Báo Đồng Nai điện tử
En

Cửa hàng thực phẩm sạch: "Cuộc chơi" tốn kém

11:07, 28/07/2017

Khoảng vài năm gần đây, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp bán thực phẩm sạch mở cửa hàng liên tục tại TP.Biên Hòa nhằm "đánh" vào tâm lý người tiêu dùng đô thị có thu nhập khá nhưng sợ thực phẩm bẩn.

Khoảng vài năm gần đây, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp bán thực phẩm sạch mở cửa hàng liên tục tại TP.Biên Hòa nhằm “đánh” vào tâm lý người tiêu dùng đô thị có thu nhập khá nhưng sợ thực phẩm bẩn.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm nông sản sạch tại cửa hàng Nam Châu Sơn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Nam
Khách hàng lựa chọn sản phẩm nông sản sạch tại cửa hàng Nam Châu Sơn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: V.Nam

Một số cửa hàng ban đầu cũng thu hút khách đến mua khá đông.

Tuy nhiên, khá nhiều cửa hàng trong số đó cũng lặng lẽ rời cuộc chơi vì không kham nổi chi phí mặt bằng, nhân viên, lãi suất…

* Nhắm đến người tiêu dùng đô thị

Theo bà Nguyễn Thị Châu Loan, chi phí đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh nông sản sạch khá cao. Giai đoạn đầu, cửa hàng chủ yếu hoạt động chưa có lợi nhuận để đầu tư hệ thống cung ứng, bảo quản, đội ngũ nhân sự… và giữ mức giá phù hợp nhất có thể để thu hút và tạo niềm tin với người tiêu dùng. Chính vì vậy, khả năng “chịu lỗ” được bao lâu và thu hút, giữ chân khách hàng đến mức nào để chờ đến khi cửa hàng có lãi, là một bài toán vô cùng khó đối với các chủ cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này.

Vừa khai trương tòa nhà 3 tầng chuyên bán thực phẩm sạch, từ trái cây, rau, củ đến các loại thịt nhập khẩu trên đường Hà Huy Giáp (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), cửa hàng Nam Châu Sơn dự kiến phát triển khoảng 700 mặt hàng thực phẩm sạch các loại. Các sản phẩm này được bày bán tại cửa hàng có nguồn gốc rõ ràng từ những trang trại sản xuất theo mô hình GAP ở các tỉnh: Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Trần Thị Châu Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Nam Châu Sơn kiêm Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, cho biết nguồn cung ứng sản phẩm của cửa hàng đến từ một số hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tập trung của Đồng Nai và một số tỉnh lân cận, như: bưởi Tân Triều, xoài Phú Lý, sầu riêng, ổi, măng cụt Long Khánh,…

Cửa hàng phối hợp với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ nông dân quy trình kỹ thuật sản xuất nông sản theo chuẩn VietGAP, đồng thời giới thiệu nguồn cung cấp phân hữu cơ đạt chuẩn với giá cả hợp lý cho nông dân. Cửa hàng hướng tới làm cầu nối giữa người nông dân và người tiêu dùng, giữ mức giá phù hợp để người tiêu dùng tiếp cận với các sản phẩm nông sản sạch, đảm bảo chất lượng. Hơn thế nữa, cửa hàng cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm, hạn chế tối đa rủi ro về thị trường cho nông dân nếu như nông sản được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn mà cửa hàng đặt ra.

Tương tự, đầu tư quy mô khá lớn là cửa hàng thực phẩm sạch của Hợp tác xã Trường An (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa), nổi bật với chính sách “thuê bao rau sạch hàng tháng” cho các hộ gia đình khu vực Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương… Trường An Food có vùng nguyên liệu riêng, đồng thời liên kết chặt chẽ với các vùng sản xuất rau an toàn đạt chuẩn và cung ứng ra thị trường với lượng khách hàng khá lớn.

Ở quy mô nhỏ hơn, các cửa hàng rau sạch, thực phẩm sạch trong nước hoặc nhập khẩu… gần đây cũng liên tục mở ra. Các cửa hàng này hầu hết đi theo cả 2 hướng kinh doanh: trực tuyến và trực tiếp. Các chủ cửa hàng mở một tài khoản trên mạng xã hội để giới thiệu hàng, nhận đơn hàng, đồng thời mở cửa hàng để khách mua đến chọn trực tiếp.

* Bán sản phẩm sạch không dễ

Mặc dù nhiều người tham gia kinh doanh, nhưng khi được hỏi, hầu hết các chủ doanh nghiệp hoặc cửa hàng thực phẩm sạch đều có chung nhận xét rằng đây là một “cuộc chơi” đầy tốn kém và khó duy trì nếu không có nguồn khách hàng ổn định. “Khó khăn lớn nhất là xây dựng được niềm tin về thực phẩm sạch với người tiêu dùng. Do đó, cửa hàng đang từng bước làm chắc từng sản phẩm, chỉ khi nào thực sự biết rõ nguồn gốc, quy trình kiểm định mới đưa sản phẩm lên kệ bày bán. Hiện tại nguồn sản phẩm tại chưa đa dạng, phải mất từ 3-6 tháng để hoàn thiện các thủ tục, đảm bảo nguồn cung ứng ổn định” - bà Châu Loan nhấn mạnh.

Khác với một sạp thực phẩm ngoài chợ, những người bán thực phẩm sạch buộc phải đầu tư đầy đủ các yếu tố: kho lạnh, nhãn mác, đồng phục, nhân viên, bao bì, hậu mãi, khuyến mãi, chính sách đổi trả, giao hàng…Các nguồn hàng cũng phải có kiểm soát đầy đủ về độ an toàn, nhãn mác, nguồn gốc… chính vì vậy chi phí đội lên rất nhiều. Trong khi đó, mặc dù nhắm đến người tiêu dùng có thu nhập cao, song nhiều nơi cũng không kham nổi chi phí.

Khi phóng viên Báo Đồng Nai đến địa chỉ của một số cửa hàng kinh doanh rau củ sạch tại TP.Biên Hòa theo những thông tin quảng cáo trên các website, mạng xã hội thì các cửa hàng này đóng cửa, không có bảng hiệu hoặc mặt bằng được người khác thuê lại để kinh doanh mặt hàng khác. Liên hệ với các cửa hàng nói trên, phóng viên đều nhận được câu trả lời là “tạm ngưng cung cấp hàng” hoặc “đang hoàn thiện hệ thống”.

Anh Việt, đại diện cửa hàng rau quả sạch Dalat Stores (trước đây nằm ở đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa) cho biết cửa hàng đã tạm thời đóng cửa khoảng vài tháng nay vì chi phí mặt bằng quá cao, trong khi lợi nhuận từ việc kinh doanh rau sạch nhập trực tiếp từ Đà Lạt về không đáp ứng như dự kiến nên cửa hàng đành trả lại mặt bằng, chưa rõ khi nào sẽ kinh doanh trở lại.

Tương tự, đại diện của cửa hàng thực phẩm sạch GO.Foods trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.Biên Hòa) cũng cho biết hiện cửa hàng tạm ngưng cung cấp các sản phẩm như quảng cáo trên website của cửa hàng. Cửa hàng NHF trước đây tọa lạc tại khu vực đường Phan Đình Phùng, nay cũng đã đóng cửa sau vài tháng cầm cự trang trải chi phí, chuyển hẳn sang bán online.

Vi Lâm - Hoàng Hải

Tin xem nhiều