Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ 2: Nỗi sợ hãi mang tên "phóng xạ"

09:03, 14/03/2017

Scan kiểm xạ cơ thể đang được chính quyền ở Nhật Bản thực hiện để trấn an người dân. Nhưng thực tế, dân chúng ở những vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố Fukushima đang phải đối diện với nỗi sợ hãi lớn  hơn cả chuyện nhiễm phóng xạ…

[links()]Scan kiểm xạ cơ thể đang được chính quyền ở Nhật Bản thực hiện để trấn an người dân. Nhưng thực tế, dân chúng ở những vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố Fukushima đang phải đối diện với nỗi sợ hãi lớn  hơn cả chuyện nhiễm phóng xạ…

* Rối loạn tâm thần, “dư chấn” từ thảm họa

Iuri Masako, một nữ y tá 26 tuổi mà tôi gặp ở Bệnh viện Minami Soma dường như không muốn nhắc lại câu chuyện đau lòng của mình. Đã hơn 3 năm nay, cô không trở về nhà ở làng Iitate. Cả gia đình cô đã chết do sóng thần. Masako đã phải uống thuốc và điều trị tâm lý nhiều tháng sau thảm họa. Cô nói: “Giờ đây, nỗi sợ hãi bởi cô độc còn nặng nề hơn cả chuyện nhiễm phóng xạ”.

Làng Iitate tràn đầy những bình chứa chất tẩy phóng xạ (ảnh Yuki Iwanami)
Làng Iitate tràn đầy những bình chứa chất tẩy phóng xạ (ảnh Yuki Iwanami)

Hai tay đan chặt vào nhau như níu kéo điều gì đó, Masako kể qua “phiên dịch” của chị Trần Thị Tâm, một người Việt Nam 8 năm làm nghề giúp việc và chăm sóc người già cho một gia đình ở thành phố Soma này.

Phiên trực tại bệnh viện ngày 11-3-2011 đã giúp Masako sống sót khi thảm họa xảy ra. Cha mẹ và em trai của cô đã chết khi đang làm việc tại một nông trại ở gần bờ biển, chỉ cách nhà máy điện hạt nhân Daiichi 15 km khi thảm họa xảy ra. Bà nội cô nằm viện, thoát  thảm họa, nhưng lại chết trên đường đến nơi sơ tán.

Đôi mắt của Masako khá đẹp nhưng buồn thăm thẳm. Cô kể rằng, làng Iitate của cô trở nên hoang phế sau đại thảm họa. Đã ba năm rưỡi, những người đi sơ tán vẫn chưa ai dám quay về. Trong làng chỉ còn vài người ở lại.

Một buổi chiều, bốn tháng sau thảm họa, khi thấy Masako về nhà, một người hàng xóm 52 tuổi ngỏ ý xin cô thuốc đau đầu. Sáng hôm sau, cô mang thuốc sang đã thấy người đàn ông này nằm chết với động mạch tay bị cứa đứt. Mảnh giấy người ta tìm được cho biết, ông ta tự vẫn, vì trầm cảm triền miên bởi những tổn thất về tinh thần, mất việc làm, mất bạn bè, gia đình ly tán…

Chiều hôm ấy, trên đường đến thị trấn Miharu của Fukushima, tôi như bừng tỉnh sau một ngày dài đường mệt mỏi khi ông Shigeyuki Koide, Chủ tịch Hiệp hội các nhà báo khoa học và công nghệ Nhật Bản (JASTJ) cho biết, đang đi qua ngôi làng Iitate - cách Fukushima khoảng 40 km về hướng Tây Bắc.

Tôi đã sốc khi tận mắt chứng kiến ngôi làng có 6.500 dân vốn trước đây được xem là đẹp nhất thế giới với cảnh núi non hùng vĩ và hoa anh đào dại quanh năm nở rực rỡ bên những con đường vòng vèo của đồi núi xanh ngát,  mỗi năm thu hút đến 200.000 lượt khách du lịch… nay trở nên hoang tàn khi đường phố không một bóng người.

Những túi chứa đất nhiễm phóng xạ chưa được xử lý vẫn để khắp làng (ảnh Yuki Iwanami)
Những túi chứa đất nhiễm phóng xạ chưa được xử lý vẫn để khắp làng (ảnh Yuki Iwanami)

Những ngôi nhà bị bỏ hoang cùng với máy móc nông cụ, những túi đen chứa đất bị nhiễm phóng xạ nặng được hốt lên vẫn để nằm lăn lóc đầy đường. Ngôi làng tiêu điều và vắng lặng như bãi tha ma - sau khi hứng gần như trọn cơn gió mang theo làn phóng xạ khi lò phản ứng số 3 nổ ngày 15-3.

Sau sự cố, thành phố Soma đã có sự thay đổi đáng kể về dân số, cơ cấu bệnh tật, sức khỏe tâm thần và những vấn đề xã hội phát sinh. Trước thảm họa, dân số ở đây có đủ các độ tuổi. Ba năm sau dân số giảm đến 50%. Số lượng bệnh nhân nhập viện tăng lên.

Sự căng thẳng tinh thần, thiếu điều kiện y tế, mất người thân, bạn bè, mất công việc, gia đình sơ tán, chuyển đổi đột ngột môi trường sống… là những yếu tố dẫn đến gia tăng số bệnh nhân đột quỵ, huyết áp cao và bệnh nhân tâm thần - bác sĩ Tomoyoshi Oikawa, Phó giám đốc Bệnh viện Minami Soma cho biết.

Đi cùng đoàn với chúng tôi về Fukushima, ông Makoto Ohmori, Giám đốc sản xuất của TV-U Fukushima – một người dân chính gốc ở Fukushima luôn buồn rười rượi. Ông tâm sự: “Trước đây, mỗi ngày tôi uống ba cốc bia. Sau thảm họa, mỗi ngày tôi uống sáu cốc để quên đi thực tại đầy căng thẳng và lo âu”.

Ông Ohmori cũng kể rằng, một vấn đề bất ngờ xảy ra là người dân bị nhiễm phóng xạ ở Fukushima đã bị kỳ thị. Những người này khi đến tỵ nạn ở thành phố Tsukuba thuộc tỉnh Ibaraki đã bị xua đuổi vì sợ lây nhiễm phóng xạ.

Một số người dân ở thành phố Iwaki tỉnh Fukushima đi hiến máu cho Hội Hồng thập tự Nhật Bản cũng đã bị đuổi về. Ít nhất có 4 nông dân sản xuất rau cải và sữa bò tươi ở thành phố Sukagawa và Soma đã treo cổ tự vẫn, sau khi Chính phủ đảng Dân Chủ và Bộ Sức khỏe và Phúc lợi  ra lệnh cấm buôn bán sữa bò và rau cải trồng ở tỉnh Fukushima vì bị ô nhiễm phóng xạ.

Ông Makoto Ohmori, Giám đốc sản xuất của TV-U Fukushima – một người dân Fukushima đã uống từ 3 cốc bia lên 6 cốc bia mỗi ngày để vơi bớt căng thẳng, lo âu
Ông Makoto Ohmori, Giám đốc sản xuất của TV-U Fukushima – một người dân Fukushima đã uống từ 3 cốc bia lên 6 cốc bia mỗi ngày để vơi bớt căng thẳng, lo âu

Một nông dân trước khi treo cổ tự vẫn đã viết lên tường bằng phấn: “Ước gì không có nhà máy điện nguyên tử. Chỉ có thể chịu đựng đến mức này thôi ”. Những thông tin này được Ohmori đưa lên truyền hình, dư luận đã phẫn nộ, một số quan chức đã phải lên tiếng xin lỗi.

Cho đến nay, dù Chính phủ tuyên bố những vùng bị ảnh hưởng bởi phóng xạ đã được kiểm soát an toàn. Thế nhưng, sự kỳ thị vẫn chưa chấm dứt. Anh Kawachi Ryugo, một người dân Fukushima bán hàng ăn ở thị trấn Miharu buồn rầu kể: “Gia đình bạn gái tôi đã không chấp nhận đám cưới của chúng tôi vì lo ngại tôi bị nhiễm phóng xạ”. 

Cũng thế, gạo được trồng ở Fukushima đã được xuất đi Singapore, nhưng nhiều người dân Nhật Bản vẫn tránh sử dụng. “Để giải quyết vấn đề này, nông sản làm ra ở Fukushima đã không ghi xuất xứ địa phương, mà chỉ ghi chung chung là “Made in Japan” – bà Aki Ohmori, phóng viên chuyên mục ẩm thực của báo The Yomiuri Shimbun cho biết. 

* An dân,  cần nhiều giải pháp hơn là kiểm xạ

Hàng triệu dân Nhật phải sống trong sự sợ hãi với một kẻ thù vô hình, không gây đau đớn nhưng tiềm tàng một mối nguy hiểm to lớn.

Tiến sĩ Sae Ochi, Giám đốc y học nội khoa của Bệnh viện Trung ương Soma, nói: “Ngoài phóng xạ, thảm họa còn đặt ra mối quan tâm về rối loạn tâm thần như trầm cảm ở trẻ em, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn nhận thức ở người già. Vấn đề sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần sau thảm họa là rất to lớn, cần được quan tâm hơn là đầu tư khôi phục hạ tầng”.

Nhưng đáng tiếc, những bằng chứng nghiên cứu và đề xuất của Tiến sĩ Ochi đã không được xem xét, dù báo cáo này đã được bà gửi đến chính phủ từ 3 năm trước. “Giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần, cần can thiệp bằng nhiều giải pháp thay vì chỉ dựa vào việc scan kiểm xạ cơ thể người dân” – Tiến sĩ Ochi nói.

Các nhà báo khoa học Việt Nam sử dụng thử thiết bị đo độ nhiễm phóng xạ trong môi trường tại Trung tâm an toàn môi trường Nhật Bản
Các nhà báo khoa học Việt Nam sử dụng thử thiết bị đo độ nhiễm phóng xạ trong môi trường tại Trung tâm an toàn môi trường Nhật Bản

Nỗi sợ hãi vô hình về phóng xạ và những đổi thay đột ngột môi trường sống đã khiến nhiều người dân ở những vùng bị ảnh hưởng phải đối mặt với 4 vấn đề xã hội lớn, đó là tình trạng gia tăng tỷ lệ người tự tử, gia tăng số trẻ em béo phì, ly hôn và gia tăng số người nghiện thuốc lá và rượu. Đây chính là nỗi sợ hãi mà với nhiều người dân còn đáng lo hơn cả nhiễm  xạ.

Một báo cáo của Diễn đàn Chernobyl năm 2005 nói rằng, sức khỏe tâm thần kết hợp với hút thuốc lá và lạm dụng rượu ở người dân sau thảm họa Chernobyl là một vấn đề lớn hơn nhiều so với bức xạ.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã chỉ ra: trong vụ nổ lò phản ứng hạt nhân tại Chernobyl, chỉ có 56 người thiệt mạng trực tiếp, 4.000 người khác chết gián tiếp, nhưng có đến 90.000 người chết do các di chứng liên quan đến hậu Chernobyl trong vòng 28 năm qua.

Tại buổi gặp gỡ với nhóm các nhà báo khoa học Châu Á ngày 10-9-2015, bác sĩ Tomoyoshi Oikawa, Phó giám đốc Bệnh viện Minami Soma cho biết, ba năm sau thảm họa, dân số thành phố Minami Soma giảm rất nhiều. Chỉ còn lại 9% trẻ em, 57,7% trung niên và 33,7% người già. Số bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng gấp 2,4 lần với 35,5%/tháng so với trước thảm họa là 14,7%/tháng. Số bệnh nhân ung thư tăng đến 160%.

Trong đó, tỷ lệ người dân chết bởi rối loạn tâm thần, nghiện rượu và thuốc lá ngang với tỷ lệ người bị ung thư, bị các bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch và nội tiết bị phá hủy, tỷ lệ thai nhi bị dị dạng…

Sau thảm họa, sức khỏe thể chất giảm sút, các ảnh hưởng của rối loạn tâm thần tăng lên, nhiều người dân đã tìm đến niềm tin tôn giáo như một cách tự trấn an mình.

Nhà sư Genyu Sokyu, trụ chì đền Fukujyji ở thị trấn Miharu nói: “Sau thảm họa, đền Fukujyji đông hơn. Người dân đến cầu nguyện cho những người đã chết, cầu nguyện để vơi bớt nỗi sợ hãi, để tìm sự thanh thản trong tâm hồn”.

Ông cũng cho biết thêm: “Chỉ trong 3 tháng sau thảm họa, ở khu vực này đã có 6 người tự vẫn do không chịu nổi những sang chấn tâm lý. Để giúp người dân cân bằng trạng thái tâm thần và hồi phục sức khỏe sau thảm họa, tôi đã khuyên người dân sử dụng phương pháp thiền như một cách tự giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần của chính họ”.

Nước Nhật đã chống chọi rất hiệu quả với động đất và sóng thần (bởi chỉ có 3% người thiệt mạng trong sự cố), nhưng có lẽ chính phủ nước này đã quá chủ quan khi không “thuộc” các bài học kinh nghiệm từ Chernobyl và Three Miles Island (Mỹ) khi không lường hết được những nguy cơ và hệ lụy từ hoạt động sơ tán người dân.

Và, đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến Nhật bị động khi thảm họa Fukushima xảy ra. Sự chủ quan và thiếu cái nhìn toàn diện này có thể là bài học cho tất cả các nước đang có kế hoạch xây dựng điện hạt nhân như ở Việt Nam.

Bài và ảnh: Phương Liễu

 

 

Tin xem nhiều