Báo Đồng Nai điện tử
En

Đô thị Biên Hòa trong tương lai

10:04, 19/04/2017

Theo quy hoạch chung giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Biên Hòa sẽ trở thành một thành phố năng động về kinh tế, có  sức cạnh tranh cao, có dịch vụ đa ngành cao cấp, công nghiệp công nghệ cao.

Theo quy hoạch chung giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Biên Hòa sẽ trở thành một thành phố năng động về kinh tế, có  sức cạnh tranh cao, có dịch vụ đa ngành cao cấp, công nghiệp công nghệ cao.

Một góc của TP.Biên Hòa.
Một góc của TP.Biên Hòa.

Đã có quy hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và hiện đã lên đô thị loại I, songTP.Biên Hòa vẫn đang rất thiếu các công trình hạ tầng cơ bản, như: thoát nước, đường giao thông, các công trình công cộng... Theo một số kiến trúc sư, nếu TP.Biên Hòa không nhanh tay thực hiện sớm quy hoạch đô thị và quản lý chặt chẽ thì khó tạo những điểm nhấn cho thành phố.

* Ưu tiên cho hạ tầng

TP.Biên Hòa có diện tích tự nhiên gần 26,4 ngàn hécta, bao gồm đất xây dựng đô thị khoảng 21 ngàn hécta, còn lại là đất lâm nghiệp, cây xanh, mặt nước, sông suối. Biên Hòa dành 12,6 ngàn hécta cho đất dân dụng, 1,9 ngàn hécta đất công nghiệp, 1,5 ngàn hécta du lịch, 4 ngàn hécta đất quốc phòng, 700 hécta đất trung tâm chuyên ngành cấp vùng và 700 hécta đất giao thông...

Tốc độ phát triển dân cư ở TP.Biên Hòa nhanh hơn nhiều so với phát triển hạ tầng đô thị.

Dân cư phát triển nhanh kéo theo những đòi hỏi lớn về nơi ở, hệ thống thoát nước, đường giao thông, trường học, y tế, khu vui chơi giải trí. Hạ tầng đô thị phát triển chậm còn dẫn đến tình trạng ngập lụt vào mùa mưa vì thoát nước không kịp do nhiều khu dân cư mọc lên, kẹt xe, thiếu trường học...

Về y tế, TP.Biên Hòa tạm đáp ứng đủ vì có bệnh viện Đồng Nai mới xây dựng xong và một số bệnh viện khác do tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, còn 3 vấn đề cấp bách TP.Biên Hòa chưa thực hiện được là làm hệ thống thoát nước để chống ngập, làm đường giao thông giảm tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm và xây dựng thêm nhiều trường học để xóa lớp học ca hai, ca ba.

“Tôi nghĩ thành phố phải ưu tiên hàng đầu về làm hệ thống thoát nước chống ngập cho các khu dân cư các tuyến đường. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, tôi thấy cứ xuất hiện mưa lớn từ 15-20 phút là nhiều khu vực của Biên Hòa ngập sâu trong nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân và tê liệt giao thông trong nhiều giờ” - ông Đỗ Văn Hào ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) bày tỏ.

Theo ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, thành phố đang gấp rút triển khai 10 dự án trọng điểm về đường giao thông và thoát nước. Những dự án trên hoàn thành sẽ giúp cho Biên Hòa có nhiều thay đổi và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

“Rất nhiều đoạn đường chính của TP.Biên Hòa bị quá tải vào giờ cao điểm dẫn đến kẹt xe. Tỉnh đang ưu tiên vốn để thi công sớm các dự án làm đường tại Biên Hòa, hầm chui để giảm tình trạng kẹt xe, như: hầm chui Tân Phong, đường ven sông Cái, đường trục trung tâm TP.Biên hòa, đường liên phường Tân Phong- Trảng Dài - Tân Hiệp...” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết.

* Thiếu mảng xanh, thiếu đặc trưng riêng

Tốc độ dân cư tăng nhanh dẫn đến hệ lụy là xuất hiện những khu dân cư tự phát không đảm bảo quy hoạch và chưa tạo ra được nét đặc trưng riêng của thành phố. Dự kiến của Biên Hòa đến năm 2020 dân số tăng lên 1,1-1,2 triệu người, song hiện tại đến đầu năm 2017, dân số Biên Hòa đã lên đến 1,2 triệu người.

Ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Hiện nay, do nguồn vốn có hạn nên TP.Biên Hòa chỉ mới tập trung làm đường giao thông, thoát nước, trường học. Muốn Biên Hòa phát triển, tạo ra nét đặc trưng, thành phố phải làm tốt quy hoạch tổng thể, chi tiết từng khu vực, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển”.

Ông Phương nhấn mạnh thêm, Biên Hòa đông dân cư và thiếu rất nhiều mảng xanh nên thành phố cần chú trọng phát triển các khu dân cư đi kèm các mảng xanh trong đó các khu dân cư nên nhắm đến đối tượng là thu nhập thấp, trung bình vì những đối tượng này đang chiếm đa số, có nhu cầu về nhà ở rất lớn.

“Định kỳ hàng tháng các phòng, ban liên quan đều phải báo cáo thực hiện các dự án trọng điểm của Biên Hòa về UBND thành phố, UBND tỉnh để những vướng mắc kịp thời được tháo gỡ nhằm đẩy nhanh các dự án để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội”- ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, nói.

Mô hình phát triển và cấu trúc không gian đô thị của TP.Biên Hòa là theo cấu trúc chuỗi đô thị đa trung tâm dọc theo trục sông Đồng Nai và trục quốc lộ 51 và hướng phát triển chính về phía Nam. Sẽ có 2 khu vực phát triển chính là khu vực đô thị Biên Hòa truyền thống bao gồm 26 phường, xã khi chưa mở rộng ranh giới thuộc phía Bắc; khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa gồm 4 xã sáp nhập từ huyện Long Thành. 2 khu vực trên sẽ phân vùng phát triển thành 4 khu đô thị với 21 phân khu.

Ngoài thiếu về hạ tầng giao thông, trường học, mảng xanh thì TP.Biên Hòa còn thiếu và yếu về dịch vụ, những công trình quan trọng khác để nâng cao đời sống tinh thành cho người dân.

Hương Giang

Tin xem nhiều