Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo hồn cho đá

10:01, 22/01/2017

Điêu khắc đá là một nghề thủ công nhiều vất vả. Ngoài năng khiếu, người thợ luôn cần tính tỉ mỉ, kiên trì trong suốt quá trình hoàn thành tác phẩm.

Điêu khắc đá là một nghề thủ công nhiều vất vả. Ngoài năng khiếu, người thợ luôn cần tính tỉ mỉ, kiên trì trong suốt quá trình hoàn thành tác phẩm. Và chính niềm đam mê đã giữ chân ông Trương Thiên Phong, chủ Cơ sở Trương Thiên Phong (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom), gắn bó với nghề này trong suốt 25 năm qua. 

Ông Trương Thiên Phong tỉ mẩn đến từng chi tiết của sản phẩm. Ảnh: B.Nguyên
Ông Trương Thiên Phong tỉ mẩn đến từng chi tiết của sản phẩm. Ảnh: B.Nguyên

* Gắn bó bằng đam mê

Gia đình ông Trương Thiên Phong vốn là người gốc Huế, sau ngày đất nước giải phóng mới vào huyện Trảng Bom sinh sống. Từ thuở nhỏ, ông đã rất khéo tay, vẽ đẹp nên thích làm các món đồ thủ công. Gia đình khó khăn nên khi trưởng thành, ông làm thuê làm mướn đủ nghề để sinh sống. Sống ở vùng có làng nghề điêu khắc đá, ông tự mày mò học cách điêu khắc tượng đá do sở thích. Ông Phong kể: “Gần 30 tuổi, tôi mới quyết định mở cơ sở điêu khắc đá chuyên về dòng tượng tôn giáo, tượng phong thủy. Đây vốn là nghề tay trái nhưng chính niềm đam mê đã gắn bó tôi với công việc này suốt mấy chục năm qua. Những ngày đầu tôi là thợ chính, có thêm đôi ba thợ phụ. Tôi cũng không đăng ký thành lập cơ sở vì vẫn làm theo quy mô sản xuất hộ gia đình”.

Theo ông Phong, giá trị nhất của một bức tượng chính là cái hồn người thợ thổi vào để những khối đá vô tri trở nên sinh động, cuốn hút. Vì dòng tượng này chủ yếu được tạo nên từ các khối đá quý tự nhiên nên mỗi một khối đá có một hình thù, đặc tính riêng. Người thợ phải nương vào hình dáng có sẵn để chế tác nên một tác phẩm thủ công hoàn chỉnh, không đụng hàng. “Nhiều khi khách giao cho mình một khối đá, tôi cứ trăn trở hoài để tìm ra cái thế, cái hồn riêng của đá. Có tác phẩm chỉ mất một đôi tuần, nhưng có những tác phẩm đội ngũ thợ phải tỉ mỉ làm trong vài tháng, thậm chí cả năm mới hoàn tất công việc” - ông Phong chia sẻ.

* Cân bằng giữa nghệ thuật và kinh doanh

Nhờ tạo ra được những tác phẩm đẹp, độc đáo nên dù không hề có hoạt động quảng bá hay giới thiệu cơ sở, nhưng ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến tận nơi đặt hàng. Nghề điêu khắc đá phong thủy này cũng có những giai đoạn thăng trầm do những biến động mạnh từ thị trường bất động sản. Nhưng Cơ sở Trương Thiên Phong vẫn hoạt động ổn định, làm không kịp đáp ứng đơn hàng của khách vì ông có những mối đặt hàng lớn là giới kinh doanh tượng bằng đá quý ở TP.Hồ Chí Minh, khách hàng  trong và ngoài nước.

Theo ông Phong, điêu khắc đá là nghề cần sự tĩnh lặng. Người thợ thường chìm đắm trong suốt quá trình chạm khắc tỉ mỉ từng chi tiết để hoàn thành tác phẩm của mình. Nhưng là chủ cơ sở, ông cũng phải quán xuyến, lo toan mọi hoạt động khác, từ giao tiếp với khách hàng đến quản lý con người, tổ chức sản xuất. Ông Phong chia sẻ: “Tôi phải sắp xếp tốt việc gia đình, hoạt động kinh doanh của cơ sở ổn định thì mới yên lòng để chuyên tâm vào tác phẩm. Để làm được điều đó, mình phải “tu tâm”, cũng phải biết buông bỏ, tìm người hỗ trợ chứ không ôm đồm mọi thứ thì mới cân bằng được giữa con người nghệ thuật và con người kinh doanh được”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều