Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nóng" đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

09:02, 15/02/2017

Gần đây, tình hình thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) khá sôi động. Đến đầu tháng 2-2017, đã có 23/27 CCN có chủ đầu tư hạ tầng. Các CCN hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng là do tỉnh có chính sách hỗ trợ từ 15-20 tỷ đồng/CCN.

Gần đây, tình hình thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) khá sôi động. Đến đầu tháng 2-2017, đã có 23/27 CCN có chủ đầu tư hạ tầng. Các CCN hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng là do tỉnh có chính sách hỗ trợ từ 15-20 tỷ đồng/CCN.

Các cơ sở gốm phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) nhanh chóng giao hàng hóa để chuẩn bị di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa).
Các cơ sở gốm phường Tân Vạn (TP.Biên Hòa) nhanh chóng giao hàng hóa để chuẩn bị di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa).

Theo Sở Công thương, sau khi điều chỉnh quy hoạch, Đồng Nai còn giữ lại 27 CCN, tổng diện tích khoảng 1,5 ngàn hécta, phân bổ ở khắp các địa phương. Những năm trước khi chưa có chính sách hỗ trợ, việc thu hút nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật rất khó khăn.

* Sôi động nhờ hỗ trợ

Mục đích của tỉnh khi làm cụm công nghiệp là để ưu tiên hàng đầu cho di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh ở các khu dân cư đang gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, có một số thông tin chủ đầu tư hạ tầng “né” ưu tiên cho các doanh nghiệp, cơ sở di dời vào cụm công nghiệp và lách quy định bằng cách báo cáo đã cho thuê hết đất để doanh nghiệp, cơ sở muốn di dời vào phải thuê đất qua đơn vị thứ hai với giá cao hơn nhiều. Liên quan đến vấn đề này, Sở Công thương khẳng định đã rà soát nhưng chưa phát hiện ra trường hợp nào. Doanh nghiệp, cơ sở rơi vào trường hợp trên có thể báo trực tiếp với Ban giám đốc Sở để xử lý.

Đồng Nai hình thành các CCN với mục tiêu là để di dời, sắp xếp, thu hút các cơ sở, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cá nhân, hộ gia đình tại địa phương vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, có những CCN có quy hoạch 5-7 năm chưa triển khai được do không mời gọi được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng.

Trước đây, đầu tư hạ tầng các CCN suất chi phí cao lại không được hưởng các ưu đãi như khu công nghiệp nên các doanh nghiệp không mặn mà. Do đó, tỉnh đã cho rà soát lại, rút khỏi quy hoạch những CCN kém khả thi và chỉ giữ lại những CCN phù hợp với nhu cầu thực tế và ban hành quy định hỗ trợ cho cả nhà đầu tư hạ tầng đến nhà đầu tư thứ cấp.

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Giữa năm 2016, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN từ 15-20 tỷ đồng có hiệu lực, 10 CCN đã tìm được chủ đầu tư. Nhưng để tăng ưu đãi, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các CCN, tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương cho miễn tiền thuê đất từ 11 năm lên 15 năm; giảm số tiền ký quỹ cho nhà đầu tư lên đến 50% , thay vì chỉ giảm 25% như hiện nay”. Nếu chính sách ưu đãi cho CCN cũng như khu công nghiệp thì các chủ đầu tư sẽ “tăng tốc” để sớm hoàn thành hạ tầng và mời gọi nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đang kiến nghị tỉnh bỏ cấp phép xây dựng để bớt thủ tục cho nhà đầu tư thứ cấp vào CCN.

“Huyện được quy hoạch 6 CCN và tất cả đều đã tìm được nhà đầu tư hạ tầng. Các doanh nghiệp hạ tầng được hỗ trợ đầu tư 50% công trình, đây là yếu tố để thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng. Vấn đề còn vướng khiến các chủ đầu tư hạ tầng chậm triển khai dự án là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài” - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi nói.

Khi chủ đầu tư hoàn thành xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đi vào xây dựng hạ tầng CCN sẽ nhận được tiền bồi thường. Với diện tích nhỏ hơn 30 hécta sẽ được hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng, lớn hơn hoặc bằng 30 hécta là 20 tỷ đồng. Khoảng 5 CCN trong tỉnh đã được nhận hỗ trợ làm hạ tầng. Ông Lê Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần ô tô Đô Thành, chủ đầu tư CCN ô tô Đô Thành (huyện Long Thành), cho hay: “Công ty đang nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư CCN Đô Thành để sớm đi vào hoạt động. Có hỗ trợ kinh phí của tỉnh, nhà đầu tư có thêm vốn rút ngắn thời gian hoàn thiện hạ tầng dự án”.

* Ưu đãi nhà đầu tư thứ cấp

Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, tỉnh cũng ban hành quy định hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp khi di dời vào CCN từ 60-300 triệu đồng/cơ sở, tùy vào diện tích thuê đất. Mức hỗ trợ bao gồm: chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, xây dựng nhà xưởng, phí sử dụng hạ tầng. Trong đó, mức hỗ trợ 300 triệu đồng/doanh nghiệp vừa có thuê đất không quá 10 ngàn m2, 150 triệu đồng/doanh nghiệp nhỏ thuê đất không quá 5 ngàn m2 và 60 triệu đồng cho doanh nghiệp siêu nhỏ thuê đất không quá 2 ngàn m2. “Các doanh nghiệp, cơ sở sau khi di dời nhà xưởng vào CCN thì đăng ký với chủ đầu tư hạ tầng để trình lên Sở Công thương báo cáo hội đồng xét duyệt và hỗ trợ” - ông Dương Minh Dũng cho biết.

Ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho hay: “Long Thành có 5 CCN nhưng các chủ đầu tư hạ tầng triển khai dự án rất chậm. Vì thế, việc di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh ở các khu dân cư vào CCN chưa làm được”.

Tuy chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở di dời vào CCN đã ban hành từ năm 2016, nhưng hiện rất ít người biết để làm thủ tục hưởng hỗ trợ. Ông Hứa Mỹ Chiêu, chủ Cơ sở gốm Phong Sơn (ở phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa), chia sẻ: “Cơ sở của tôi thuê 10 ngàn m2 đất trong CCN gốm sứ Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) và đang trong quá trình xây dựng nhà xưởng nhưng tôi chưa biết có chính sách hỗ trợ trên để làm thủ tục để hưởng hỗ trợ”.

Cũng theo ông Chiêu, tỉnh nên thông tin rộng rãi cho các doanh nghiệp, cơ sở thuộc diện phải di dời vào các CCN. Có chính sách hỗ trợ trên, các cơ sở sẽ bớt một phần khó khăn ban đầu và việc di dời sẽ được làm nhanh hơn. Theo danh sách đã phê duyệt của UBND tỉnh thì có khoảng 188 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên lĩnh vực công nghiệp phải di dời khỏi khu dân cư để vào các CCN. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở thuộc diện di dời vào CCN đều bày tỏ mong muốn thủ tục, hồ sơ để được hưởng hỗ trợ nên đơn giản và giải quyết nhanh, đừng kéo dài gây mất nhiều thời gian và công sức đi lại cho các cơ sở.

Hương Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích