Báo Đồng Nai điện tử
En

Giãn nợ cho người nuôi heo

11:07, 10/07/2017

Để hỗ trợ người chăn nuôi heo vượt qua khó khăn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để phục hồi sản xuất.

Để hỗ trợ người chăn nuôi heo vượt qua khó khăn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới để phục hồi sản xuất. Đến nay đã có 620 khách hàng trong tỉnh được hỗ trợ.

Tổng đàn heo của các xã viên trong Hợp tác xã chăn nuôi - môi trường Gia Tân 2 (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) đã giảm hơn một nửa.
Tổng đàn heo của các xã viên trong Hợp tác xã chăn nuôi - môi trường Gia Tân 2 (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất) đã giảm hơn một nửa.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo hơn 1,6 triệu con, lớn nhất cả nước. Giá heo hơi chạm đáy trong hơn 8 tháng liền đã khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đành phải giảm đàn để bớt lỗ. Do đó, nhu cầu vay vốn mới để đầu tư cho chăn nuôi heo cũng giảm.

Giảm lãi vay gần 30 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, dư nợ cho vay nuôi heo trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 6-2017 là hơn 2,2 ngàn tỷ đồng, giảm gần 80 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Trong đó, vốn vay ngắn hạn là hơn 1,3 ngàn tỷ đồng, vốn cho vay trung, dài hạn là gần 900 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng trong tỉnh đã miễn, giảm lãi vay gần 30 tỷ đồng cho các khách hàng chăn nuôi heo. Doanh số cho vay mới từ khi có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai (ngày 10-5-2017) là gần 178 tỷ đồng.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các ngân hàng yêu cầu gỡ khó cho những hộ chăn nuôi heo đang vay vốn bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; đồng thời cho vay mới để phục hồi sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi”. Do đó, các ngân hàng thương mại có thể căn cứ vào khả năng tài chính của mình thực hiện các biện pháp hỗ trợ như: miễn giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau.

Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn (Agribank)  chi nhánh Đồng Nai là đơn vị cho vay chăn nuôi heo lớn nhất tỉnh, chiếm hơn 60% trong dư nợ cho vay. Ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank chi nhánh Đồng Nai, cho hay: “Chăn nuôi heo gặp khó khăn, nhiều ngân hàng giảm cho vay lĩnh vực này nhưng Agribank chi nhánh Đồng Nai vẫn tăng dư nợ cho vay khoảng 40 tỷ đồng so với cuối năm 2016. Bên cạnh đó, cho vay nuôi heo tiếp tục có lãi suất ưu đãi là 6-7%/năm với vay ngắn hạn và 8,5-9% với vốn vay trung, dài hạn”.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Trinh khách hàng nuôi heo có nhu cầu về gia hạn vốn vay hoặc vay mới nếu đủ điều kiện sẽ tiếp tục được cho vay. Hiện dư nợ cho khách hàng chăn nuôi heo trong tỉnh vay là gần 1.370 tỷ đồng.

“Ngại” vay vốn mới

Nhiều hộ chăn nuôi cho biết hiện nhiều ngân hàng đã siết lại vốn vay với nuôi heo, gà, cá vì thấy thị trường của những mặt hàng trên tiếp tục mờ mịt, chưa có dấu hiệu phục hồi sau nhiều tháng chạm đáy. Phía người nuôi heo trong tỉnh cũng hạn chế vay vốn mới để tái đàn, vì với giá cả hiện tại cứ 1 con heo thịt xuất chuồng sẽ lỗ 1,2-1,5 triệu đồng.

“Nhiều ngân hàng đã hạn chế cho vay với lĩnh vực nuôi heo vì thấy tình hình kém sáng sủa. Còn các trang trại chăn nuôi cũng hạn chế vay vốn, bởi tình hình hiện tại càng đổ vốn vào chăn nuôi càng mất nhiều. Vì thế, người chăn nuôi đang cắt lỗ bằng cách giảm đàn” - ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói.

Ông Lương Quốc Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác xã GAP 2, chuyên nuôi heo ở ấp Thọ Phước (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc), chia sẻ: “Các thành viên trong tổ hợp tác đều hạn chế vay vốn mới, bởi với giá heo như hiện tại người nuôi nếu đổ vốn vào chỉ có mất đi”.

Vấn đề nhiều người nuôi heo gặp khó cần tháo gỡ là vốn vay các ngân hàng đến thời điểm đáo hạn buộc phải có trả đủ số tiền vay, sau đó 2-3 ngày mới được vay lại. Việc này khiến những hộ chăn nuôi đang vay vốn ngân hàng đến thời điểm đáo hạn buộc phải vay “nóng” bên ngoài để trả nợ và vay lại.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi - môi trường Gia Tân 2 (ở xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất), cho hay: “Các xã viên trong hợp tác xã đang vay ngân hàng khoảng 7 tỷ đồng, lãi suất trung, dài hạn 10,5%/năm. Với tình hình ngành nuôi heo đang thua lỗ lớn như hiện tại thì mức lãi suất trên là khá cao, các xã viên đều mong phía ngân hàng hạ bớt lãi suất cho vay”.

Để bớt lỗ, các xã viên trong hợp tác xã đều hạn chế vay vốn mới để tiếp tục đầu tư. Giải pháp cắt lỗ là giảm đàn heo nái, heo thịt nên tổng đàn của hợp tác xã đầu năm 2017 là 14 ngàn con, hiện giảm chỉ còn 6 ngàn con.

Hương Giang

Tin xem nhiều