Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ nghề làm chao truyền thống

09:02, 12/02/2017

Mặt hàng chao An Phúc (ấp Bảo Định, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) được thị trường biết tiếng 25 năm nay vì là dòng chao theo lối thủ công truyền thống.

Mặt hàng chao An Phúc (ấp Bảo Định, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) được thị trường biết tiếng 25 năm nay vì là dòng chao theo lối thủ công truyền thống.

2 thế hệ trong gia đình bà Đỗ Thị Thoa (phải) và con rể Nguyễn Thành Phước theo nghề sản xuất chao thủ công truyền thống.
2 thế hệ trong gia đình bà Đỗ Thị Thoa (phải) và con rể Nguyễn Thành Phước theo nghề sản xuất chao thủ công truyền thống.

Cơ sở chỉ mới thành lập vào năm 2016, do đôi vợ chồng trẻ là anh Nguyễn Thành Phước - chị Vũ Thị Huệ làm chủ, nhưng tiếng thơm về dòng chao thủ công này đã giữ chân nhiều khách hàng gắn bó suốt 25 năm qua.

Nối nghiệp của mẹ

Người đầu tiên theo nghề chế biến chao là bà Đỗ Thị Thoa, mẹ chị Huệ. Thời trẻ, bà Thoa chuyên làm đậu hũ bán ở sạp hàng trước nhà. Bà tự mày mò tìm ra công thức và chế biến thêm món chao từ đậu hũ để có thêm đồng ra, đồng vào nuôi con. Món chao được làm thủ công tỉ mỉ từ đôi tay vén khéo của bà Thoa được người quanh vùng rất chuộng vì thơm ngon, đậm đà, khách xa gần cứ nườm nượp tìm đến đặt hàng.

Vợ chồng chị Huệ, người học nghề dược, người học quản trị kinh doanh. Ra trường, cả 2 đều đi làm trong ngành ngân hàng. Sau vài năm bôn ba, họ quyết định rời thành phố về quê nối nghiệp mẹ. Chị Huệ chia sẻ: “Thời còn sống ở TP. Hồ Chí Minh, ngoài giờ làm việc tôi thường tranh thủ đem chao của mẹ đến tiếp thị, bỏ mối cho tiểu thương ở các chợ truyền thống. Chất lượng chao ngon nên những mối đặt hàng đều gắn bó. Tôi quyết định về quê nối nghiệp gia đình vì muốn giữ món chao thơm ngon mẹ làm luôn được khách hàng ủng hộ”. 

Thương hiệu chao thủ công

Khi thành lập cơ sở, vợ chồng anh Phước - chị Huệ đầu tư mở rộng khu sản xuất, mua thêm nhiều máy móc, thiết bị để chuẩn hóa quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng họ vẫn giữ nguyên cách làm thủ công truyền thống tỉ mỉ, công phu trong từng công đoạn chế biến. Cơ sở tự tuyển nguồn đậu nành về làm đậu hũ, tự nấu rượu gạo thuần chất ủ từ men Bắc, mua ớt tươi về làm tương ớt... để có những nguyên liệu chế biến món chao đều được làm thuần từ tự nhiên, nhất là chất lượng đậu hũ có ngon thì chao mới cho độ béo và hương vị đậm đà.

Làm chao theo cách thủ công yêu cầu rất cao về vệ sinh trong suốt quá trình chế biến thì khi ủ chao lên men mới đạt. Đặc biệt, việc ủ chao cho lên men tự nhiên khá công phu và mất thời gian hơn hẳn cách chế biến công nghiệp. Nhưng đây chính là bí quyết để dòng chao thủ công có vị thơm ngon đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện Cơ sở chao An Phúc cung cấp cho các quán lẩu, tiệm tạp hóa ở chợ truyền thống, các trạm dừng chân tại Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh. Chị Huệ chia sẻ: “Tuy có uy tín lâu năm tại địa phương nhưng khi bước ra thị trường rộng hơn bên ngoài, nhãn hàng An Phúc còn khá mới mẻ nên áp lực cạnh tranh không hề nhỏ. Chao làm theo cách thủ công có giá cao hơn khoảng 20% so với cách sản xuất theo hướng công nghiệp nên không dễ cạnh tranh. Nhưng chúng tôi vẫn kiên trì theo cách làm thủ công, giữ nguyên hương vị của món ngon tỉ mỉ như ở nhà làm để giữ chân khách hàng bằng uy tín chất lượng”.

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều