Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường: Vẫn lề mề chuyện di dời

10:06, 18/06/2017

Để bảo vệ môi trường và đảm bảo quy hoạch xây dựng đô thị, từ năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách di dời 308 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nặng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn  57 cơ sở chưa chịu di dời.

Để bảo vệ môi trường và đảm bảo quy hoạch xây dựng đô thị, năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách di dời 308 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nặng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn  57 cơ sở đã quá hạn từ lâu mà vẫn chưa chịu di dời.

Những cơ sở sản xuất gốm ở phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) nằm trong danh sách phải di dời ngay đợt 1.
Những cơ sở sản xuất gốm ở phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) nằm trong danh sách phải di dời ngay đợt 1.

Theo UBND tỉnh, việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp với quy hoạch được chia làm 2 đợt, đợt 1 gồm 185 cơ sở, đợt 2 là 123 cơ sở.

* 57 cơ sở vẫn chây ỳ

Theo lãnh đạo của các sở, ngành, địa phương tỉnh nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn vay ưu đãi, hỗ trợ di dời, hỗ trợ nơi chuyển đến để việc di dời nhanh hơn. Thế nhưng, việc này làm không khéo sẽ dẫn đến bất hợp lý là những cơ sở chấp hành đúng thì phải chịu thiệt thòi vì không nhận được hỗ trợ, còn những cơ sở “chây ỳ” lại nhận được hỗ trợ vào phút cuối.

Lộ trình ban đầu mà UBND tỉnh đưa ra để các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch xây dựng phải di dời là cuối năm 2014. Sau đó, do vướng về nơi đến, thiếu vốn đầu tư cơ sở mới... nên tỉnh đã gia hạn thêm 1 năm. 

Đến thời hạn di dời là cuối năm 2015, có 92 cơ sở đã ngưng hoạt động, 122 cơ sở được UBND tỉnh gia hạn tiếp đến cuối năm 2017, 7 cơ sở gia hạn đến cuối năm 2018 và 2019.

Thế nhưng theo đánh giá của các địa phương thì trong 122 cơ sở phải di dời vào cuối năm nay sẽ rất ít cơ sở thực hiện được.

Theo đó, trừ những cơ sở đã ngưng hoạt động thì còn 57 cơ sở đã quá thời hạn di dời khá lâu mà vẫn dây dưa chưa chuyển đi. Lý do các doanh nghiệp đưa ra là chưa tìm được nơi đến, có nơi đến nhưng tiền thuê hoặc mua đất quá cao, không đủ khả năng đầu tư nhà xưởng mới để hoạt động...

Theo một số cán bộ địa phương, có những cơ sở hoạt động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng nhiều năm không chịu di dời, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước mặt, nước ngầm, đất khu vực xung quanh, có thể để lại hậu quả rất khó khắc phục về môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho hay: “Việc vừa đảm bảo hoạt động sản xuất tại vị trí cũ mà vẫn bố trí được vốn để đầu tư xây dựng nhà xưởng tại vị trí mới là một thách thức lớn với doanh nghiệp phải di dời. Thế nhưng, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn chấp hành đúng quy định để bảo vệ môi trường, song có một doanh nghiệp vẫn lừng chừng không chấp hành”.

Đặc biệt, hiện tại nhiều cơ sở sản xuất gốm tại TP.Biên Hòa dù tỉnh đã quy hoạch Cụm công nghiệp Tân Hạnh tại xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) để di dời vào, nhưng đến nay nhiều cơ sở đã quá hạn di dời từ lâu vẫn chưa thực hiện.

“Trong 32 cơ sở gốm  phải di dời từ cuối năm 2015 thì 29 cơ sở đã được cho thuê đất trong cụm công nghiệp, nhưng hiện mới có 12 cơ sở đang xây dựng nhà xưởng” - Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương cho biết. Đến nay, dù đã quá hạn di dời 1,5 năm nhưng những cơ sở sản xuất gốm đen vẫn chưa tìm được công nghệ xử lý khói bụi đảm bảo môi trường để đầu tư vào cụm công nghiệp.

* Khó di dời đúng quy định?

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, ngoài 57 cơ sở đã quá hạn chưa chịu di dời, hiện vẫn còn 122 cơ sở chỉ còn hơn 6 tháng nữa hết thời hạn di dời nhưng vẫn chưa có kế hoạch chuyển đến nơi mới.

“Lần này tỉnh sẽ không nhân nhượng tiếp cho những cơ sở gây ô nhiễm đã quá hạn hoặc đến hạn mà không di dời. Đồng Nai sẽ không đánh đổi môi trường bằng bất cứ giá nào, do đó ngoài xử phạt hành chính thật nặng những cơ sở không chấp hành, tỉnh sẽ buộc ngưng hoạt động” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh.

Ông Trần Mộng Thành, Phó chủ tịch UBND TX.Long Khánh, nói: “Thị xã có gần 10 cơ sở phải di dời vào cuối năm 2017 nhưng đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch để thực hiện theo đúng lộ trình. Nếu đến thời điểm di dời, doanh nghiệp vẫn không chấp hành sẽ phạt hành chính và buộc phải di dời”.

Thời gian gần đây, một số địa phương như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất đã dấy lên tình trạng người dân bức xúc vì các trang trại xả thải ra sông, suối làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nguồn nước tưới của hàng ngàn hécta cây trồng và vật nuôi khác.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phan Minh Báu nói: “Trong tỉnh mới phát sinh hơn 100 trang trại nằm ngoài vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi vẫn chưa chịu di dời. Sở đã đề nghị các địa phương kiểm tra lại những trang trại nằm ngoài vùng quy hoạch, nếu gây ô nhiễm thì buộc di dời ngay, còn không gây ô nhiễm thì cho lộ trình di dời. Đồng thời, các huyện, thị xã cần căn cứ vào quy hoạch để giới thiệu địa điểm đầu tư cho phù hợp”.

Khánh Minh

Tin xem nhiều