Báo Đồng Nai điện tử
En

"Ẩn số" xuất khẩu

09:01, 16/01/2017

Khép lại năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh không đạt mức tăng trưởng như mong muốn do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có giá các đơn hàng bị giảm so với năm trước.

Khép lại năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh không đạt mức tăng trưởng như mong muốn do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có giá các đơn hàng bị giảm so với năm trước. Theo các chuyên gia kinh tế cũng như nhiều chủ doanh nghiệp, năm 2017 dù đầu năm có sáng sủa hơn, song vẫn còn là một ẩn số.

Côngnhân kiểm kim hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Sagawa (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch).
Côngnhân kiểm kim hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Sagawa (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch).

Xây dựng mục tiêu tăng trưởng về xuất khẩu Đồng Nai cũng như cả nước trong năm 2017 khá thận trọng bởi các lĩnh vực chính, như: may mặc, giày dép, đồ gỗ... còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Giá giảm

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 15,23 tỷ USD, thấp hơn so với kế hoạch là 15,8 tỷ USD. Dù vậy, so với năm 2015  kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 8%.

Ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Công thương, cho biết mức tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 chậm lại do liên tiếp 3 quý mức tăng trưởng chỉ đạt từ
5,6-7,6%, đến quý IV mới đạt được 8,2%. Mức tăng trưởng mạnh ở những tháng cuối năm tập trung vào 3 mặt hàng chính là: giày dép, dệt may và sợi các loại. Riêng giày dép xuất khẩu cả năm 2016 đạt trên 2,85 tỷ USD, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; xuất khẩu may mặc đạt 1,56 tỷ USD, chiếm 12% và xuất khẩu xơ, sợi dệt đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 8%. “Năm 2016, xuất khẩu bị ảnh hưởng 2 yếu tố là giá thấp và đơn hàng ít. Trung bình đơn giá xuất khẩu giảm tới 1,8% so với năm 2015” - ông Dân nói.

Không riêng gì Đồng Nai, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2016 đơn giá xuất khẩu suy giảm hàng quần áo trên 5%, hàng thời trang giảm 10%. Cũng theo hiệp hội này, trong 4 thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn của Việt Nam thì có tới 3 thị trường mức tiêu dùng giảm, cụ thể: tại Mỹ tiêu dùng hàng dệt may giảm hơn 4,8%, Nhật Bản là  1,7%, Hàn Quốc giảm hơn 4%, riêng chỉ có thị trường châu Âu tăng 5%.  Với giày dép xuất khẩu cũng vậy, số liệu của Hiệp hội Da - giày - túi sách Việt Nam, năm 2016 ngành này chỉ đạt mức tăng trưởng 8%, thay vì 10% như mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân của việc này là sức mua tại thị trường châu Âu bị giảm do bất ổn về chính trị, ngoài ra còn bị cạnh tranh đơn hàng với một số nước trong khu vực.

Tiềm ẩn những bất lợi

Theo nhận định của nhiều nhà kinh tế, năm 2017 xuất khẩu vẫn là ẩn số bởi còn nhiều những khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, cho rằng ở một số lĩnh vực lớn vẫn còn tiềm ẩn những khó khăn. Cụ thể,  năm 2017 giá của nhiều sản phẩm xuất khẩu chưa thể “nóng” lên được, trong khi đó một số ngành chính như dệt may có thể tiếp tục gặp khó khăn do phải cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Các quốc gia này tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là phá giá đồng nội tệ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Trong khi đó, dự báo tổng cầu dệt may thế giới vẫn ở mức tăng trưởng chậm.

Một điều đáng ngại nữa đặt ra với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu là nhiều nhà nhập khẩu sản phẩm đã chuyển dịch đơn hàng sang các nước có giá nhân công rẻ hơn, như: Myanmar, Bangladesh, Campuchia... Các quốc gia cạnh tranh với Việt Nam đang nỗ lực bảo vệ thị phần, điển hình là phá giá đồng tiền: ở Trung Quốc, nhân dân tệ phá giá 11%; Ấn Độ, Indonesia phá giá trên 12%; Malaysia 20%, giúp hàng xuất khẩu ở những quốc gia này rẻ đi so với hàng của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty cổ phần tổng hợp gỗ Tân Mai (TP.Biên Hòa), đơn vị vừa có cả sản phẩm may mặc và gỗ xuất khẩu, cũng nhận định xuất khẩu năm 2017 chưa phải là dễ dàng, dù trong quý I này mức tăng trưởng tương đối tốt so với cùng kỳ năm 2016. Có lẽ cũng nhìn thấy những khó khăn tiềm ẩn nên năm 2017 tỉnh đặt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu từ 7-9% so với năm 2016, cụ thể kim ngạch đạt khoảng 16,3-16,6 tỷ USD.

Vân Nam

Tin xem nhiều