Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp cần học cách vượt qua sóng gió

10:04, 14/04/2017

Nhiều năm làm công tác nghiên cứu, tư vấn doanh nghiệp, PGS. TS Trần Đình Thiên được coi là người rất am hiểu nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, tái cơ cấu nền kinh tế ở Việt Nam đang thực hiện rất chậm và nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ trong nước đang yếu thế.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nhiều năm làm công tác nghiên cứu, tư vấn doanh nghiệp, PGS. TS Trần Đình Thiên được coi là người rất am hiểu nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, tái cơ cấu nền kinh tế ở Việt Nam đang thực hiện rất chậm và nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ trong nước đang yếu thế. Do đó, DN phải học cách vượt qua khó khăn mới phát triển bền vững.

Hơn 5 năm qua, Việt Nam vật lộn với tái cơ cấu nhưng tiến triển rất chậm, kết quả đạt được còn kém xa so với mục tiêu và kỳ vọng. Yêu cầu của tái cơ cấu nảy sinh khi Việt Nam duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, thực chất là một hệ thống phân bố nguồn lực sai lệch theo kiểu “xin - cho”, thay vì nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực nội tại.

* Tái cơ cấu còn yếu

 Khoảng 5 năm trở lại đây, tái cơ cấu DN hay được nhắc đến, nhiều con số đẹp từ quá trình này được đưa ra. Thế nhưng, DN vừa và nhỏ trong nước ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn, xuất khẩu giảm mạnh so với DN nước ngoài. Về việc này ông đánh giá như thế nào?

- Việc tái cơ cấu DN, Việt Nam đã cố làm trong thời gian qua nhưng hiệu quả còn kém và yếu. Nguyên nhân là do cách làm chưa đúng nên gây ra hệ quả rất rõ ràng là xuất khẩu của DN nội  địa giảm nhanh. Điều đó được thể hiện qua 5 năm trước đây, kim ngạch xuất khẩu của DN trong nước chiếm 50%, DN nước ngoài là 50%, song đến đầu năm 2017 xuất khẩu trong nước chỉ còn 28-29% và DN nước ngoài hơn 70%. Đây là bằng chứng cho thấy DN nội địa có tận dụng được cơ hội mang lại từ hội nhập hay không, và chứng tỏ cả về năng lực cạnh tranh.

Xuất khẩu của khối DN trong nước giảm nhanh chứng tỏ DN đang yếu đi, chưa thích nghi và nắm được cơ hội từ hội nhập. Từ việc này, Chính phủ phải xem xét lại Việt Nam hội nhập để làm gì khi chỉ có DN nước ngoài lớn mạnh? Thực tế, Việt Nam mới chỉ quan tâm đến tái cơ cấu, cổ phần hóa DN theo kiểu hình thức chứ chưa quan tâm đến thực tế của từng DN nên kết quả đem lại không như kỳ vọng.

 Trong quá trình tái cơ cấu DN, hầu hết các địa phương chỉ chú ý đến cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước. Đây liệu có phải là hướng đi đúng?

- Tái cơ cấu DN tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước là bước đi đúng. Song như tôi nói ở trên, việc cổ phần hóa DN nhà nước còn mang tính hình thức nên chưa tạo được mô hình tăng trưởng hiệu quả. Đơn cử, một DN A theo quy định trong năm 2016 phải cổ phần thoái 5% vốn, DN làm rất nhanh và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc bán ra 5% cổ phần chẳng có ý nghĩa gì và không thể tạo ra được cú hích trong tái cơ cấu để phát triển.

Cổ phần hóa DN nhà nước là nhằm chuyển hóa vốn vào khối tư nhân để tạo ra công bằng, tránh độc quyền cho môi trường kinh doanh. Khu vực tư nhân tăng vốn, tăng quyền sở hữu, chi phối được hoạt động thì mới thay đổi được bản chất. Đây là bài toán đánh đổi, nếu không thực hiện được sẽ không thể tái cơ cấu nền kinh tế.

 Chúng ta thường hay nói là Việt Nam đã nhanh chân ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nên đem lại lợi thế nhiều hơn so với các nước trong khu vực. Nhưng gần 1 năm nay, xuất khẩu chậm lại, nhiều đơn hàng lớn có xu hướng dịch chuyển sang các nước trong khối ASEAN. Đây có phải là DN Việt Nam đã chậm chân bỏ qua cơ hội từ hội nhập?

- Các FTA thế hệ mới Việt Nam đàm phán, ký kết nhanh sẽ tạo ra cơ hội lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài. DN nước ngoài sẽ tăng đầu tư và dịch chuyển những đơn hàng lớn vào Việt Nam là để hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu. Gần 1 năm trở lại đây, những khu vực và các nước mà Việt Nam đã ký kết các FTA lớn hoặc đang đàm phán, như: EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc đều xảy ra những biến động lớn về chính trị nên đã tác động xấu đến kinh tế. Theo đó, các DN nước ngoài phải điều chỉnh đầu tư sản xuất cho phù hợp là bình thường. Ví dụ, nhiều DN nước ngoài đang dự tính đầu tư vào Việt Nam để đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng hiện Hoa Kỳ đã rời khỏi TPP nên họ tạm dừng lại để xem xét, tính toán chọn nơi có hiệu quả hơn. Tình huống này khó tránh khỏi nên chúng ta phải học cách chấp nhận và tiếp tục thay đổi, củng cố nền kinh tế trong nước để phát triển.

* Củng cố lại, tìm cơ hội mới

 Nhiều DN than thở Hoa Kỳ rời khỏi TPP, họ sẽ mất đi những đơn hàng xuất khẩu lớn và cơ hội hợp tác, liên kết với DN nước ngoài. Ông nhận định về việc này như thế nào?

- Tôi nghĩ DN phải học cách vượt qua sóng gió mới phát triển lớn mạnh được. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nên khi họ rời khỏi TPP sẽ khiến cho DN Việt mất đi cơ hội, tiềm năng trong tương lai chứ không phải mất đi cái đang có, vì vậy kêu than không phải là cách. Từ trước đến nay, những biến đổi về chính trị thường hay ảnh hưởng lớn đến kinh tế nên DN phải làm quen. Chúng ta có thể mất các FTA với những nước có xuất khẩu lớn, song không thể dừng việc tái cơ cấu củng cố nền kinh tế trong nước. Có thể 1-2 năm tới xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại, nhưng không được mất động lực cải cách vì làm tốt có thể 3-4 năm sau trở đi chúng ta sẽ tạo ra những đột phá mới trong phát triển tăng trưởng kinh tế.

 Trong những hội thảo gần đây, ông hay nhấn mạnh là tình hình kinh tế năm 2017 sẽ khó khăn hơn  năm trước. Vậy những lĩnh vực nào sẽ phải đối mặt với khó khăn nhiều hơn?

- Trong quý I-2017, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 5,1%, so với mục tiêu năm nay phải đạt tăng trưởng 6,7% . Nếu muốn đạt được kế hoạch trên, những quý còn lại trong năm tăng trưởng phải đạt 7%. Sở dĩ quý I tăng trưởng thấp là vì công nghiệp giảm mạnh, trong đó một số lĩnh vực như khai thác, chế tạo giảm do thị trường giá cả thế giới biến động theo chiều hướng đi xuống.

Tôi nghĩ đặt ra mục tiêu tăng trưởng là để phấn đấu, nhưng trong quá trình thực hiện sẽ chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới nên có thể điều chỉnh tăng trưởng cho thích hợp với nền kinh tế, không nên quá khiên cưỡng bằng mọi giá đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã định. Bởi mục tiêu của Việt Nam vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng giảm không có nghĩa là nền kinh tế đang suy yếu. Chẳng hạn, xuất khẩu dầu của Việt Nam giảm sâu cả về giá lẫn sản xuất. Điều này không có nghĩa là ngành khai khoáng của chúng ta yếu đi mà là DN trên lĩnh vực này tạm thời giảm sản lượng vì giá bán quá rẻ, đợi khi giá lên cao mới tăng sản xuất, bán ra để thu lợi nhuận cao. Do đó, Chính phủ cần làm tốt khâu dự báo để DN biết có điều chỉnh sản xuất, xúc tiến thương mại cho phù hợp.

 Một số ý kiến cho rằng công nghiệp của Đồng Nai “đi sớm về chậm”. Ông có thống nhất với nhận định này?

- Theo tôi, Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển đầu tiên của cả nước nhưng lại quá “say sưa” với điều này nên đã quên đi phải đổi mới và vượt lên. Đến nay, Đồng Nai phát triển được nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, nhưng “đẳng cấp” các khu công nghiệp không cao. Đáng lẽ Đồng Nai đi đầu trong việc phát triển các khu công nghiệp thì những tỉnh đi sau không thể đuổi kịp, nhưng hiện nay nhiều tỉnh, thành lại vượt xa. Đây là bài học kinh nghiệm cho tỉnh để có định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới cho phù hợp.

Lãnh đạo tỉnh nên thuê những chuyên gia tư vấn giỏi hỗ trợ trong việc khai thác các lợi thế để hội nhập và phát triển. Đồng Nai đang có rất nhiều tiềm năng, nếu khai thác tốt sẽ đem lại đột phá trong phát triển kinh tế. Trường đại học Lạc Hồng có đội ngũ sinh viên đã chế tạo ra robocon nổi tiếng các nước trong khu vực nên đưa vào ứng dụng thực tế  để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, Đồng Nai rất thuận lợi trong kết nối cảng biển, tới đây có Cảng hàng không quốc tế Long Thành lớn nhất cả nước.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

 

Tin xem nhiều