Báo Đồng Nai điện tử
En

Tỉnh táo với "cơn sốt" đất

10:05, 22/05/2017

Từ cuối năm 2016 đến nay, "cơn sốt" đất nền ở các khu vực Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá đất nông nghiệp ở những khu vực gần đường giao thông mới làm cũng tăng vùn vụt.

Từ cuối năm 2016 đến nay, “cơn sốt” đất nền ở các khu vực Biên Hòa, Long Thành, Trảng Bom vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giá đất nông nghiệp ở những khu vực gần đường giao thông mới làm cũng tăng vùn vụt.

Dự án khu dân cư Thống Nhất, chủ đầu tư làm nhà liên kế bán chỉ trong 1 tuần là hết sản phẩm. Khu vực này nhà đầu tư thứ cấp rao bán lại sau khi đẩy giá tăng gần gấp 2 lần.
Dự án khu dân cư Thống Nhất, chủ đầu tư làm nhà liên kế bán chỉ trong 1 tuần là hết sản phẩm. Khu vực này nhà đầu tư thứ cấp rao bán lại sau khi đẩy giá tăng gần gấp 2 lần.

Làn sóng đầu tư đất nền ở những xã, phường thuộc TP.Biên Hòa vẫn đang khá nóng. Đất nền dự án, đất tự phân lô bán nền được rất nhiều người tìm mua. Theo đó, giá đất cũng tăng nhanh, trong đó “nóng” nhất là đất ở khu vực các xã, phường: Hiệp Hòa, Tam Phước, Phước Tân, Trảng Dài, Bửu Long,... giá tăng từ 30-40% so với dịp đầu năm 2016.

* Lướt sóng đất nền

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, cho vay ở lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay tăng trên 20%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, khẳng định lĩnh vực bất động sản vẫn nằm trong nội dung hạn chế cho vay vì rủi ro cao. Khách hàng vay vốn lĩnh vực này phần lớn là cá nhân và đều có tài sản thế chấp để đảm bảo an toàn. Nguồn vốn của tỉnh vẫn tập trung cho vay sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập khẩu.

Tại những khu vực gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành, huyện Nhơn Trạch giá đất nền tăng 30%. Đất nông nghiệp, khu vực nào càng gần đường giao thông lớn càng đắt đỏ, khoảng 9-15 tỷ đồng/hécta.

Khảo sát nhiều nơi đang “sốt” đất tại TP.Biên Hòa, cho thấy chỉ tại phường Trảng Dài là người dân mua đất để ở nhiều, còn lại chủ yếu đầu cơ. Giá đất ở đây so với các xã, phường khác của thành phố là “mềm” nhất, khoảng 300-500 triệu đồng/nền (90-100m2). Các khu vực khác, như: Hiệp Hòa, Bửu Long, Hóa An, Bửu Hòa... thì phần lớn là mua đầu tư, đợi giá tăng rồi bán. Do đó, có những dự án đất nền, nhà ở liên kế mua đi bán lại nhiều lần nhưng rất ít người đến sinh sống. Chẳng hạn, dự án khu dân cư phường Thống Nhất ngay tuần đầu chào bán, sản phẩm đã được mua hết (khoảng 2,4 - 2,6 tỷ đồng/căn), sau đó các nhà đầu tư thứ cấp “thổi” giá lên 4 - 4,5 tỷ đồng/căn. Dù đã được mua hết nhưng khu vực này mới chỉ có lác đác vài hộ tới sinh sống.

Hay như khu dân cư Bửu Long (gần Trường song ngữ Lạc Hồng, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) được chủ đầu tư xây thô sẵn nhà liên kế cũng đã được mua hết từ lâu. Số lượng người đến ở rất ít, chủ yếu mua đi bán lại kiếm lời nên khu vực này vẫn khá vắng vẻ, dù cách trung tâm thành phố chừng 1,5-2km. “Những khu dân cư trên là mơ ước của nhiều gia đình vì được làm khá đẹp, đi lại thuận lợi, song chỉ những gia đình khá giả mới đủ khả năng mua để ở. Những gia đình có thu nhập trung bình, có nhu cầu ở thật sự thì không đủ tiền để mua” - ông Trần Văn Minh, người dân ở phường Bửu Long, nói.

Dự án khu dân cư Phúc Hiếu (ở xã Hiệp Hòa, gần chân cầu Bửu Hòa) được mua đi bán lại với giá 1,2 - 1,3 tỷ đồng/nền khoảng 80m2 và đây là dự án đang được nhiều nhà đầu tư lùng mua vì gần cầu An Hảo mới làm xong. Đất nền nằm sát theo quốc lộ 51 ở các xã, như: Phước Tân, Tam Phước (TP.Biên Hòa), Tam An, An Phước, Long An, Lộc An (huyện Long Thành) được “săn” mua. Những quán cà phê dọc tuyến đường này xuất hiện nhan nhản “cò” đất, những tờ quảng cáo bán đất dán khắp nơi. Đất dự án có đường lớn và hạ tầng đầy đủ giá cao gấp 1,5 lần so với đất người dân tự phân lô bán nền.

Chị Nguyễn Thị Hà (phường An Bình, TP.Biên Hòa) cho hay: “Dịp đầu năm 2017, tôi mua được 2 lô đất nền ở xã Tam Phước giá 240 triệu đồng/nền, chỉ 2 tháng sau có người hỏi mua lại và bán được 280 triệu đồng/nền. Bán xong rồi tôi thấy tiếc vì hiện giá lên đến 300-320 triệu đồng/lô”. Tại huyện Nhơn Trạch, địa bàn xã Phú Hữu, Đại Phước, Long Thọ, Phước An, Long Tân...đất nền cũng được nhiều nhà đầu tư thứ cấp săn mua nên việc mua bán khá nhộn nhịp.

Theo Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Biên Hòa, chỉ riêng hơn 4 tháng đầu năm đã nhận được hơn 15,5 ngàn hồ sơ về đất đai, tăng gần 6 ngàn hồ sơ đất đai so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ việc chuyển nhượng đất đai ở Biên Hòa đang khá “nóng”.

* “Săn” cả đất nông nghiệp

Đất nông nghiệp ở một số khu vực thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Cẩm Mỹ cũng được đẩy lên khá cao do nhu cầu mua bán nhiều. Ông Võ Hữu Thời (xã Lộc An, huyện Long Thành) cho biết: “Đất của tôi nằm sâu bên trong nhưng mới chuyển nhượng gần 1 tỷ đồng/sào (1 ngàn m2), còn những khu vực gần đường lớn, thuận tiện đi lại giá trên 1 tỷ đồng/sào”. Ở các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, những khu gần Biên Hòa, khu công nghiệp đất nông nghiệp được bán với giá từ 1,2-2,4 tỷ đồng/sào. Qua tìm hiểu, những người bỏ tiền tỷ ra mua đất nông nghiệp hầu hết không phải để sản xuất mà để giá tăng sẽ bán ra kiếm lời hoặc phân lô bán nền bằng giấy tay. Nhiều người lao động không đủ khả năng mua đất nền các khu dân cư đã “liều” mua đất phân lô bán nền giấy tay vì giá chỉ bằng 50%.

Tại huyện Cẩm Mỹ, những khu vực gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành giá đất cũng tăng 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá đất khu vực xã Sông Nhạn, Thừa Đức khoảng 80-140 triệu đồng/sào. Các xã khác giá đất cũng tăng cao ở những khu gần đường giao thông lớn mới mở. “Trước đây, đất Xuân Đông gần đường lớn, ô tô đi lại được chỉ dao động ở mức 40-60 triệu đồng/sào, song hơn nửa năm nay đã tăng lên 70-100 triệu đồng/sào” - ông Nguyễn Văn Thắng, người dân xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ), cho biết. Gần đây, xu hướng của một số người có tiền là hay về khu vực Cẩm Mỹ mua đất từ 1-6 hécta để làm nhà vườn, do đó đẩy giá đất tăng cao.

Hương Giang

Tin xem nhiều