Báo Đồng Nai điện tử
En

Trên 25 ngàn hécta điều, xoài bị thiệt hại

10:02, 13/02/2017

Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), trong đợt thời tiết diễn biến bất thường vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có gần 60% diện tích xoài và 50% diện tích điều trong tỉnh bị ảnh hưởng.

Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), trong đợt thời tiết diễn biến bất thường vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có gần 60% diện tích xoài và 50% diện tích điều trong tỉnh bị ảnh hưởng. Ngoài ra, 100% diện tích chôm chôm và 20% diện tích sầu riêng trong tỉnh cũng gặp tình trạng ra đọt non vì mưa trái mùa.

Nhiều vườn điều ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán bị “cháy” bông nặng vì ra bông đúng đợt mưa trái mùa vừa qua.
Nhiều vườn điều ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán bị “cháy” bông nặng vì ra bông đúng đợt mưa trái mùa vừa qua.

Theo dự báo, thời tiết tiếp tục biến động bất thường trong thời gian tới, cơ quan chức năng trong tỉnh và các địa phương tập trung hỗ trợ nông dân ứng phó, giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Thời tiết đỏng đảnh, cây trồng lãnh đủ

Theo số liệu từ Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, toàn tỉnh ước tính có khoảng 19.954 hécta điều bị khô bông, rụng trái, trong đó có 1.582 hécta điều bị nhiễm thán thư và 2.039 hécta bị bọ xít muỗi phá hại. Số diện tích xoài bị khô bông, rụng trái là khoảng 6.914 hécta, trong đó gần 700 hécta xoài bị nhiễm thán thư và các loại sâu bệnh gây hại. Ngoài ra, trên 11.100 hécta chôm chôm và 828 hécta sầu riêng đã vào vụ ra hoa, đậu trái non nhưng hiện vẫn đua nhau ra đọt non.

Ông Phan Chinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ điều năng suất cao ở xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc), lo lắng: “100% diện tích điều ở Xuân Lộc đều bị hư hại. Nông dân tập trung phun xịt rất nhiều nhưng cả hoa và đọt non vẫn bị cháy khô. Giờ nông dân xử lý chủ yếu để cứu cây, giảm thiệt hại cho vụ sau chứ vụ này chẳng còn trông mong gì nữa”. Đa số diện tích điều chủ yếu ở vùng đất đồi nên việc đảm bảo nguồn nước và chi phí thuê nhân công phun thuốc gặp nhiều khó khăn. Hiện một số địa phương đang gặp tình trạng “khát” nhân công phun xịt thuốc thuê cho cây điều vào dịp dịch hại cao trào. Việc này gây tác hại nặng hơn cho cây điều vì sau cơn mưa, thán thư xâm nhiễm vào tế bào non rất nhanh, khoảng 30 phút là có thể ảnh hưởng nếu không kịp thời phun thuốc.

Vườn chôm chôm của ông Phạm Nỷ (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đã ra đọt sớm do mưa trái mùa.
Vườn chôm chôm của ông Phạm Nỷ (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) đã ra đọt sớm do mưa trái mùa.

Vài năm trở lại đây, việc xử lý ra hoa cho cây xoài tại một số địa phương gặp nhiều khó khăn vì diễn biến thời tiết thất thường. Mặt khác, do nông dân “thúc ép” xoài ra hoa đậu trái quá mức, dẫn đến cây còi cọc, sức chịu đựng kém. Bà Nguyễn Thị Dòn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Định Quán, khuyến cáo: “Đối với cây xoài, những vườn bị cháy hoặc không ra hoa trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua thì không nên kích ra hoa vào vụ tháng 5-6 vì vụ thu hoạch này chi phí đầu tư cao, giá xoài lại thường giảm mạnh vì “đụng mùa” xoài ngoại từ Thái Lan và Campuchia nhập về nhiều. Ngoài ra, từ tháng 4 đến tháng 6 là đợt cao điểm của dịch hại ruồi vàng. Nông dân nên tập trung chăm sóc gốc, cành để dưỡng cây cho mùa thu hoạch năm sau”.

Tại TX.Long Khánh, mưa trái mùa khiến các vườn chôm chôm đua nhau ra đọt non khiến dự định “ăn” sớm vụ của nhiều nông dân trồng chôm chôm trên loại đất đen đã không thành. Mùa thu hoạch chính vụ của chôm chôm, sầu riêng cũng trễ hơn khoảng 2-3 tháng so với mọi năm. Bà Bùi Thị Ninh, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông TX.Long Khánh, nhận xét: “Những cơn mưa trái mùa vừa qua khiến việc ra hoa của chôm chôm bị ảnh hưởng khá nhiều. Hơn thế nữa, năm nay có nhuận tháng 6 âm lịch cùng với tình hình thời tiết ngày càng khó lường nên nông dân càng phải theo dõi sát sao. Với những vườn chôm chôm ra lá non chưa nhiều, nông dân có thể thu gom lá khô hun khói dưới gốc vào sáng sớm để kích thích giai đoạn phân hóa mầm hoa của cây”.

Không lạm dụng thuốc

Theo Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, kế hoạch năm 2017 phục vụ nước tưới cho 41.800 hécta cây trồng, chủ yếu là cây hàng năm; cấp nước cho 1.900 hécta nuôi trồng thủy sản; ngăn mặn gần 6 ngàn hécta. Mọi năm, thời điểm này đơn vị đã triển khai kế hoạch chống hạn, nhưng do xuất hiện mưa trái mùa nên thời gian chống hạn của mùa khô năm 2017 giảm rất nhiều, dự kiến chỉ kéo dài khoảng nửa tháng cuối mùa khô. Hiện các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều tích trữ lượng nước dồi dào hơn hẳn mọi năm, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Đa số các cây trồng hàng năm, như: lúa, bắp, rau củ... sinh trưởng tốt, dịch bệnh được kiểm soát.

Để hỗ trợ nông dân ứng phó với thời tiết thất thường và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã kết hợp với các cơ quan khác thuộc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tăng cường các lớp tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng. Đồng thời, trung tâm cũng cử thêm cộng tác viên, chuyên viên đến các vùng trồng trọt để phối hợp, hướng dẫn nông dân giảm thiểu thiệt hại, cải tạo đất trồng. Nhiều trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật ở các địa phương cũng đã lên kế hoạch mở thêm các lớp tập huấn, thường xuyên theo dõi tình hình để tư vấn, hỗ trợ nông dân, nhất là vào lúc cao điểm mùa khô đang đến gần và xuất hiện nhiều dạng thời tiết “cực đoan”.

Ông Lương Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, khuyến cáo: “Nông dân cần theo dõi sát tình hình thời tiết, tránh lạm dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng và hạn chế trộn quá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt cùng lúc vì hiệu quả thường không cao. Riêng với cây chôm chôm, sầu riêng, nông dân cần lưu ý tới thời kỳ cây bắt đầu phân hóa mầm hoa và sử dụng chất điều hòa sinh trưởng, các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ hoa, trái non. Ngoài ra, nhà vườn cũng cần lưu tâm tới các loại dịch hại trong thời gian tới, nhất là ruồi đục quả”.

Bình Nguyên - Hải Quân

Tin xem nhiều