Báo Đồng Nai điện tử
En

Cát cạn nguồn, xây dựng gặp khó

10:07, 17/07/2017

Do các địa phương trong cả nước siết chặt việc khai thác cát lậu, giá cát xây dựng trong mấy tháng gần đây đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2017, tạo áp lực lớn cho ngành xây dựng.

Do các địa phương trong cả nước siết chặt việc khai thác cát lậu, giá cát xây dựng trong mấy tháng gần đây đã tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm 2017, tạo áp lực lớn cho ngành xây dựng.

Cung cấp đá để xay cát nhân tạo tại Công ty cổ phần Hóa An (xã Hóa An, TPBiên Hòa).
Cung cấp đá để xay cát nhân tạo tại Công ty cổ phần Hóa An (xã Hóa An, TPBiên Hòa).

Giới xây dựng cho rằng về lâu dài, các nhà quản lý cần phải tính toán lại việc quản lý khai thác cát, cũng như đi tìm hướng mới để thay thế.

* Khai thác chính thống cũng tạm ngưng

Tại Đồng Nai có 13 dự án nạo vét luồng trên các sông và tận thu khoáng sản, trong đó  Bộ Giao thông - vận tải chấp thuận chủ trương 7 dự án và UBND tỉnh chấp thuận chủ trương 6 dự án. Hiện nay, tất cả các dự án đều ngưng hoạt động.

Mới đây, UBND tỉnh đã cho rà soát lại tình hình khai thác cát trên địa bàn tỉnh, đánh giá lại toàn bộ trữ lượng và năng lực khai thác cát của các đơn vị được cấp phép.

Tính đến nay, UBND tỉnh đã cấp 6 giấy phép khai thác cát xây dựng với diện tích 325 hécta, trữ lượng đã cấp phép theo thời hạn là 6 triệu m3. Cụ thể, các mỏ cát xây dựng được cấp phép là trên sông Đồng Nai thuộc huyện Tân Phú (khu vực này giáp ranh với khu vực văn phòng của Vườn quốc gia Cát Tiên) có trữ lượng trên 1,1 triệu m3 do Hợp tác xã xây dựng và công nghiệp Phú Thịnh khai thác, được cấp phép đến cuối năm 2031 và hiện đang hoạt động bình thường.

Trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) và xã Đắc Lua (huyện Tân Phú) là mỏ cát có trữ lượng hơn 900 ngàn m3, được cấp phép cho Công ty cổ phần công trình giao thông Đồng Nai khai thác đến năm 2025, hiện đang tạm ngưng khai thác.

Cũng trên sông Đồng Nai, đoạn thuộc huyện Định Quán và huyện Tân Phú, một mỏ cát nhỏ có trữ lượng hơn 370 ngàn m3 được cấp phép cho Công ty TNHH một thành viên Đồng Tân khai thác đến giữa năm 2019, hiện mỏ cát này được điều chỉnh sản lượng khai thác từ 49 ngàn m3/năm, xuống còn 25 ngàn m3/năm để tránh sạt lở.

Tại khu vực lòng hồ Trị An có 2 mỏ cát Trị An 1 và Trị An 2 với trữ lượng hơn 2,2 triệu m3 đang được Công ty TNHH một thành viên Đồng Tân khai thác. Theo giấy phép, mỏ cát Trị An 1 được khai thác đến giữa năm 2026 và Trị An 2 được khai thác đến giữa năm 2021. Mỏ cát trên sông Đạ Huoai (đoạn giáp ranh huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng và xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú) cũng được cấp phép cho Hợp tác xã công nghiệp Phú Xuân khai thác có trữ lượng hơn 200 ngàn m3. Hiện mỏ cát này đơn vị chưa đi vào khai thác. Tuy nhiên tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã có văn bản tạm ngưng khai thác mỏ cát này.

* Bài toán lâu dài

Theo thống kê, nhu cầu sử dụng cát xây dựng trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến 2020 cần khoảng 8 triệu m3, bình quân là 2 triệu m3/năm. Tuy nhiên theo Sở Tài nguyên - môi trường, tổng sản lượng khai thác theo giấy phép đến năm 2020 là 2,4 triệu m3 (khoảng 600 ngàn m3/năm), nhưng sản lượng khai thác thực tế đạt khoảng 500 ngàn m3/năm.

Như vậy, sản lượng cát khai thác chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu sử dụng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết UBND tỉnh sẽ giao Sở Tài nguyên - môi trường nghiên cứu thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ cát có tiềm năng và tổ chức đấu giá quyền khai thác. Bên cạnh đó, sẽ giao Sở Xây dựng nghiên cứu công nghệ tạo cát công nghiệp (cát nhân tạo) để đề xuất nguồn vật liệu thay thế nguồn cát trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho hay hiện nay cát nhân tạo được sản xuất chưa nhiều và Bộ Xây dựng đến nay cũng chưa có quy định đưa cát nhân tạo vào công trình xây dựng bằng vốn ngân sách. “Về lâu dài cũng phải theo hướng sử dụng cát nhân tạo, hiện tại loại cát này được sản xuất rất ít. Điều cần thiết trước mắt là quản lý khai thác cát như thế nào để đáp ứng nhu cầu xây dựng hiện nay” - ông Lâm nói.

Theo kiến trúc sư Vũ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng Nam Kiến (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), việc sử dụng cát nhân tạo cũng không phải một sớm một chiều thực hiện ngay được, phải mất một thời gian dài để người dân làm quen. Vấn đề này cũng giống như gạch không nung được khuyến khích sử dụng từ khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa phổ biến rộng rãi được do thói quen.

Để giảm bớt “nhiệt” cho thị trường xây dựng, mới đây Bộ Xây dựng đã có đề xuất cho nhập khẩu cát từ Campuchia. Theo yêu cầu của bộ, cát xây dựng khi nhập khẩu phải đáp ứng chất lượng cát xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam. 

Vân Nam

Tin xem nhiều