điện tử
En

Không dễ sở hữu cánh đồng lớn

11:07, 19/07/2017

Tuy chính sách mới về đất đai đã mở đường cho nhà đầu tư tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, nhưng thực tế nhà đầu tư vẫn rất khó tìm được quỹ đất lớn và sạch để đầu tư vào sản xuất...

Đầu tư sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang là hướng đi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy chính sách mới về đất đai đã mở đường cho nhà đầu tư tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, nhưng thực tế nhà đầu tư vẫn rất khó tìm được quỹ đất lớn và sạch để đưa vào sản xuất.

Trang trại sản xuất rau sạch của Tập đoàn Vingroup (huyện Long Thành). Ảnh: TL
Trang trại sản xuất rau sạch của Tập đoàn Vingroup (huyện Long Thành). Ảnh: TL

Đồng Nai đã thực hiện quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung và cả vùng chuyên canh cây trồng, nhưng quy hoạch này vẫn chưa sát với nhu cầu thực tế nên đang diễn ra tình trạng các vùng quy hoạch tập trung vẫn bỏ đất trống trong khi nhà đầu tư kiếm không ra quỹ đất phù hợp.

* Khan quỹ đất “sạch”

Theo nhiều nhà đầu tư, Đồng Nai có nhiều lợi thế để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn, như: vị trí địa lý thuận tiện, đường sá giao thông thuận lợi, khí hậu ôn hòa... Nhưng không ít nhà đầu tư đành bỏ cuộc vì khó tìm được quỹ đất sạch. Đất sạch ở đây bao gồm ở cả 2 khía cạnh: đất trống không vướng đền bù, giải tỏa và đất đủ tiêu chuẩn an toàn để sản xuất nông nghiệp sạch.

Ông Trần Cầu, chủ trang trại xoài tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu), đã đầu tư trang trại trên 22 hécta trồng giống xoài có nguồn gốc từ Florida (Mỹ), lai ghép với giống địa phương. Giống xoài này có nhiều ưu thế, như: năng suất cao, sinh trưởng khỏe, vị ngọt thanh, mùi thơm và đặc biệt là không bị giập khi chín nên được thị trường xuất khẩu ưa chuộng.

Khi ông đưa xoài tham gia các đợt lễ hội trái cây Nam bộ ở Khu du lịch Suối Tiên (TP.Hồ Chí Minh), rất nhiều khách hàng đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu. Địa phương rất quan tâm kêu gọi và tạo điều kiện để ông thực hiện cánh đồng mẫu lớn cho trái xoài này với diện tích khoảng 150 hécta. Dự án được triển khai từ cuối năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa đi vào thực tế do thiếu quỹ đất sạch.

Ông Cầu cho biết: “Trang trại tôi đang làm trước đây cũng thuộc dự án cánh đồng lớn cho cây xoài xuất khẩu với quy mô khoảng 200 hécta. Tôi đã tìm được nhà đầu tư nước ngoài hợp tác và cam kết bao tiêu sản phẩm xuất khẩu. Nhưng vì không tìm được quỹ đất phù hợp nên tôi đành thu hẹp lại chỉ còn hơn 20 hécta".

Cũng theo ông Cầu, hiện địa phương đã tạo điều kiện làm dự án mới để đảm bảo sản lượng lớn cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Dù địa phương hỗ trợ rất nhiều, có quỹ đất phù hợp với yêu cầu nhưng ông vẫn khó triển khai vì vốn bồi thường để thu hồi đất quá lớn.  

Ở góc cạnh khác của yêu cầu đất “sạch”, ông Trần Quang Tính, Giám đốc Công ty TNHH thương mại trang trại Việt (TP.Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phân gia cầm, đang đầu tư trang trại trồng rau sạch tại huyện Xuân Lộc cho biết, nhà đầu tư hiện rất khó tìm được quỹ đất đạt yêu cầu để làm nông nghiệp sạch.

"Đa số nguồn đất đều bị ô nhiễm do một thời gian dài bị “đầu độc” vì việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải chăn nuôi. Toàn bộ diện tích đất rộng 10 hécta trồng rau sạch trong nhà màng của tôi đều phải cải tạo lại bằng cách trộn cát trắng và phân hữu cơ vi sinh để có nguồn đất sạch trồng rau đạt chuẩn xuất khẩu. ..” - ông Tính chia sẻ.

* Vừa thừa vừa thiếu

Sản xuất nông nghiệp hướng đến xuất khẩu phải đạt yêu cầu hình thành được các vùng chuyên canh lớn, đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng. Đây là vấn đề được Đồng Nai quan tâm và triển khai thực hiện từ sớm.

Cụ thể, từ năm 2008, tỉnh đã quy hoạch các vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung để quản lý tốt vấn đề môi trường và kiểm soát về dịch bệnh. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh có 139 vùng chăn nuôi tập trung thuộc 8 huyện, TX.Long Khánh với tổng diện tích trên 15.674 hécta.

Thực tế, đến nay nhiều vùng chăn nuôi tập trung đang bỏ trống trong khi nhà đầu tư không kiếm được quỹ đất xây trang trại quy mô lớn. Ông Trần Quang Tính cho biết, đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi khép kín như hiện nay, nhà đầu tư cần quỹ đất lớn với quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm hécta.

"Tôi đã bỏ công khảo sát rất nhiều vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung ở các huyện nhưng không thể tìm được nơi phù hợp”. Theo đó, ông Tính cần quỹ đất lớn chưa có trại chăn nuôi nào nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nhưng nhiều vùng chăn nuôi tập trung tuy diện tích đất trống nhiều nhưng đều có các trang trại xen lẫn theo kiểu “da beo” - ông Tính nói.

Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (huyện Tân Phú) cũng là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong của Đồng Nai thực hiện dự án cánh đồng lớn cho cây lúa, cây chuối cấy mô cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm quỹ đất lớn trồng các loại cây rau, cây gia vị cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận, nhận định: “Chính sách có rất nhiều ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư cánh đồng lớn, nhưng chủ yếu vẫn nằm trên giấy. Doanh nghiệp rất mong sớm được hưởng những ưu đãi về giá thuê đất, hỗ trợ về thủ tục đăng ký dự án cánh đồng lớn, thủ tục chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp, vốn đầu tư... để yên tâm xây dựng cánh đồng lớn”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều